Tăng quyền hạn và trách nhiệm của các hiệp hội trong thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Ông đánh giá như thế nào về tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong những năm qua?
Ông Mạc Quốc Anh-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme |
Phát triển KTTN trong mấy năm gần đây đã khẳng định Nghị quyết số 10/NQ-TW dần đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt đã khơi dậy một bộ phận tiềm năng của đất nước, huy động được nguồn vốn xã hội, tăng nguồn nội lực, tham gia phát triển kinh tế quốc dân và đang ngày càng chứng minh là một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân.
Đơn cử, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia, liên kết của nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tạo ra bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng du khách vào nội địa trên 10%/năm. Đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch đến năm 2025 với tổng thu dự kiến là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước...
Khu vực KTTN của Việt Nam hiện có khoảng gần 800.000 DN đang tạo ra khoảng 12 triệu việc làm, đóng góp tới 43% GDP (so với khu vực kinh tế Nhà nước gần 30% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI khoảng 18% GDP, riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới trên 85% GDP). Trong đó, KTTN trên địa bàn Hà Nội phát triển cả về lượng và chất, đóng góp ước trên 22% GRDP năm 2020, tăng hơn 1,2% so với năm 2015, thu hút khoảng 83% tổng số lao động xã hội. Để thành quả này duy trì và lớn mạnh, song song việc phát triển kinh tế, Nhà nước phải chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển.
Vậy theo ông các hiệp hội có vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ các DN trong khu vực kinh tế tư nhân?
Thực tế cho thấy, hiện đang thiếu sự đánh giá đúng mức cũng như sự quan tâm trong chính sách, giải pháp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của TP. Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Bởi vậy, rất cần chủ trương về tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ phát triển các hiệp hội DN và nghề nghiệp theo hướng kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức, mở rộng quy mô, phạm vi, số lượng thành viên, đa dạng hóa nội dung và đổi mới, hiện đại hóa phương thức và nâng cao nhiệu quả hoạt động… phù hợp các quy định pháp lý hiện hành, các cam kết và thông lệ trong hội nhập quốc tế thời gian tới, cả trong và ngoài địa bàn Thủ đô...
Trong đó, nên chủ trương tăng vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của các hiệp hội trong việc thực hiện một số chức năng tổ chức và hỗ trợ DN, nhất là phối hợp với các cơ quan chức năng của Thủ đô và Trung ương, các địa phương khác trong việc nghiên cứu triển khai một số chương trình hỗ trợ DN về tạo sản phẩm mới; ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ, thiết bị; ứng dụng CNTT, áp dụng ISO trong quản lý, điều hành DN…; chủ động nắm bắt những cơ hội, nhất là các Hiệp định CPTPP và EVFTA, cũng như khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đâu là những vấn đề cốt lõi nhằm khuyến khích, tạo lực đẩy cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thưa ông?
Với vai trò của Hanoisme, tôi cho rằng, để tạo điều kiện cho DN hoạt động, thứ nhất nên khuyến khích các DN đầu tư vào những lĩnh vực có đóng góp cho xã hội. Thứ hai, cần nghiên cứu đồng bộ hoá cơ chế chính sách và giải quyết các bất cập trong cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan nhằm hỗ trợ DN về khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại… Thứ ba, bám sát, cập nhật, đưa ra các thông tin dự báo thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần giúp DN có định hướng sản xuất phù hợp, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ DN mới trong việc định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn, khuyến khích DN sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ giá trị gia tăng cao, hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Thứ năm, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ DN. Thứ sáu, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các sở, ngành chuyên ngành và quận huyện trong các lĩnh vực thuộc TTHC. Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra giám sát các kiến nghị, đề xuất của DN và kết quả thực hiện công vụ.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, cần xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn thế mạnh của quốc gia, tập trung vào hai cơ sở: Hình thành trung tâm tài chính khu vực, sản xuất công nghiệp cần tận dụng cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Muốn vậy cần bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, cần có chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế nhận được những ưu đãi công bằng, không quá ưu tiên cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
DNTN có đủ kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, giúp Chính phủ hạn chế nợ công, tận dụng được nguồn vốn tư nhân và vốn FDI. Trong các trường hợp nhất định, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ DNTN trong lĩnh vực kinh tế trọng điểm để cạnh tranh với quốc tế...
Xin cảm ơn ông!