Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Địa phương giữ vai trò quan trọng
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến nay, cùng với các chính sách của Chính phủ và hàng loạt ưu đãi từ các địa phương, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.
3 nút thắt
Trong Báo cáo chính sách DN nhỏ và vừa khởi nghiệp tại Việt Nam được công bố mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam là chủ trương đúng đắn, nhưng cần được cải thiện ở một số khía cạnh.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trọng điểm |
Thứ nhất, nguồn ngân sách dành cho chương trình tương đối mỏng và hầu như chỉ giới hạn trong các ưu đãi thuế và trợ cấp vay vốn; các hoạt động phổ biến khác nhằm phát triển nhà cung ứng, chẳng hạn như đào tạo và nâng cao năng lực, không nằm trong chính sách này.
Thứ hai, định nghĩa về CNHT có lẽ quá cứng nhắc và nghiêng nhiều về ngành sản xuất chế tạo, trong khi ngành dịch vụ cũng có thể thực hiện chức năng "hỗ trợ" quan trọng cho ngành xuất khẩu.
Thứ ba, các ưu đãi hiện nay có thể được mở rộng cho các nhà cung ứng thứ cấp, nhằm xây dựng các chuỗi giá trị trong nước tích hợp hơn.
Cuối cùng, việc giám sát và đánh giá chính sách CNHT vẫn có thể cải thiện hơn nữa. Có thể phối hợp chính sách này với các chương trình liên quan khác của Chính phủ dành cho các nhà cung ứng trong nước tiềm năng. Cần có cách tiếp cận tích hợp hơn nhằm xây dựng chuỗi cung ứng liên kết dọc.
Chính sách cần thiết thực, đủ mạnh
Theo Bộ Công Thương, nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để thúc đẩy sự phát triển của CNHT, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.
Là một trong những địa phương nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, tỉnh Hưng Yên đã đưa ra rất nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút các DN công nghiệp tới “làm tổ”. Định hướng đến năm 2025, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Theo đó, ưu tiên phát triển các ngành CNHT cho các nhóm cơ khí chế tạo, thiết bị điện - điện tử, dệt may - da giày, sản xuất và lắp ráp xe ôtô, công nghiệp công nghệ cao.
Tại Bắc Giang, sự xuất hiện của các DN FDI đã giúp địa phương hình thành được chuỗi CNHT phát triển, kéo theo sự chuyển dịch của các ngành công nghiệp ở địa phương như: Linh kiện điện - điện tử, pin năng lượng mặt trời, cơ khí, phụ kiện ngành may, công nghiệp chế biến nông, lâm sản... “Bắc Giang không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh, các dự án nhỏ thuê lại nhà xưởng, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay”, đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho hay.
Những năm gần đây, Hải Phòng cũng nổi lên như một trung tâm phát triển CNHT mới ở phía Bắc với việc tập trung hỗ trợ phát triển ngành cơ khí vận tải, bao gồm ngành sản xuất xe có động cơ, ngành công nghiệp đóng tàu. Việc tập đoàn Vingroup đang xây dựng khu CNHT sản xuất ôtô với diện tích 70ha với nhiều dự án phụ trợ khác với tổng vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng cũng đang mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN xuyên quốc gia.
Bộ Công Thương kỳ vọng các địa phương chủ động nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển
Bộ Công Thương kỳ vọng các địa phương chủ động nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT nói riêng và công nghiệp nói chung. |