Thanh toán trên nền tảng công nghệ - Xu hướng tất yếu
Thông tin Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương cho thấy, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238% về giá trị.
Ở góc độ quản lý Nhà nước về hoạt động thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra nhận định, trong 5 năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25 đến 30% mỗi năm, riêng năm 2018, tổng giá trị giao dịch đạt 8 tỷ USD. Đúng ra, sự gia tăng của thương mại điện tử phải kéo theo sự gia tăng của các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam thì khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền. Điều đó cho thấy rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng... Bên cạnh đó là thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin khách hàng nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: cần đẩy mạnh thanh toán điện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số |
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn "Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử: Chuyển động cùng công nghệ chip", do Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (Napas) và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 10/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt không còn đơn thuần như trước đây là nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không để đồng tiền bị chết, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền tham nhũng mà nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế Internet lên. Vì thế, đẩy mạnh thanh toán điện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số, chúng ta thúc đẩy và phải làm sao mọi người dân thấy lợi tham gia vào.
Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề "Chuyển động cùng công nghệ chip" (EPF 2019) |
Ứng dụng và tính năng vượt trội của công nghệ chip, thẻ chip hoàn toàn cho phép chúng ta có những giải pháp phù hợp và hiệu quả để giải các bài toán tích hợp, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế và xã hội. Vấn đề còn lại là con người, là tổ chức, là các bên liên quan, cùng bắt tay hợp tác thực hiện và vận hành. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính.Một trong những mệnh đề tốt để giải bài toán thanh toán không dùng tiền mặt chính là nhìn nhận cụ thể hiệu quả mang lại từ ứng dụng công nghệ chip phục vụ các ngành kinh tế phát triển và nhu cầu thiết yếu hàng ngày của cuộc sống con người. Số liệu báo cáo mới nhất đang cho thấy, các giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng, thanh toán qua internet, điện thoại di động đặc biệt thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng, đang tăng nhanh chóng. Thanh toán các dịch vụ công như điện, nước, thuế, hải quan, đã phối hợp với ngành ngân hàng triển khai trên 63 tỉnh, thành phố.
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số...", ông Kim Anh nói.
Chung tay xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh
Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phải diễn ra từ hai phía, ngân hàng phát hành thẻ và nơi cửa hàng bán lẻ, phương tiện thanh toán công cộng, nơi chấp nhận thẻ thì hệ sinh thái mới hoàn chỉnh. Đưa ra cách ví von hình ảnh, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngân hàng không thể phát triển nếu chúng ta không có hệ sinh thái. Ở đây, hệ sinh thái như cái bắt tay, ngân hàng chìa bàn tay thì bên kia cũng phải chìa bàn tay ra thì mới khớp được với nhau. Chẳng hạn như, các nhà mạng cũng phải sửa hệ thống thông tin của mình.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) ký biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 |
Từ góc nhìn thực tế, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienvietPostbank cho rằng, chi phí đầu tư cho công nghệ là rất lớn, khi áp dụng thẻ chip, hệ thống về công nghệ phải thay đổi, hệ thống đầu cuối, cây ATM, hệ thống POS phải thay đổi….Đồng quan điểm, theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Vietinbank, khi chuyển sang thẻ chip, ngân hàng phải thay đổi một loạt máy móc, chi phí phát hành thẻ chip cũng cao hơn thẻ từ rất nhiều. Tuy nhiên, các ngân hàng đều nhận thấy rằng cần thiết phải chuyển đổi và quyết tâm chuyển thẻ từ sang thẻ chip, biến thách thức thành cơ hội. Làm sao để thẻ chip có thể tích hợp, đồng bộ thanh toán được nhiều chi phí như giáo dục, y tế, bảo hiểm chứ không chỉ đơn thuần từ giữ tài khoản ATM.
Đưa ra một con số tích cực, Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, đầu năm 2019 mới chỉ có 7 ngân hàng tham gia chuyển đổi sang thẻ chíp nhưng giờ Napas đã cùng hơn 20 ngân hàng sẵn sàng công nghệ chuyển đổi thẻ chip. “Đến quý 1/2020 không chỉ dừng lại 20 ngân hàng và 6 tổ chức cung cấp thẻ chip nữa mà sẽ lên tới 26 ngân hàng 10 công ty cung cấp thẻ chip”, ông Hưng nhấn mạnh.
Bên cạnh giải pháp từ phía ngân hàng phải đảm bảo an toàn, đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng còn một giải pháp khác nữa là cần có sự áp đặt. Ví dụ, Chính phủ yêu cầu thanh toán không tiền mặt thì mọi người phải dùng. Hệ sinh thái chúng ta đã xây dựng thì các cửa hàng phải thay đổi, nếu không thì không cấp giấy phép kinh doanh. "Đó là chính sách, cần có sự quyết liệt từ nhà nước", ông Nguyễn Đình Thắng kiến nghị.
Chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thể từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không tiền mặt. Triển khai nhiệm vụ này, ngày 5/10/2018, Thống đốc ngân hàng Nhà nước đã ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, quy định chi tiết kỹ thuật thẻ nội địa Việt Nam tương thức chuẩn của EMV quốc tế, ngăn ngừa giả mạo thẻ trong môi trường vật lý qua các kênh ATM, POS.
Thẻ chip giúp ngân hàng phát hành thẻ nội địa Việt Nam có tiềm năng mở rộng hệ sinh thái thanh toán sang các ngành như y tế giao thông, bảo hiểm, đem lại lợi ích thiết thực và trải nghiệm vượt trội cho người dân sử dụng dịch vụ.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ: Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 41 quy định lộ trình chuyển đổi chuyển sang thẻ chip, lộ trình chuyển đổi với thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng đang hoạt động tại Việt Nam như đối với tổ chức thanh toán thẻ đến 31/12/2020, và tổ chức phát hành thẻ nội địa đang lưu hành 31/12/2021. “Việc chuyển đổi sang thẻ chip theo công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc còn nhiều khó khăn thách thức, Ngân hàng Nhà mước mong muốn các bên tăng cường học hỏi trao đổi thúc đẩy lĩnh vực thẻ Việt Nam theo xu hướng thế giới đảm bảo an ninh, an toàn phát triển bền vững, ứng dụng kịp thời thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, đem lại tiện lợi cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà phát triển tính năng thanh toán mới, mở ra cơ hội thẻ nội địa hội nhập quốc tế”- Phó thống đốc nhấn mạnh.