Tạo sức bật cho Hành lang kinh tế Đông - Tây
Ảnh minh họa |
Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam - vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ (CBT) có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh và chuyển tải giữa các nước thành viên Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS). Việc thực hiện hiệu quả CBT sẽ góp phần làm gia tăng giá trị hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại xuyên biên giới, tận dụng lợi thế và phát triển Hành lang kKinh tế Đông - Tây. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là sự hạn chế số lượng hàng hóa do thương mại khu vực Hành lang kinh tế chưa phát triển, nhất là việc mất cân đối về hàng hóa hai chiều, dẫn đến việc chưa tận dụng được phương tiện vận tải, đẩy giá thành vận tải tăng cao, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan. Việc thực hiện các thỏa thuận, nhất là Hiệp định “Tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng 1999” không đầy đủ cũng khiến hoạt động vận tải xuyên biên giới khó khăn.
Các doanh nghiệp CBT cho rằng, còn rất nhiều rào cản làm hạn chế tự do thương mại, mất cân đối hàng hóa giữa hai chiều; thủ tục thông quan hàng hóa quá cảnh tại các cửa khẩu còn nhiều bất cập… Về vấn đề này, ông Nguyễn Nhất Kha - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) - thừa nhận: Thủ tục quá cảnh ở các cặp cửa khẩu đang tồn tại một lúc hai hệ thống: VNACCS (hệ thống quá cảnh Việt Nam) và ACTS (hệ thống quá cảnh ASEAN), không những làm thủ tục hải quan phức tạp mà cũng khiến chi phí quản lý tăng.
Nhằm thúc đẩy vận tải đường bộ xuyên biên giới, tạo sức bật cho Hành lang tế Đông - Tây, bà Lương Kim Thanh - chuyên gia tư vấn vận tải - cho rằng, cần phải cải tiến thủ tục thông quan tại biên giới nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; áp dụng thủ tục kiểm tra một cửa, một điểm dừng; cải tiến kiểm tra liên ngành ở các cửa khẩu.
Đại diện Hiệp hội vận tải, logistisc các nước Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan… cũng khuyến nghị cần xây dựng chính sách phát triển cho vận tải xuyên biên giới, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước khu vực ASEAN, Tiểu vùng Mekong, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các hiệp hội liên quan, đặc biệt là Hiệp hội logistics.
Việc thực hiện hiệu quả vận tải đường bộ sẽ góp phần làm tăng giá trị hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại xuyên biên giới, tận dụng lợi thế và phát triển kinh tế của Hành lang kinh tế Đông - Tây. |