Thứ năm 07/11/2024 23:31

Thái Nguyên: Nguy hiểm rình rập tại mỏ sắt của Hợp tác xã Chiến Công

Mỏ sắt của Hợp tác xã Chiến Công tại xã Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên) hiện vẫn chưa được hoàn thổ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công (HTX Chiến Công) có trụ sở chính tại tổ dân phố 3, phường Phố Cò, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Ngành, nghề kinh doanh của đơn vị này bao gồm: Khai thác quặng sắt, sản xuất các mặt hàng công nghiệp và dân dụng, xây dựng công trình đường bộ... Người đại diện theo pháp luật của HTX Chiến Công là ông Đinh Huy Chiến.

Tài nguyên ra đi, hiểm nguy ở lại

Nhắc đến HTX Chiến Công, người dân tại xóm 10 (xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) không giấu nổi nỗi bức xúc. Người dân phản ánh, mỏ sắt Cù Vân của HTX Chiến Công đã ngừng hoạt động gần 2 năm nay, nguyên nhân là do giấy phép đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, HTX Chiến Công vẫn chưa tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường. Ghi nhận thực tế tại mỏ sắt Cù Vân cho thấy, tại đây vẫn còn moong nước sâu chưa được san lấp, bao quanh là dãy đất đá cao như núi.

Moong nước sâu tại mỏ sắt của HTX Chiến Công khiến người dân nơm nớp lo sợ về nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

Ông Hoàng Văn Phú (xóm 10, xã Cù Vân) bộc bạch, moong nước sâu tại mỏ sắt Cù Vân khiến người dân nơm nớp lo sợ về nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Các gia đình đều phải căn dặn, nghiêm cấm trẻ em đến gần khu vực có moong nước sâu tại mỏ sắt Cù Vân.

Ông Phú cho biết thêm, trước khi mỏ sắt của HTX Chiến Công đi vào hoạt động, trước cửa nhà ông là sân bóng của xóm. “Đất thải được đào từ mỏ sắt đem đổ ra sân bóng. Chúng tôi mong muốn được hoàn trả lại mặt bằng sân bóng để cho trẻ em có địa điểm vui chơi”.

Những gia đình sinh sống dưới chân mỏ sắt Cù Vân luôn lo lắng, bất an mỏ sắt bị sạt lở.

Bên cạnh nỗi bất an về nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước đối với trẻ em, người dân xóm 10 còn cho biết vào những ngày mưa to kéo dài là đất, đá tại mỏ sắt Cù Vân lại sạt lở, cuốn theo dòng nước trôi xuống các hộ gia đình, gây ảnh hưởng đến môi trường sống.

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nga (xóm 10, xã Cù Vân) nằm dưới chân mỏ sắt của HTX Chiến Công. Gia đình bà Nga luôn nơm nớp nỗi lo mỏ sắt chưa hoàn thổ của HTX Chiến Công bị sạt lở, cùng với đó là cảm giác bất an về moong nước sâu chưa được san lấp. “Tôi lo lắng moong nước bị vỡ, nước sẽ tràn xuống những ngôi nhà ở dưới chân mỏ sắt Cù Vân”, bà Nga không giấu được sự lo lắng.

Bà Nga cho biết, người dân đã nhiều lần phản ánh ý kiến tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri. Theo đó, người dân xã Cù Vân yêu cầu HTX Chiến Công sau khi khai thác xong phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại mặt bằng để người dân trồng cây.

Người dân mong muốn được hoàn trả lại mặt bằng sân bóng để cho trẻ em có địa điểm vui chơi

Cần sớm thực hiện hoàn thổ mỏ sắt Cù Vân

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Vân xác nhận giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Cù Vân của HTX Chiến Công đã hết hiệu lực từ tháng 6/2022. UBND xã Cù Vân đã nhận được thông tin phản ánh của người dân và có ý kiến với UBND huyện Đại Từ về vấn đề này.

Mặc dù mỏ sắt Cù Vân đã ngừng hoạt động gần 2 năm nay nhưng HTX Chiến Công vẫn chưa tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cù Vân, hiện tại HTX Chiến Công vẫn chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ để hoàn thổ, trả lại mặt bằng cho địa phương. Ông Dũng cho biết: “Tôi đã trao đổi và được biết phía hợp tác xã đang làm thủ và vẫn chưa có quyết định đóng cửa mỏ".

Phó Chủ tịch UBND xã Cù Vân cho biết thêm, khu đất tại mỏ sắt Cù Vân đang được quy hoạch sang đất trồng rừng. “Quy hoạch sử dụng đất là đăng ký chuyển đổi thành đất trồng rừng rồi nhưng quan trọng nhất bây giờ là phải đóng cửa mỏ và hoàn thổ”, ông Dũng thông tin.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Tạ Phương, Văn phòng Luật sư Trung Hòa, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 58 Luật Khoáng sản năm 2010 có quy định: Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên có liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời hạn này, tài sản còn lại thuộc sở hữu Nhà nước”.

“Đồng thời, trong thời hạn quy định nêu trên, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”, luật sư Phương nhấn mạnh.

Hiện tại là đã quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Cù Vân của HTX Chiến Công hết hiệu lực. Tuy nhiên, HTX Chiến Công vẫn chưa hoàn thành các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai.

Việc chậm trễ cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai tại mỏ sắt Cù Vân đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước đối với trẻ em. Không chỉ khiến người dân nơm nớp bất an, việc mỏ sắt chưa được hoàn thổ còn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ảnh hưởng đến công tác trồng rừng của địa phương.

Trước thực trạng đó, người dân tại xóm 10 (xã Cù Vân) bày tỏ nguyện vọng mong muốn mỏ sắt của HTX Chiến Công sẽ sớm được cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai. Mong rằng UBND tỉnh Thái Nguyên có những chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân xã Cù Vân.

Luật sư Tạ Phương, Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Đối với doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể theo Điều 38 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng tiến độ hoặc thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt. Ngoài ra cũng có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các vi phạm cụ thể”.

Việt Bắc
Bài viết cùng chủ đề: Thái Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Bình Thuận: Công ty Tân Quang Cường bị cưỡng chế thuế vì nợ hơn 14 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Dược phẩm dược liệu Kinh Bắc bị cấm đấu thầu 6 tháng

Công an Hà Nội truy nã đặc biệt đối tượng bắt người, ép chuyển 710 triệu đồng vào tài khoản game

Hải quan Nghệ An bắt giữ 5 đối tượng người nước ngoài vận chuyển trái phép 70 kg ma túy

Cận cảnh bốc xếp lưu huỳnh lộ thiên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Phúc

TP. Hồ Chí Minh: Thanh tra kết luận hàng loạt sai phạm tại Công ty Công ích quận 1

Nợ thuế hơn 11 tỷ đồng, Công ty nhà Bạc Liêu bị ngừng sử dụng hóa đơn

Đồng Nai: Sử dụng hoá chất với trái cây, hai Công ty Chánh Thu và Út Thọ bị xử phạt nặng

Cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn Công ty Xây dựng thủy lợi Tuyên Quang

Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố chủ doanh nghiệp vận tải trốn thuế hơn 3,3 tỷ đồng

Thanh Hóa: Công an huyện Ngọc Lặc bắt đối tượng 'cò đất' chiếm đoạt tài sản của nhiều hộ dân

Công an Bà Rịa – Vũng Tàu bắt trưởng phòng thuộc Sở Giao thông vận tải liên quan chuyên án đất đai

Nghệ An: Công an huyện Quỳnh Lưu phá thành công chuyên án mua bán pháo nổ xuyên quốc gia

Công an Nghệ An bắt đối tượng Nguyễn Thành Huy trộm vàng sau 48 giờ gây án

Bắc Giang: Xử phạt Công ty Minh Hà 350 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực môi trường

Quảng Nam: Khởi tố đối tượng Lê Mạnh lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước

Bắc Giang: Cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn Công ty An Phát và Công ty Phú Ngọc

Thanh Hóa: Bắt đối tượng Bùi Văn Tuấn để điều tra hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ

Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện nhiều vi phạm tại các quán bar ‘trá hình’

Cà Mau: Cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn Công ty Đầu tư xây dựng BOT & BT miền Nam