Tăng chế tài xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vì quyền lợi của người lao động
Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm
Năm 2023, báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giảm sâu nhất từ trước đến nay. Trong đó, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 22 nghìn đơn vị với tổng số tiền chậm đóng các đơn vị đã khắc phục là trên 2.023 tỷ đồng. “Năm 2023, số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,69% số phải thu – đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 là 6%)”- theo đánh giá của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Tăng chế tài xử lý vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ảnh: HH |
Những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội được cơ quan quản lý ghi nhận đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, nợ đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động.
Mới đây, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã công khai danh sách hơn 60.700 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 1 tháng trở lên lên trên địa bàn thành phố trong tháng 2/2024. Báo cáo 4 tháng năm 2024, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cũng cho biết, cơ quan này đã thực hiện 802 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp Kết quả sau thanh tra, kiểm tra số tiền các đơn vị đã nộp để khắc phục nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 67,8 tỷ đồng (đạt 79,6%).
Trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho hay, có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, gồm: Ý thức chấp hành của một số doanh nghiệp chưa cao; nhận thức của người lao động còn hạn chế, tâm lý sợ mất việc nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi; và cuối cùng là do suy thoái kinh tế, dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp khó khăn, làm ăn thua lỗ, phá sản nên không có kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Mặt khác, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, hiện việc xác minh, củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để xử lý các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thời gian qua còn chậm. Một số trường hợp hồ sơ từ cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển giao cho cơ quan điều tra chưa đảm bảo giá trị pháp lý, gửi chứng cứ bản photo chứ chưa phải bản gốc. Hồ sơ chuyển giao không thể hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội và các biện pháp cưỡng chế của cơ quan bảo hiểm xã hội đã áp dụng.
Vụ Pháp chế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nêu rõ, hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với Luật Bảo hiểm Y tế, tại Điều 11, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng bảo hiểm y tế không đầy đủ theo quy định, chưa quy định hành vi về chậm đóng, trốn đóng.
Song trên thực tế, theo Vụ Pháp chế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, do không có tách biệt rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nên có sự khác nhau trong việc hiểu và xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố cấu thành tội phạm giữa các văn bản.
Thiết lập các chế tài xử phạt đủ mạnh
Tình trạng chậm đóng, trốn đóng, thậm chí chiếm dụng bảo hiểm xã hội đang có xu hướng gia tăng, vì vậy, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh, cần thiết lập các chế tài xử phạt là quan trọng để đảm bảo tính công bằng và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp. Vị luật sư này cho rằng, cần tiết lập mức xử phạt tài chính đủ nặng để làm động viên doanh nghiệp tuân thủ quy định bảo hiểm xã hội; thiết lập một hệ thống phạt dựa trên mức độ vi phạm và quy mô doanh nghiệp, giúp đảm bảo rằng xử lý là công bằng và khả thi với tất cả các doanh nghiệp, từ những doanh nghiệp nhỏ đến những tập đoàn lớn.
Tại Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo cũng đã đề xuất nhiều giải pháp xử lý chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, bổ sung quy định ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất với người sử dụng lao động là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo (nếu đóng hàng tháng) hoặc chu kỳ đóng (nếu đóng 3 tháng, 6 tháng/lần). Bổ sung quy định về xử lý vi phạm chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cơ quan chức năng còn nêu các biện pháp khác như tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp vi phạm, xử lý vi phạm hành chính, xem xét không trao tặng danh hiệu thi đua/khen thưởng, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chia sẻ với Báo Công Thương, bà Trần Thị Lan Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương nêu ý kiến, các đề xuất nếu được thông qua sẽ là các giải pháp mạnh tay, để các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo vệ lợi ích, quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt, việc Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra khái niệm rõ ràng về chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện và theo dõi các quy định này. “Các khái niệm về chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được định rõ. Khi có những định nghĩa cụ thể như vậy, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng trong việc đối chiếu và thực hiện theo đúng quy định”- bà Trần Thị Lan Phương nói.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2024 tại Bảo hiểm Xã hội 7 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Vĩnh Long.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, việc kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời, phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.