Thứ năm 28/11/2024 16:14

Tạo động lực, đột phá mới cho quan hệ Việt Nam - New Zealand

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới New Zealand mang nhiều “ý nghĩa đặc biệt”, là dịp để hai nước trao đổi định hướng tạo ra đột phá mới.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về ý nghĩa chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới New Zealand, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung cho biết, chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.

"Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến New Zealand, là người đứng đầu Chính phủ đầu tiên làm khách mời của Thủ tướng Christopher Luxon, kể từ khi New Zealand có Chính phủ mới", ông Trung chia sẻ.

Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung - Ảnh: VGP

Theo Đại sứ, chuyến thăm là bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, coi trọng phát triển quan hệ hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó New Zealand là đối tác chiến lược quan trọng.

Nhân dịp chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên sẽ rà soát việc thực hiện Chương trình hành động 2021-2024 nhằm triển khai khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand, đồng thời thảo luận các trọng tâm hợp tác mới, phù hợp với ưu tiên chính sách hai nước, cũng như diễn biến tình hình quốc tế và khu vực.

Chuyến thăm là dịp quan trọng để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn là dịp để bạn bè, người dân New Zealand hiểu biết thêm về thành tựu đổi mới của Việt Nam - quốc gia có tốc độ phát triển nhanh và bền vững, tích cực hội nhập quốc tế, coi trọng hợp tác với khu vực nam Thái Bình Dương, góp phần vào việc củng cố xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Trung, 2024 là năm cuối cùng hai nước triển khai Chương trình hành động 2021-2024. Đây cũng là dịp để hai bên xác định trọng tâm hợp tác trong thời gian tới, kể từ mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Bên cạnh việc tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, an ninh, quốc phòng, du lịch và giao lưu nhân dân, hai nước cần khai thác triệt để dư địa hợp tác trên các lĩnh vực mới, tìm kiếm động lực phát triển mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.

New Zealand có thế mạnh trên các lĩnh vực như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số. Là quốc gia hải đảo, New Zealand cũng có truyền thống và năng lực khoa học công nghệ trong các lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường biển.

Ngoài ra, với dân số ít, New Zealand hiện đang thiếu nhiều lao động, kể cả lao động phổ thông và có tay nghề. Đây là dư địa cần khai thác trong triển vọng hợp tác hai nước trong thời gian tới.

Dấu ấn trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand

Đề cập tới thành tựu trong quan hệ song phương, ông Nguyễn Văn Trung đánh giá, quan hệ hợp tác Việt Nam-New Zealand phát triển tốt đẹp, đặc biệt từ khi hai nước trở thành Đối tác chiến lược của nhau vào năm 2020. Hai bên nỗ lực triển khai Chương trình hành động 2021-2024 đạt kết quả tốt, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 và bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực.

Các trọng tâm hợp tác bao gồm tăng cường quan hệ chính trị, thúc đẩy quan hệ thương mại, tăng cường hợp tác nông nghiệp, thúc đẩy kết nối về giáo dục và đào tạo, phát triển hợp tác quốc phòng, an ninh, gia tăng kết nối, giao lưu nhân dân hai nước.

Quan hệ chính trị, ngoại giao tiếp tục phát triển tốt đẹp, góp phần nâng cao mức độ tin cậy chính trị, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Công tác trao đổi đoàn diễn ra thường xuyên ở các cấp, trong đó phải kể đến các chuyến thăm cấp cao trong năm 2022 và trên 20 đoàn công tác cấp bộ, ngành, địa phương trong năm 2023. Hai bên cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hợp tác trên các diễn đàn đa phương, cùng chia sẻ nhiều quan điểm, tầm nhìn chung về các vấn đề quốc tế.

Trao đổi thương mại đã có bước phục hồi bền vững sau đại dịch. Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 15 của New Zealand trong khi đó New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 38 của Việt Nam. Kim ngạch hai chiều đạt giá trị 1,3 tỷ USD năm 2023.

Các cơ chế hợp tác nông nghiệp, thương mại hàng hoá, hợp tác phát triển vận hành hiệu quả, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước. Một số loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam như chanh và bưởi lần đầu tiên đã có mặt tại thị trường New Zealand từ năm 2023.

New Zealand hiện đứng thứ 39/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 208,35 triệu USD tại 52 dự án, trong đó lớn nhất là lĩnh vực bất động sản, giáo dục đào tạo, công nghiệp chế biến và sản phẩm gỗ.

New Zealand tiếp tục ưu tiên hợp tác phát triển với Việt Nam, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó lĩnh vực có thế mạnh là nông nghiệp, cây trồng, giáo dục và đào tạo, quản lý và ứng phó biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, phát triển bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, New Zealand tiếp tục hỗ trợ rất có giá trị trong các dự án chuyển giao kỹ thuật, công nghệ về giống cây trồng, bảo vệ thực vật, vệ sinh dịch tễ, trong đó có dự án Vietfruit về các loại quả như bơ, thanh long và quả chanh leo xuất khẩu. New Zealand cũng đã hỗ trợ Việt Nam về quản lý và an toàn đập nước, công trình thủy lợi và 2 triệu NZD giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục là lĩnh vực hợp tác truyền thống và có được thành quả rõ rệt, kể từ khi hai nước tổ chức Diễn đàn giáo dục Việt Nam-New Zealand lần đầu tiên vào cuối năm 2022. Hiện có trên 2.000 học sinh, sinh viên và lưu học sinh Việt Nam theo học tại New Zealand.

Đặc biệt, trong năm 2023, New Zealand đã tiếp gần 100 cán bộ nguồn của Việt Nam sang đào tạo tại các trung tâm đại học danh tiếng nhất. New Zealand tiếp tục dành cho Việt Nam học bổng đào tạo tiếng Anh, thực tập, nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên gia, đẩy mạnh quảng bá giáo dục New Zealand tại Việt Nam để thu hút thêm học sinh và sinh viên sang đào tạo./.

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Tháng 11, Bộ Quốc phòng huy động hàng chục ngàn lượt người hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí

Thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp Phần Lan tại Việt Nam

Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt chẽ việc công bố lãi suất của các tổ chức tín dụng

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Thủ hiến bang Hessen Boris Rhein

Nhiều doanh nghiệp Bulgaria muốn đầu tư vào các ngành công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Chính phủ chính thức trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường, không chắc giảm được tỷ lệ thừa cân béo phì

Phiên họp Nhóm công tác Hải quân Việt Nam - Singapore lần thứ 10

Đề xuất bỏ quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75%

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khuyến khích doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào ngành bán dẫn, năng lượng tái tạo, logistics

Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với Ban Nội chính Trung ương

Trình Quốc hội tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa