Thái Bình chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nhiệt điện LNG với quy mô 1.500 MW
Tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất với các nội dung trong Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về việc đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy. Đồng thời, Đảng bộ tỉnh Thái Bình cũng khẳng định đây là dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao quy mô nền kinh tế cũng như vị thế của tỉnh; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tỉnh Thái Bình cũng cho rằng đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư và kỳ vọng dự án sẽ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, dự án đã có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để triển khai thực hiện dự án; trong đó nhấn mạnh, dự án đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất của tất cả các bộ, ngành liên quan.
Thái Bình chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nhiệt điện LNG với quy mô 1.500 MW - Ảnh minh họa |
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng khẳng định, đây là dự án lớn mang tầm vóc quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, ông Ngô Đông Hải cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý, tổ chức triển khai các bước tiếp theo, quan tâm hỗ trợ cho nhà đầu tư để bảo đảm tiến độ đã đề ra và yêu cầu trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý. Khi đã đầy đủ các thủ tục pháp lý thì bắt tay ngay vào triển khai trên thực địa, tiến hành giải phóng mặt bằng, giao đất và đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho nhà đầu tư sớm khởi công dự án. Mục tiêu là sẽ khởi công dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Bình cần phải tiếp tục tham mưu với Chính phủ bổ sung thêm chỉ tiêu công suất để có thể mở rộng dự án trong thời gian sớm nhất và biến dự án trở thành dự án trọng điểm của khu vực và của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng cho rằng, mục tiêu của tỉnh không chỉ dừng ở dự án này, đây sẽ là hạt nhân, cơ sở để xây dựng khu vực kinh tế - xã hội năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, zero cacbon theo đúng xu hướng hiện nay của thế giới; từ đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh.
Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy của các nhà đầu tư: Tokyo Gas Co.,LTD và Kyuden International Corporation và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam.
Trước đó, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Đối tác tăng trưởng xanh châu Á lần thứ Hai được tổ chức vào năm 2022, với sự tham gia của Bộ trưởng và đại diện của các tổ chức quốc tế cùng một số doanh nghiệp đến từ các nước châu Á, Trung Đông. Trong khuôn khổ hội nghị này, Ban tổ chức đã lựa chọn 10 dự án tiêu biểu của châu Á để ký kết, trước sự chứng kiến của các quan chức tham dự Hội nghị.
Tại đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với 2 đối tác hàng đầu của Nhật Bản là Tokyo Gas và Kyuden về hợp tác nghiên cứu, đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Thái Bình (địa điểm dự kiến đầu tư thuộc huyện Thái Thụy), với quy mô công suất (giai đoạn 1) là 1.500 MW.
Lễ ký kết MOU giữa TTVN và đối tác Tokyo Gas – Kyuden (Nhật Bản) về hợp tác phát triển dự án LNG Thái Bình - Ảnh TTVN |
Việc Nhiệt điện LNG Thái Bình được lựa chọn là một trong 10 dự án tiêu biểu của châu Á tham gia ký kết tại Hội nghị lần này thể hiện vai trò quan trọng của dự án trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Ban Tổ chức sự kiện đã ghi nhận nỗ lực và quyết tâm của TTVN Group, Tokyo Gas và Kyuden trong hợp tác nghiên cứu, phát triển dự án trên.
Được biết, dự án Nhà máy nhiệt điện LNG nằm trong quy hoạch Trung tâm Điện – Khí LNG xây dựng tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, nhu cầu sử dụng đất khoảng 193ha với quy mô tổng công suất 4.500MW sử dụng nhiên liệu chính là khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu (LNG). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5,864 tỷ USD.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng và cần thiết, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Công ty Tokyo Gas thành lập năm 1885, là một trong những công ty khí lớn nhất Nhật Bản và có vị thế quan trọng trong ngành khí toàn cầu. Tokyo Gas đang cung cấp khí cho hơn 11 triệu khách hàng tại Nhật Bản và là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn ở Nhật Bản như: Tokyo, Kanagawa, Chiba... Tokyo Gas có nguồn LNG ổn định từ các dự án tham gia góp vốn tại Mozampich, Canada và Vịnh Mexico (Hoa Kỳ). Trong quá trình tự do hóa thị trường năng lượng của Nhật Bản, ngoài kinh doanh khí, Tokyo Gas còn đầu tư vào các nhà máy điện. Năm 2020, tổng khối lượng khí giao dịch toàn cầu đạt 18,2 triệu tấn, với hơn 12,3 triệu khách hàng; doanh thu từ kinh doanh khí đạt 9,5 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, Tokyo Gas đã tham gia vào hơn 35 dự án kho cảng tiếp nhận LNG ở nước ngoài, 20 dự án kho cảng tiếp nhận LNG tại Nhật Bản và chuyển giao kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức về LNG cho các quốc gia trên thế giới. |