Tăng giá xăng: Doanh nghiệp vận tải không tăng giá cước
Vận tải hành khách và hàng hóa là loại hình kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, chiếm tới 45% chi phí cấu thành của giá dịch vụ vận tải. Đồng thời, giá cước vận tải cũng sẽ có tác động dây chuyền đến giá các loại hàng hóa khác, do đó giá xăng tăng có làm tăng giá cước vận tải và ảnh hưởng đến mặt bằng giá?
Ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - khẳng định, việc tăng giá xăng gần 2.000 đồng/lít (ngày 5/5) sẽ không ảnh hưởng tới vận tải tuyến cố định, xe hợp đồng, vận tải hàng hóa, vận tải đường sông, đường biển vì hầu hết phương tiện này đều dùng dầu. Do đó, không có chuyện tăng giá cước xe tuyến cố định và vận tải hàng hóa.
Theo ông, chỉ có các đơn vị taxi và xe cá nhân là chịu ảnh hưởng. Với DN taxi thì theo luật, khi DN thấy giá xăng nhiên liệu ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm phải báo cáo với cơ quan quản lý giá điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình - cho biết, hơn 200 DN vận tải kinh doanh tại bến xe thì chưa có một đơn vị nào nộp đề xuất để tăng giá. Như vậy, vận tải tuyến cố định và vận tải hàng hóa sẽ không bị ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng lần này mà đối tượng ảnh hưởng trực tiếp chỉ là các hãng taxi.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu các hãng taxi tại Hà Nội chờ đợi một thời gian, nếu giá xăng dầu vẫn giữ ở mức cao trong thời gian dài thì mới điều chỉnh. Đại diện một số hãng taxi cho biết, đang cân nhắc việc điều chỉnh giá cước. Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - chia sẻ, với mức tăng 2.000 đồng/lít xăng, việc tăng giá là khó tránh khỏi. Còn tăng ở mức nào là tùy thuộc từng DN, sự gồng gánh và cân nhắc bài toán kinh doanh của DN. Có thể cũng sẽ có những DN kìm nén, chấp nhận không tăng giá nhưng đồng nghĩa, họ sẽ phải bù lỗ trong một giai đoạn nhất định.