Thứ năm 24/04/2025 01:02

Tăng khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nội địa dịp lễ 30/4 - 1/5

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày nên nhiều đơn vị bán lẻ đã tung các chương trình khuyến mại để thu hút khách mua, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Siêu thị tung khuyến mại khủng

Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện mang chủ đề Tự hào nông sản Việt 2025, kéo dài liên tục từ ngày 24/4 đến hết ngày 7/5/2025 trên hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market của Tập đoàn Central Retail Việt Nam.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị GO! Thăng Long (Hà Nội).

Đặc biệt, dịp lễ 30/4 năm nay, hệ thống siêu thị của Central Retail cũng tung ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn áp dụng giảm giá lên đến 50% đối với trên 1.000 sản phẩm từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, các loại rượu, bia, nước giải khát giải nhiệt mùa hè, cho đến các loại quần áo thời trang và đặc biệt là các sản phẩm đặc sản địa phương trên khắp cả nước, kèm theo nhiều quà tặng hấp dẫn.

Cụ thể: Chương trình Tuần lễ tự hào nông sản, diễn ra tại GO! An Lạc, GO! Nguyễn Thị Thập (TP. Hồ Chí Minh); GO! Thăng Long (Hà Nội), trưng bày các sản phẩm nông sản tiêu biểu của Việt Nam, từ trái cây, rau, củ đến các sản phẩm chế biến sẵn, nhằm giới thiệu với người tiêu dùng về sản phẩm, tạo cơ hội để người nông dân/nhà sản xuất có thể chia sẻ trực tiếp đến khách hàng quy trình trồng trọt, chăn nuôi sản phẩm.

Bên cạnh đó, khi tham quan và mua sắm tại các siêu thị GO! An Lạc, GO! Nguyễn Thị Thập (TP. Hồ Chí Minh) và GO! Thăng Long (Hà Nội) trong dịp này, người tiêu dùng sẽ có cơ hội được trải nghiệm “Thực đơn anh nuôi”, gồm các món ăn: cơm gạo lứt muối mè; cơm nắm muối tiêu; cơm trộn khoai mì; khoai mì hấp; cơm phần anh nuôi; cá nướng muối ớt; thịt nướng ống tre.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, với thời gian nghỉ kéo dài 5 ngày liền kề cuối tuần, AEON kỳ vọng lượng khách sẽ tăng từ 15 - 20% so với ngày thường, đặc biệt vào các buổi chiều tối - khung giờ cao điểm của các hoạt động mua sắm và ăn uống. Giá trị giỏ hàng cũng dự kiến tăng khoảng 5 - 10%, tập trung chủ yếu vào các ngành hàng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm thiết yếu, đồ uống và các sản phẩm tiêu dùng nhanh.

Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, AEON cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu với giá ổn định, phối hợp chặt chẽ cùng các nhà cung cấp để tránh tình trạng thiếu hụt trong mùa cao điểm, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm nhằm mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Bên cạnh đó, để giữ ổn định giá cả trong dịp cao điểm, AEON tiếp tục đẩy mạnh chương trình EDLP (Everyday Low Price - Giá thấp mỗi ngày), phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng nhằm nâng cao giá trị mua sắm và áp dụng các biện pháp quản lý chi phí vận hành, tối ưu hóa hoạt động logistics.

Chuỗi chương trình khuyến mãi hấp dẫn dịp lễ “Đại lễ săn sale” từ ngày 24/4 đến 7/5 với ưu đãi từ 10 - 50% trên nhiều ngành hàng sẽ tiếp tục mang đến những giá trị thiết thực cho người tiêu dùng.

Còn tại Saigon Co.op, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, song song với các chương trình khuyến mại trực tiếp tại các cửa hàng thực phẩm, siêu thị và đại siêu thị, Saigon Co.op còn có cả chương trình khuyến mãi online. Ưu đãi đến 50%, tặng phiếu mua hàng trị giá 30.000 đồng, 100.000 đồng, mua nhiều ưu đãi lớn nhóm thực phẩm, công nghệ, hóa phẩm, đồ dùng, may mặc, hàng nhãn riêng Co.op...

Đại diện các doanh nghiệp phân phối cho biết, chiến lược này không chỉ thể hiện cam kết mang đến trải nghiệm mua sắm chất lượng cho người tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy doanh thu, tạo nên một mùa lễ hội thành công cho hệ thống bán lẻ.

Xây dựng kế hoạch tổng thể, kích cầu tiêu dùng nội địa

Theo số liệu vừa được công bố, tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 7,5% nếu trừ yếu tố giá.

Tiêu dùng nội địa chiếm 60 - 65% tăng trưởng GDP. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8%, năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ được Chính phủ đặt mục tiêu tăng 12%. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, thị trường nội địa 100 triệu dân là một động lực vững chắc cho tăng trưởng.

Ngày 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 47/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng; khuyến khích các sàn thương mại điện tử triển khai chính sách ưu đãi thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm địa phương; tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mại toàn quốc, đưa hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng trên từng địa bàn, từng mặt hàng và phạm vi cả nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", chương trình OCOP, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến...

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay trên 8%, tiêu dùng nội địa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, cần có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để đạt được mục tiêu này và tạo đà tăng trưởng hai con số cho các năm tiếp theo.

Theo đó, Cục đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương xây dựng một kế hoạch tổng thể thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về kích cầu và phát triển thị trường trong nước, cũng như đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) - cho hay, việc vào cuộc của các bộ, ngành trong việc kết nối cung - cầu, bình ổn thị trường sẽ giúp tạo hiệu ứng và niềm tin cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp tăng tần suất khuyến mại trong các đợt nghỉ lễ kéo dài sẽ khuyến khích người dân thêm niềm vui tiêu dùng, mua sắm hàng hóa, doanh nghiệp có thêm kỳ vọng tăng trưởng, từ đó, khơi dậy sức mua nội địa, tạo lực đẩy cho tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các quý tiếp theo.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2024 khoảng 4.922 tỷ đồng, tương đương 190 tỷ USD. Tỷ trọng tiêu dùng hàng hóa qua kênh bán lẻ truyền thống chiếm khoảng 75%, bán lẻ hiện đại trực tiếp 20% và mua sắm trực tuyến 5%.
Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Khuyến mãi

Tin cùng chuyên mục

Giá xăng ngày mai dự báo tăng trở lại sau đợt giảm sâu

Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng

Giá xăng tiếp tục giảm, có loại về dưới 19.000 đồng/lít

Giá xăng dầu dự báo tiếp đà giảm trong kỳ điều hành ngày mai 17/4

Làm mới động lực kích cầu tiêu dùng

Giá xăng có loại giảm hơn 1.700 đồng/lít, thấp nhất gần 4 năm qua

Giá xăng dự báo giảm mạnh trong kỳ điều hành ngày mai 10/4

Thúc tăng trưởng bán lẻ: Cần bắt đầu từ chính doanh nghiệp

Giá xăng dầu tăng, xăng RON 95 tiến sát mốc 21.000 đồng/lít

Việt Nam xếp hạng 4 thế giới về tiêu thụ thịt lợn

Ngành bán lẻ chuyển mình để bứt tốc trong kỷ nguyên mới

Dự báo giá xăng tại kỳ điều hành ngày 3/4 tiếp tục tăng

Giá heo hơi sẽ duy trì mức cao đến hết quý III/2025

Giá xăng dầu hôm nay 27/3/2025: Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng dầu 20/3/2025: Xăng RON 95 vượt 20.000 đồng/lít; giá dầu tăng giảm trái chiều

Giá xăng dự báo tăng trở lại vào ngày mai, sau 3 lần giảm liên tiếp

Chuyên gia nói gì về kích cầu tiêu dùng nội địa?

Giá xăng dầu ngày 13/3/2025: Giá xăng giảm xuống mức thấp nhất gần 4 năm qua

Ngày mai 13/3: Giá xăng dự báo giảm lần thứ ba liên tiếp

Giá xăng dầu hôm ngày 6/3/2025: Xăng, dầu đồng loạt giảm sâu