Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Mong muốn gia tăng đầu tư để duy trì tăng trưởng
Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Hoàng Quốc Vượng (PVN) cho biết, năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, khai thác dầu thô dự kiến cả năm đạt 10,81 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch năm, tiệm cận mức thực hiện năm 2021. Sản xuất xăng dầu (không gồm Lọc hoá dầu Nghi Sơn) dự kiến cả năm đạt trên 6,7 triệu tấn, vượt 9% kế hoạch năm, tăng 5% so với thực hiện năm 2021. Các ngành sản xuất khác đều đạt và vượt chỉ tiêu. Điều này thực sự có ý nghĩa khi năm 2022, giá dầu thô trên thế giới có nhiều biến động khác thường.
Tổng doanh thu toàn PVN ước cả năm 2022 đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tăng 41-43% so với năm 2021. Đóng góp cho ngân sách nhà nước hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng, đạt khoảng 140.000-145.000 tỷ đồng, vượt 75.400 - 80.400 tỷ đồng so kế hoạch năm và tăng 24-30% so với năm 2021.
Có được kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương cùng với sự quyết tâm đồng lòng của Đảng bộ, tập thể Ban Lãnh đạo và người lao động trong toàn Tập đoàn.
PVN mong muốn đầu tư các dự án mới |
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp nhà nước là duy trì tăng trưởng. Và để làm được điều này cần phải gia tăng đầu tư. Tuy nhiên do nhiều lý do, thời gian qua, công tác đầu tư trong Tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng.
Do đó, Chủ tịch HĐTV PVN mong muốn, năm 2023, Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho Tập đoàn đầu tư phát triển các dự án dầu khí mới. Đơn cử như dự án Khí Lô B; dự án mở rộng nhà máy Lọc hoá dầu Bình Sơn… để đáp ứng yêu cầu năng lượng cho phát triển đất nước.
Chia sẻ kỹ hơn về dự án khí Lô B, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, đáng ra dự án này phải vào rất lâu rồi nhưng do nhiều lý do dẫn dến chậm tiến độ. Theo kế hoạch mới, dự kiến đến 2026 mới đón dầu khí đầu tiên.
Về hạ nguồn, đến nay mới chắc chắn dự án Ô Môn 4, còn dự án Ô môn 2-4 vẫn gặp khó khăn về thủ tục. Nếu các dự án này chậm tiến độ sẽ không tiêu thụ hết khí lô B.