Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp ngành điện tử
Tăng trưởng nhanh và cơ hội lớn...
Theo Sách trắng Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2021, cơ cấu ngành công nghiệp điện tử Việt Nam năm 2020 như sau: Điện thoại, chiếm 73,09%; máy ảnh và xử lý dữ liệu tự động chiếm 5,87%; mạch điện tử và tích hợp 9,38%; camera chiếm 3,65%; micro và giá đỡ chiếm 3,28%; các sản phẩm khác chiếm 4,73%.
Cơ cấu của sản xuất công nghiệp ngành điện tử Việt Nam |
Kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử những năm gần đây không ngừng tăng lên, cụ thể, theo bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA): Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử đạt 78,78 tỷ USD, nhập khẩu 59,055 tỷ USD và xuất siêu 19,72 tỷ USD; năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử là 87,29 tỷ USD, nhập khẩu 65,95 tỷ USD và xuất siêu 21,336 tỷ USD.
Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam xuất khẩu 95,76 tỷ USD, nhập khẩu 80,6 tỷ USD và xuất siêu 15,14 tỷ USD; năm 2021, kim ngạch xuất khẩu là 108,29 tỷ USD, nhập khẩu 96,7 tỷ USD và xuất siêu 11,54 tỷ USD; năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt 114,5 tỷ USD, nhập khẩu 103,28 tỷ USD và xuất siêu 11,24 tỷ USD.
Điều đó cho thấy, kim ngạch xuất nhập của ngành công nghiệp điện tử đang tăng trưởng rất tốt trong những năm gần đây. Đặc biệt, năm 2021, trong bối cảnh Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD thì riêng ngành công nghiệp điện tử xuất siêu 11,5 tỷ USD.
Năm 2022, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD, nhưng riêng ngành công nghiệp điện tử xuất siêu 11,24 tỷ USD và chiếm tới 30,08% tỷ trọng xuất khẩu so với mức kim ngạch xuất khẩu 371,85 tỷ USD cả nước.
“Ngành công nghiệp điện tử đã góp phần rất lớn vào cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại của Việt Nam” – bà Đỗ Thị Thuý Hương khẳng định.
Bên cạnh tăng trưởng nhanh, chia sẻ với phóng viên mới đây, ông Darren. Seah – Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) cho biết: Rất nhiều tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam và cam kết mở rộng đầu tư, hoặc cho biết sẽ chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất của họ như Samsung, LG, Canon… đặt Việt Nam vào vị trí trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử khu vực Đông Nam Á, thậm chí châu Á. Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Biểu đồ kim ngạch xuất nhập khẩu ngành công nghiệp điện tử Việt Nam giai đoạn 2018-2022 (đơn vị tỷ USD) |
... Nhưng thách thức cũng không nhỏ
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử có sự tăng trưởng rất tích cực trong thời gian qua, nhưng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại vào năm 2022 với mức tăng trưởng 5,76% so với năm 2021, trong khi năm 2021 tăng trưởng đến 13% so với năm 2020.
Nguyên nhân của tình trạng này được các chuyên gia lý giải bởi những thách thức tăng trưởng kinh tế, dịch bệnh, lạm phát, xung đột… xảy ra trên thế giới trong năm 2022. Cùng với đó, là những rủi ro về an ninh năng lượng gia tăng. Điều này đã kéo theo nhu cầu, thói quen và hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi.
Không chỉ ưa chuộng mua sắm trực tuyến, họ quan tâm nhiều hơn đến tính ứng dụng thực tế của các sản phẩm, thiết bị điện tử hơn là các thiết bị cao cấp do thu nhập bị giảm sút. Trên cơ sở đó, đòi hỏi các nhà sản xuất cũng phải căn cứ hàng vi tiêu dùng của khách hàng để điều chỉnh định hướng sản xuất và năng lực sản xuất của các thiết bị.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đa số có quy mô nhỏ |
Một thách thức nữa cũng được cho là thách thức đối với việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đó là, hiện Việt Nam có khoảng hơn 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là các nhà cung cấp cấp 1 cho các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở hai đầu tàu kinh tế là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với lần lượt là 121 doanh nghiệp và 86 doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy mô trung bình của các doanh nghiệp này vẫn nhỏ, với 202 lao động và doanh thu trung bình khoảng 3,2 triệu USD.
Theo PGS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đầu tư tại Việt Nam đưa ra rất nhiều tiêu chí đối với doanh nghiệp trong nước nếu muốn trở thành nhà cung ứng cấp 1 của họ. Mặc dù một số doanh nghiệp đã đáp ứng được, nhưng đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thì không đáp ứng được tiêu chí này.
Nguyên nhân bên cạnh khoảng cách về trình độ, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng ngành doanh nghiệp điện tử trong nước hiện còn được đánh giá thiếu và yếu về lao động có kỹ năng, tay nghề cao. Đây cũng là một thách thức không nhỏ của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử.
Để khắc phục hạn chế này, mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước nói chung, trong đó có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử, Việt Nam cần có chính sách đào tạo kỹ năng cho lao động ngành điện tử thông qua liên kết với các trường đại học, các đối tác, nhằm đáp ứng với nhu cầu lao động chất lượng cao trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.