Tăng giải pháp ứng phó sự cố hóa chất
Ứng phó sự cố hóa chất, nhiệm vụ quan trọng
Hóa chất đóng vai trò không thể thiếu trong phát triển kinh tế. Bên cạnh mặt tích cực hóa chất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Diễn tập ứng phó sự cố tại Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình |
Theo thống kê, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Bên cạnh các sản phẩm có thể dễ nhận thấy trong một số lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bảo vệ thực vật, hóa chất, tiêu dùng, hóa chất còn tham gia nhiều vào quá trình sản xuất, chế tạo của nhiều ngành kinh tế.
Với đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính oxy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp, tính độc hại đến môi trường nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, nổ cháy, nổ rất nguy hiểm.
Theo quy định của Luật Hóa chất, chủ thể lưu trữ, sử dụng hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa cụ thể cho doanh nghiệp. Theo đó hàng năm doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch đó để tổ chức diễn tập, xây dựng tình huống giả định theo kế hoạch, thực hiện diễn tập để người lao động thực hành những diễn biến có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.
Ông Vương Thành Chung - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, Cục Hoá chất (Bộ Công Thương), cụ thể, theo điều 37, Luật Hóa chất quy định: Hàng năm các cơ sở hóa chất phải xây dựng lực lượng ứng phó tại chỗ và phải thường xuyên huấn luyện và thực hành diễn tập các phương án ứng phó sự cố hóa chất. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm đồng thời kiểm tra năng lực phối hợp hành động giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng với các công ty, nhà máy, doanh nghiệp trong công tác ứng phó với sự cố hóa chất diễn ra trên địa phương nơi mình sinh sống.
Bên cạnh đó, chủ thể lưu trữ, sử dụng hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa cụ thể cho doanh nghiệp. Theo đó hàng năm doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch đó để tổ chức diễn tập, xây dựng tình huống giả định theo kế hoạch, thực hiện diễn tập để người lao động thực hành những diễn biến có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.
“Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra. Một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở sản xuất, sắp xếp hóa chất trong kho chưa đảm bảo an toàn theo đúng các quy định hiện hành”- ông Vương Thành Chung chỉ ra.
Đơn cử như tỉnh Bắc Ninh là tỉnh có 16 khu công nghiệp tập trung, với số lượng hơn 7.000 doanh nghiệp, trong số đó có 200 doanh nghiệp sử dụng và sản xuất hóa chất. Nên tuân thủ ứng phó sự cố hóa chất là rất cần thiết.
Hay như tỉnh Hà Nam, hiện có 93 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất. Trong đó, có 8 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất. Xác định rõ mức độ nguy hại của hóa chất nếu không được sử dụng, bảo quản, xử lý đúng quy định, các doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành nghiêm việc lập kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất …
Địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch ứng phó sự hoá chất trong mọi tình huống
Ông Vương Thành Chung thông tin thêm, đối với các cơ sở hóa chất lớn đóng tại các địa phương, nếu xảy ra sự cố hóa chất là rất nguy hiểm. Theo đó, các địa phương cần thường xuyên diễn tập. Về vấn đề này, Cục Hóa chất khuyến khích các các địa phương cùng phối hợp triển khai diễn tập ứng phó với sự cố hóa chất. Đặc biệt đối với các tỉnh công nghiệp lớn và trong đó có ngành công nghiệp hóa chất.
Trung tâm ứng phó sự cố và an toàn hóa chất (Cục Hóa chất) đã tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Công ty TNHH Công nghệ hóa chất và môi trường Vũ Hoàng, Công ty TNHH ViTop Chemical (Khu công nghiệp Yên Phong) |
Cũng trong thời gian qua, Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất đã tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất Bắc Giang, Hải Phòng, Phú Thọ, Công ty Thái Bình, Bình Dương... đều đem lại hiệu quả tích cực và lan toả tới các địa phương trên cả nước.
Về phía các đơn vị lưu trữ và sử dụng hóa chất, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức trang bị đầy đủ kiến thức và nắm rõ tính chất nguy hiểm, phương pháp bảo quản, bảo đảm an toàn hóa chất và giảm thiểu rủi ro. Tại nhiều cơ sở sản xuất, tính chuyên nghiệp đã được đề cao trong mọi khâu giám sát chặt chẽ mọi hóa chất nguy hiểm; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động, bố trí đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, lắp đặt các hệ thống xử lý, vận hành đúng chế độ, bảo đảm các quy định về nước thải, khí thải, chất thải rắn…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất đối với doanh nghiệp hoá chất tại các địa phương, ông Phùng Mạnh Ngọc- Cục trưởng Cục Hoá chất cho hay, thứ nhất, việc tổ chức diễn tập sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ càng, sự tập luyện thành thục trong công tác ứng phó sự cố, có sự nhanh nhạy và linh hoạt để ứng phó khi sự cố hóa chất xảy ra.
Thứ hai, thông qua diễn tập giúp doanh nghiệp nhìn nhận ra những thiếu sót để kịp thời bổ sung, rút kinh nghiệm trong việc ứng phó sự cố, sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia ứng phó.
Thứ ba, việc tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp để có ý thức hơn trong việc tăng cường công tác phòng ngừa sự cố hóa chất.
Lãnh đạo Cục Hóa chất cũng lưu ý, doanh nghiệp cần có ý thức chủ động phòng ngừa thay vì để xảy ra sự cố rồi mới ứng phó thì quá muộn. Doanh nghiệp cần bám sát đánh giá rủi ro mới nhất, chú ý các sự cố đã từng xảy ra, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng, sát với tình hình thực tiễn...
Doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố hoá chất. Điều này bao gồm việc kiểm tra định kỳ, xác định các điểm yếu tiềm ẩn và đảm bảo sẵn sàng cho các biện pháp khắc phục.
Về phía các địa phương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cũng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát tổng thể các nội dung thực hiện; nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với các doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn.
Để nâng cao công tác ứng phó, xử lý, Cục Hóa chất được Bộ Công Thương giao chủ trì việc xây dựng Luật Hóa chất mới, trong đó thay thế, hoặc sửa đổi một số điều căn cứ trên các nghiên cứu và thực tiễn quản lý thời gian qua. Theo đó, Luật mới sẽ bổ sung những quy định cấp thiết để kịp thời hoàn thiện khung khổ pháp lý.
Cục Hóa chất đề nghị các địa phương chủ động hơn để có các kịch bản cũng như thực hiện diễn tập theo quy định của Luật hóa chất. Bên cạnh đó, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong ứng phó sự cố hóa chất, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, nhằm ngăn ngừa không để sự cố xảy ra cũng như sẵn sàng tích cực tham gia ứng phó khi sự cố xảy ra. Quan trọng hơn là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy trong hoạt động hóa chất. |