Thứ năm 12/12/2024 04:45

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Thái Nguyên triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng của Hiệp định UKVFTA, mở ra cơ hội lớn xuất khẩu vào thị trường Anh.

Việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) đã và đang mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên vào thị trường UKVFTA nói chung và Vương quốc Anh nói riêng.

Thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng hiệu quả Hiệp định UKVFTA, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, thực hiện các hoạt động, chương trình quan trọng.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc /chu-de/so-cong-thuong-thai-nguyen.topic.

Hiệp định UKVFTA được xem là mở lối để hàng hoá Việt Nam có nhiều cơ hội lên kệ siêu thị Anh. Cùng với nhiều địa phương, xin ông cho biết, hiện Thái Nguyên đang triển khai xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Anh như thế nào? Quá trình xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này có những thuận lợi nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên.

Trong những năm qua, Thái Nguyên luôn là tỉnh đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. UKVFTA được xem là hiệp định quan trọng mở lối để hàng hoá Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.

Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên vào thị trường UKVFTA gồm các mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép các loại... đều là các sản phẩm có ưu thế xuất khẩu của Việt Nam và được hưởng ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA; cơ bản các đơn vị đã vận dụng và phát huy được cơ hội khi xuất khẩu vào thị trường này.

Đối với Vương quốc Anh, đến nay tỉnh Thái Nguyên có 11 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường này.

Kết quả trong 11 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu vào thị trường này đạt 685 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,6% trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu bao gồm sản phẩm gỗ lát sàn, nhựa lát sàn, điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm may mặc, dụng cụ dùng trong y tế.

Giá trị nhập khẩu từ thị trường Anh đạt 250 triệu USD, bao gồm nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất mũ bảo hiểm thời trang của hãng Dainess, hàng tạm nhập về linh kiện điện thoại, vi tính, nguyên liệu sản xuất.

Vương quốc Anh là một trong những thị trường có hàng rào kỹ thuật hết sức khắt khe, đòi hỏi chất lượng hàng hoá của Việt Nam phải không ngừng nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Về vấn đề này, thời gian qua, Sở Công Thương đã đẩy mạnh ra sao? Đồng thời, ông có thể chia sẻ thêm về các khó khăn, vướng mắc trong nỗ lực đưa hàng hoá sang thị trường Anh thời gian qua?

Căn cứ Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 18/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 12/11/2021 để triển khai thực hiện Hiệp định UKVFTA trên địa bàn tỉnh, trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm triển khai thực hiện và khai thác có hiệu quả Hiệp định UKVFTA trên địa bàn tỉnh, gồm các nội dung: Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về UKVFTA và thị trường Vương quốc Anh; hướng dẫn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh theo đúng các quy định của pháp luật và cam kết trong Hiệp định; đảm bảo việc thực hiện cơ chế tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

Cùng với đó, tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công Thương, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương để đảm bảo việc thực hiện hiệp định được hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo lập và củng cố nền hành chính năng động, dân chủ, hiện đại; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Triển khai thực hiện các chính sách xã hội, bao gồm chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo, đào tạo lại chuyển đổi nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm... để hỗ trợ người lao động khi mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh.

Tuy nhiên trong nỗ lực đưa hàng hoá sang thị trường Anh các doanh nghiệp ở địa phương cũng gặp những vướng mắc nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, hiện tại, các doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên xuất khẩu vào thị trường Anh chủ yếu là các doanh nghiệp khối FDI. Việc xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường Anh của các đơn vị thuộc khối doanh nghiệp trong nước của tỉnh Thái Nguyên còn hạn chế. Khối doanh nghiệp trong nước ở tỉnh mới chỉ có 1 đơn vị xuất khẩu sản phẩm may mặc, tuy nhiên giá trị còn ở mức còn thấp (đạt khoảng 3,6 triệu USD).

Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước ở tỉnh cũng đã có các đơn vị xuất khẩu vào các thị trường khác như sản phẩm may mặc, cơ khí, dụng cụ y tế, phụ tùng xe nhưng chưa có sản phẩm vào được thị trường Anh. Lý do là các đơn vị này chưa tìm được đối tác ở thị trường này, ở các đơn vị may mặc chủ yếu là thực hiện theo đơn đặt hàng gia công của đối tác nước ngoài, năng lực tự thiết kế chào hàng còn hạn chế.

Ngoài ra, đối với sản phẩm trà Thái Nguyên thì một số đơn vị trên địa bàn tỉnh đã bước đầu tiếp cận thành công xuất khẩu vào các thị trường khó tính: Ba Lan, Đức, Séc, Nhật Bản (chủ yếu dưới hình thức ủy thác), tuy nhiên lượng hàng chưa ổn định, số lượng chưa nhiều.

Thái Nguyên hiện có 1 đơn vị xuất khẩu sản phẩm may mặc sang thị trường Vương quốc Anh - Ảnh: Cấn Dũng

Cửa thị trường Vương quốc Anh đang rộng mở với hàng hoá Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường này không hề dễ dàng bởi sự cạnh tranh và những yêu cầu cao về chất lượng. Từ đòi hỏi này, ông có thể chia sẻ một số giải pháp được ngành Công Thương Thái Nguyên triển khai nhằm đưa nhiều hơn các sản phẩm địa phương xuất ngoại sang thị trường Anh?

Anh quốc là một thị trường có những đòi hỏi, quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao đối với các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam và Thái Nguyên nói riêng. Sản phẩm cần phải có các giấy chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn của EU, đáp ứng những tiêu chuẩn như môi trường, xã hội, phát triển bền vững...

Qua nắm bắt tình hình, ngành Công Thương Thái Nguyên đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục công tác tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc biệt là các đơn vị có hoạt động xuất nhập khẩu về chủ trương, đường lối hội nhập kinh tế của Đảng và nhà nước, trong đó bao gồm các FTA mà Việt Nam đã ký kết, lưu ý các FTA có lợi thế đối với các ngành hàng ở tỉnh Thái Nguyên, trong đó có Hiệp định UKVFTA.

Thứ hai, xác định các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên trong đó quan tâm đối với khối doanh nghiệp địa phương với các sản phẩm: May mặc, cơ khí, sản phẩm nông sản chế biến (trà Thái Nguyên, miến dong…). Để xuất khẩu được thì cần có nghiên cứu về thị trường Anh để nắm bắt được nhu cầu của thị trường Anh đối với các sản phẩm này; và để làm được điều này tỉnh Thái Nguyên rất mong các mong cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Anh cung cấp cho tỉnh Thái Nguyên các thông tin về thị trường.

Thứ ba, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh với thị trường Anh, thấu hiểu văn hóa của thị trường Anh, các tập quán kinh doanh và thay đổi tư duy bán hàng. Tư duy bán hàng cho người tiêu dùng Anh quốc có yêu cầu cao về chất lượng.

Thứ tư, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp mạnh dạn đa dạng hóa các sản phẩm mà thị trường có nhu cầu, thay vì việc chỉ tập trung ở những số lượng hữu hạn, các sản phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường Anh.

Thứ năm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên vào các lĩnh vực, ngành có lợi thế để tận dụng các cơ hội từ UKVFTA và các FTA khác.

Để tăng tốc khai thác dư địa thị trường từ "đường cao tốc" hai chiều UKVFTA, từ góc độ địa phương, ông có đề xuất gì về công tác hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Anh trong thời gian tới?

Vương quốc Anh được đánh giá là thị trường khó tính vì thế, cần tập trung phát triển sản xuất có trọng tâm - trọng điểm, không chỉ cho hàng xuất khẩu mà còn phục vụ cả tiêu dùng trong nước và các quốc gia khác trên thế giới.

Theo đó, để việc thực thi Hiệp định UKVFTA đạt kết quả tốt nhất, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên có một số đề xuất kiến nghị với Chính phủ, các bộ/ngành:

Thứ nhất, tăng cường hỗ trợ địa phương phân tích, cung cấp thông tin về thị trường Anh quốc; nhu cầu thị hiếu đối với các nhóm mặt hàng; hỗ trợ đơn vị Thái Nguyên xây dựng thương hiệu ở thị trường Anh, cũng như thông tin về các rào cản vào thị trường này và cách thức để vượt được rào cản.

Thứ hai, hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực am hiểu về các FTA, tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế và FTA tại địa phương nhằm tăng tính hiệu quả thực thi FTA.

Thứ ba, tổ chức tọa đàm hệ sinh thái theo nhóm ngành hàng mà doanh nghiệp trong nước của Thái Nguyên có lợi thế như may mặc, cơ khí, sản phẩm trà hữu cơ... Qua đó, xác định các nhiệm vụ và công tác phối hợp các các cơ quan trong việc hỗ trợ thúc đẩy đơn vị xuất khẩu hiệu quả.

Thứ tư, Thương vụ Việt Nam tại Anh cung cấp cho Thái Nguyên danh mục các đơn vị có uy tín, có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên; hỗ trợ tổ chức các chương trình kết nối các đơn vị xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên với các thương nhân ở Anh trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp định UKVFTA

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái: Họp bàn phương án sắp xếp tổ chức bộ máy

Bắc Giang: Xử lý nghiêm tình trạng trốn tránh kê khai tài sản không chấp hành bản án dân sự

Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ giải thể, sáp nhập những sở, ban, ngành nào?

Doanh số bán hàng đạt 7 tỷ đồng từ Hội chợ Thương mại và Du lịch miền Tây Thanh Hoá năm 2024

Đà Nẵng: Năm 2025 tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy, triển khai hiệu quả cơ chế đặc thù

Ông Dương Minh Dũng - Bí thư Huyện ủy Long Thành được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Lào Cai: Phát huy vai trò cực tăng trưởng, tự tin bước vào năm 2025

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Cần Thơ: Sắp diễn ra Liên hoan “Ca nhạc, ca cổ, tiểu phẩm Xuân” lần thứ XV

Đồng Tháp thực hiện nghị quyết 18, tinh giản hàng nghìn cán bộ

Ông Trần Phong được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình

Hải Dương: Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển

Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2024

Vĩnh Phúc: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt khoảng 96%

Cận cảnh khu biệt thự 370 tỷ đồng bỏ hoang bên bãi biển Hà Tĩnh

Bạc Liêu: Kiến nghị kỷ luật 11 tổ chức, 32 cá nhân sau thanh tra

Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án FDI và 1 dự án DDI

Bạc Liêu: Đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động

Thái Nguyên tạo đột phá, thu hút các 'đại bàng' công nghệ

Quảng Nam: Nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam