Tăng trưởng gần 10% trong đại dịch, sản phẩm xuất khẩu Đắk Nông có thế mạnh gì?
Đây là nguyên nhân giúp tăng trưởng xuất khẩu của địa phương đạt gần 10% ngay trong năm khó khăn nhất do đại dịch.
Đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm
Xác định đa dạng hoá sản phẩm là giải pháp quan trọng giúp chiếm lĩnh các thị trường và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, thời gian qua, Công ty TNHH Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) vẫn tập trung mọi nguồn lực cho việc hoàn thiện quy trình chế biến một số sản phẩm mới ngoài cà phê. Doanh nghiệp hiện đang cho ra mắt nhiều sản phẩm liên quan đến ca cao như bột ca cao, sô cô la, rượu vang ca cao, nguyên liệu phục vụ cho pha chế…
Bên cạnh đó, công ty còn đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến bằng cách thường xuyên kiểm tra về chất lượng, nhiệt độ, độ ẩm, lên men… của sản phẩm. Đồng thời, cài đặt hệ thống camera ở từng nông trại để có thể giám sát hoạt động sản xuất của công nhân có đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không. Từ hình ảnh cho tới các giai đoạn phát triển của sản phẩm đều được doanh nghiệp quản lý một cách tự động và chặt chẽ.
Một doanh nghiệp cà phê khác là doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng (Đắk R’lấp) là một đơn vị xuất khẩu cà phê lớn ở tỉnh Đắk Nông. Xác định giữ chân khách hàng và thị trường bằng mọi cách, ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ khó khăn song doanh nghiệp vẫn tập trung nhân lực cho chăm sóc cây trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng năng suất để có được nguồn nguyên liệu tốt nhất cho chế biến và xuất khẩu. Do đó, ngay khi thị trường được mở lại, doanh nghiệp đã tiêu thụ được một lượng sản phẩm lớn.
Cà phê là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông |
Theo Sở Công Thương Đắk Nông, sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông hiện rất đa dạng và đang được chia thành 3 nhóm chính, với 23 sản phẩm khác nhau, gồm: nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh; nhóm sản phẩm tiềm năng và nhóm sản phẩm chủ lực của các địa phương.
Trong đó, nhóm chủ lực của tỉnh đang có 4 sản phẩm chính: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhóm là xuất khẩu. Thị trường này tương đối ổn định, có giá trị xuất khẩu của năm sau cao hơn năm trước và ít chịu tác động của dịch Covid-19 cũng như giá cả chung của thế giới.
Jiện nay, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có 12 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ổn định gồm: Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV, Công ty TNHH Olam Việt Nam chi nhánh Đắk Nông, Công ty Cổ phần Intemex Đắk Nông…
Đa dạng giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Theo Sở Công Thương Đắk Nông, trong năm 2021, tình hình kinh tế của nhiều quốc gia đã khởi sắc và dần phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng so với năm trước.
Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện được 1.000,7 triệu USD, tăng 8,8% so với năm trước và đạt 85,5% so với kế hoạch. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng như: tiêu đen tăng hơn 2.000 lần; cà phê tăng 11,4%; ván ép tăng 244,2%; sản phẩm alumin tăng 49,2%...
Để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hình thành và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh trên thị trường quốc tế, ngày 25/8/2021, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1302/QĐ-UBND.
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt 6.208 triệu USD, tăng 20,9% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm nông lâm thuỷ sản giai đoạn này đạt 5.209 triệu USD. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các quốc gia thành viên mà Việt Nam đã có FTA. Tiếp tục duy trì và phát triển giao thương khu vực biên giới.
Để phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2022 tăng 8% so với năm trước để đóng góp cho thành tích xuất khẩu chung, các cấp, ngành đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể. Theo đó, ngành Công Thương sẽ thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối giao thương. Đặc biệt, ngành sẽ đẩy mạnh xúc tiến thị trường nội địa, mở rộng và ổn định sản xuất, kinh doanh hướng tới xuất khẩu.