Tập đoàn năng lượng Equinor (Na Uy) ra mắt văn phòng tại Việt Nam
Đồng thời, sự kiện Tập đoàn Năng lượng lớn nhất Na Uy hiện diện thương mại tại Việt Nam một lần nữa khẳng định sự sẵn sàng và quyết tâm của Na Uy trong việc đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh cũng như hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26).
Việc thành lập văn phòng Equinor tại Việt Nam sẽ đem lại những xung lực mới cho mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như năng lượng giữa Việt Nam và Na Uy |
Equinor tiền thân là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Na Uy (Statoil) thành lập năm 1972. Sau 5 thập kỷ hoạt động và chuyển đổi, Equinor đã trở thành một tập đoàn năng lượng quốc tế, mặc dù quyền sở hữu đa số vẫn thuộc về nhà nước Na Uy.
Có mặt ở 33 quốc gia, Equinor đã thành công trong việc thực hiện chiến lược trở thành một công ty năng lượng đi đầu về các tiêu chuẩn bền vững, với một trong các mục tiêu là trở thành công ty phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Hiện tại, Equinor là công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, sử dụng kiến thức kinh nghiệm lâu năm từ việc xây dựng các công trình ngoài khơi của mình để phát triển các trang trại gió ngoài khơi trên toàn cầu.
Ngoài ra, Equinor đã phát triển tuabin gió nổi đầu tiên trên thế giới và đang nhanh chóng khẳng định vị trí trên thị trường gió cố định ngoài khơi. Không chỉ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực gió nổi ngoài khơi, Equinor còn có nhiều dự án lớn móng cố định trên toàn thế giới; ví dụ Equinor hiện đang xúc tiến 3,6 GW điện gió ở Anh; một dự án lớn 3,3GW ở Hoa Kỳ cung cấp điện năng cho hai triệu căn nhà, và các dự án khác ở Ba Lan.
Phó Chủ tịch Cấp cao của Equinor - ông Jens Olaf Økland |
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch cấp cao của Equinor - ông Jens Olaf Økland, Việt Nam là một trong những nền kinh tế và thị trường điện phát triển nhanh nhất thế giới. Đặc biệt, với đường bờ biển dài và điều kiện gió thuận lợi, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất châu Á. Cùng với kế hoạch phát triển mạnh mẽ thị trường điện gió ngoài khơi của mình, Việt Nam rất có tiềm năng trở thành một thị trường điện gió ngoài khơi tăng trưởng ấn tượng.
Với mong muốn tham gia vào quá trình này, ông Jens Olaf Økland cho rằng, Equinor rất vui mừng với quyết định thành lập văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam. Cùng với các đối tác trong nước, tham vọng của Equinor là ứng dụng kinh nghiệm và năng lực dồi dào về năng lượng của mình để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, mở đường cho sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo.
Bà Anita Holgersen – Trưởng đại diện Văn phòng Equinor tại Việt Nam cũng nhấn mạnh thêm, với 50 năm kinh nghiệm và công nghệ xây lắp các công trình ngoài khơi, hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Equinor kỳ vọng việc thành lập văn phòng Equinor tại Việt Nam sẽ đem lại những xung lực mới cho mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như năng lượng giữa Việt Nam và Na Uy.
Trước đó, vào tháng 10/2021, cùng với Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Equinor đã xây dựng Báo cáo Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Ngoài ra, cùng với đối tác là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam (PVN), Equinor hiện đã nộp đơn xin thực hiện dự án ở 5 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Phòng và Thái Bình.
Phó Chủ tịch Cấp cao của Equinor - ông Jens Olaf Økland cho biết, Equinor rất mong được hợp tác với PVN để đánh giá khả năng tiếp cận sớm và có quy mô những địa bàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi. “Cả hai đều là các công ty có nền tảng dầu khí mạnh mẽ, sự kết hợp giữa các kiến thức về thị trường trong nước của PVN với kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của Equinor sẽ mang lại một khởi đầu vững chắc cho sự tăng trưởng và tạo dựng giá trị”- ông Jens Olaf Økland nói.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - ông Phạm Tiến Dũng |
Phó Tổng giám đốc PVN - ông Phạm Tiến Dũng cho biết, sau khi ký kết Biên bản ghi nhớ với PVN về hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, Equinor đã thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. PVN đánh giá cao năng lực và công nghệ của Equinor trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời PVN coi Equinor là đối tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam – bà Grete Løchen |
Với bờ biển dài, Việt Nam được đánh giá có nguồn tài nguyên gió ngoài khơi dồi dào và là thị trường mới nổi về gió ngoài khơi. Ngân hàng Thế giới cũng đã chỉ ra, gió ngoài khơi có tiềm năng cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035, bằng cách thay thế dần việc phát điện bằng than, điều này có thể giúp giảm phát thải hơn 200 triệu tấn CO2 và gia tăng ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam từ chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước, tạo việc làm và xuất khẩu. Nhờ đó, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn các nguồn tài chính và đầu tư dài hạn về khí hậu.
Trên cơ sở những lợi thế của hai bên, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam - bà Grete Løchen đánh giá cao về triển vọng hợp tác năng lượng tái tạo giữa Việt Nam và Na Uy trong tương lai. Bà cũng cho biết, không chỉ Equinor mà hiện còn có một số doanh nghiệp năng lượng khác của Na Uy rất quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam.