Chủ nhật 22/12/2024 13:57

Tây Ninh thúc đẩy kinh tế cửa khẩu

Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã quy hoạch, triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm tạo cú huých cho sự phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Trong đó, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là một điểm nhấn. Hoạt động này góp phần mở rộng không gian phát triển cho TP. Hồ Chí Minh nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung gắn với củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại của quốc gia.

Giá trị lớn về kinh tế - xã hội

Được thành lập năm 1998, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không chỉ là một cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia mà còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia. Đây còn là khu vực đầu tàu cho toàn bộ tuyến biên giới Tây Nam trên con đường hội nhập.

Tây Ninh thúc đẩy kinh tế cửa khẩu. Ảnh minh họa

Thời gian qua, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 56 dự án đầu tư, trong đó có 20 dự án vốn đầu tư nước ngoài và 36 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 401 triệu USD và 8.600 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tăng mạnh qua các năm: Nếu như năm 2015 là 476,66 triệu USD thì đến năm 2019 con số này lên 878 triệu USD; năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt 718,49 triệu USD.

Đóng góp của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh cũng theo chiều hướng gia tăng: Năm 2015 thu ngân sách đạt 149,45 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 380,65 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 246,14 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khẳng định, qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu cửa khẩu Mộc Bài đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của tỉnh. Quan hệ giao thương với các nước ASEAN thông qua hoạt động xuất nhập khẩu ở Mộc Bài ngày càng được mở rộng; nhiều người dân được giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; góp phần bảo đảm an ninh trật tự khu vực cửa khẩu này cũng như biên giới Tây Ninh.

Đẩy mạnh phát triển theo hướng đô thị - công nghiệp – dịch vụ cửa khẩu xanh

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song thực tế, so với giá trị kinh tế - xã hội, việc phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài còn hạn chế. Mức đóng góp của Khu vào sự phát triển chung so với kỳ vọng không đạt, dù có nhiều dư địa phát triển...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được giới chuyên gia nhận định, đó là việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế (hệ thống đường giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin, xử lý chất thải...) và ngoài khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (đường cao tốc Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á, mô hình “một cửa, một lần dùng” ở cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vét....) đều chậm, thiếu đồng bộ.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đối với dự án trong nước trên địa bàn Khu kinh tế Mộc Bài còn chung chung, thiếu nhất quán. Chủ các dự án đầu tư vào Khu năng lực tài chính hạn chế, hoạt động phần lớn dựa vào vốn vay ngân hàng. Vì vậy, khi các ngân hàng thắt chặt tín dụng làm nhiều dự án chậm triển khai hoặc triển khai kéo dài nhiều năm...

Hơn thế, việc thiếu tầm nhìn hoạch định ưu tiên, không xác định được lợi thế so sánh ở Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là gì, vẫn còn loay hoay, khiến việc xác định hướng đi khó khăn.

Trước thực tế đó, TS. Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng: Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là một giải pháp mở rộng không gian phát triển cho vùng TP. Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay, mô hình phát triển siêu đô thị, đại công trường và sự quá tải về hạ tầng kinh tế xã hội tại TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp phía Nam được bộc lộ rõ trước tác động của đại dịch Covid -19 đã cho thấy chúng ta cần có sự mở rộng về không gian phát triển.

Theo đó, cần xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tầm nhìn phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh – Cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Đây là chuỗi công nghiệp đô thị huyết mạch gắn trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước là TP. Hồ Chí Minh với siêu cảng Cái Mép – Thị Vải và siêu cửa khẩu Mộc Bài kết nối với Campuchia với vùng Mê Công mở rộng, ASEAN với tuyến đường xuyên Á.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh – nêu quan điểm: Cần phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đa chức năng, gồm Công nghiệp - Đô thị - Thương mại - Dịch vụ mang tầm quốc gia và quốc tế; lấy công nghiệp hiện đại làm động lực chính cho sự phát triển. Trong đó, công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao; năng lượng sạch, đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics kết nối vùng; phát triển du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Đảm bảo sự phát triển triển Khu kinh tế cửa khẩu tạo nên cực tăng trưởng mới, có mối quan hệ tương hỗ, phù hợp định hướng phát triển chung của Vùng TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Đặc biệt, Chính phủ có cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, mang tính kết nối Vùng, tạo đột phá để khơi thông việc ách tắc giao thông tại các cửa ngỏ vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước mắt, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh trong quá trình chuẩn bị và sớm khơi thông đầu tư xây dựng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Để phát triển toàn diện Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ cửa khẩu mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, việc mời gọi các nhà đầu tư cần phải có kinh nghiệm phát triển đô thị, dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và quốc tế; có uy tín, năng lực tài chính mạnh, có đối tác tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm sử dụng công nghệ tiến tiến, lao động kỹ thuật, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu….

Tâm An
Bài viết cùng chủ đề: phát triển kinh tế cửa khẩu

Tin cùng chuyên mục

Ngày 19/11 sẽ khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (Việt Nam) – Pa Háng (Lào)

Lạng Sơn: Xuất nhập khẩu cán đích sớm

Thúc đẩy thương mại biên giới, tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam - Lào

Tăng cường giao thương, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái khởi sắc

Hà Giang: Nỗ lực thu hút đầu tư phát triển thương mại biên giới

Chính thức thông quan hàng hóa Việt - Lào qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An)

Tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam - Lào

Vùng biên Bình Liêu: Đầu tư hạ tầng thương mại, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế

Sơn La: Nâng cấp cửa khẩu, gia tăng hiệu quả thương mại qua biên giới

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng và thương mại biên giới Việt Nam - Lào

Nhộn nhịp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với Trung Quốc

Nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại biên giới

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa đạt gần 46 triệu USD

Xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn tăng cao

Móng Cái: Hơn 1,3 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu

Ngày 27/9 sẽ diễn ra Hội thảo kết nối vùng qua cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc (Lào)

Lạng Sơn: Khoác áo mới cho chợ miền núi, biên giới

‘Xây dựng cửa khẩu thông minh thực sự thông minh, giảm chi phí cho doanh nghiệp’

An Giang đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển thương mại biên giới

‘Cửa ngõ’ giao thương Việt Nam - Trung Quốc thông suốt sau bão Yagi