Thứ năm 02/01/2025 20:45

Tận dụng LinkSME để doanh nghiệp phát triển sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, tăng cường xuất khẩu để có nhiều hơn cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chiều 2/8, tại TP. Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án Liên kết Doanh nghiệp nhỏ và vừa của USAID tổ chức hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu”.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp xuất khẩu của Đà Nẵng đã được ông RonAshkin – Giám đốc dự án LinkSME giới thiệu về dự án liên kết Doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Ông RonAshkin – Giám đốc dự án LinkSME cho rằng doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều thách thức để gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu

Dự án LinkSME có tổng vốn hỗ trợ lên đến 22,1 triệu USD, được USAID phối hợp với các bên như KPMG, TAJ Media thực hiện trong 5 năm nhằm tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài (DNNN); tăng đáng kể số lượng và chất lượng kết nối các DNNVV với DNNN. Hướng đến tăng năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong 5 lĩnh vực ưu tiên của dự án, mà trước mắt, trong năm 2019 sẽ là 2 lĩnh vực điện tử và kim khí.

Theo ông RonAshkin, để giúp doanh nghiệp Việt Nam, nhất là DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Dự án sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm đúng và tìm đủ để hiểu rõ yêu cầu của bên mua – đây là xu hướng của toàn cầu và nhu cầu cụ thể của DNNN, gồm các tiêu chuẩn chất lượng, số lượng, thời gian, chi phí, dữ liệu, dịch vụ khách hàng, tiêu chuẩn hóa, lao động – y tế - an toàn – môi trường – xã hội; từ đó, sẽ cân nhắc khả năng tham gia cung ứng của doanh nghiệp được hỗ trợ thông qua việc so sánh năng lực của doanh nghiệp với yêu cầu của bên mua (DNNN); xác định xem xét sự khác biệt giữa khả năng của doanh nghiệp và nhu cầu của bên mua là gì để ưu tiên bổ sung thiếu hụt; song song với đó, tăng cường năng lực cung cấp từ nguồn lực sẵn có gồm tài chính, công nghệ và con người; phát triển nhanh từng bước, tức là giải quyết các vấn đề dễ thực hiện nhưng có ảnh hưởng và chỉ ra các thách thức dài hạn. LinkSME cũng có đội ngũ nhân sự sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tùy theo nhu cầu và thực trang kinh doanh, lĩnh vực ngành hàng khác nhau.

LinkSME hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài

Để thực hiện các hỗ trợ có hiệu quả, ông RonAshkin cho hay, Dự án sẽ thực hiện 2 công việc đó là liên kết thị trường thông qua kết nối doanh nghiệp và nâng cao kỹ thuật thông qua hỗ trợ các dịch vụ tư vấn. Từ bài học kinh nghiệm của dự án sẽ tiến hành nhân rộng các liên kết thành công, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong hàng xuất khẩu của Việt Nam; cùng với đó, sẽ có các khuyến nghị cải tổ chính sách đối với Chính phủ Việt Nam.

“Mong muốn của các công ty trong kinh doanh đó là làm sao để giới thiệu công ty đến khách hàng quốc tế, đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu của chuỗi cung ứng quốc tế; trên cơ sở đó, LinkSME sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam định hướng dịch vụ, phân khúc khách hàng; đào tạo các kỹ năng giải quyết vấn đề và phân tích nguyên nhân gốc; đào tạo về quản lý các chủ đề liên quan đến sản xuất như áp dụng các tiêu chuẩn ISO, quản lý quy trình, QA/QC, sản xuất tinh giản….”, ông RonAshkin nói.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng là một thành phố có 27.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 1,3% trong số đó có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu còn rất ít; kim ngạch xuất nhập khẩu của Đà Nẵng cũng mới chỉ chiếm chưa đến 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Thực trạng hiện nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Đà Nẵng đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh thấp nên khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Mà nguyên nhân chính đến từ việc thiếu thông tin thị trường, đối tác, năng lực quản trị yếu, hoạt động hỗ trợ chưa hiệu quả, công cụ kết nối còn thiếu, yếu… “Nếu trở thành doanh nghiệp được hỗ trợ trong dự án LinkSME, doanh nghiệp sẽ giải được “bài toán” về những vướng mắc và yếu điểm nói trên. Bởi dự án này có mục tiêu rõ ràng và các bước triển khai cụ thể. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để trụ vững trong bối cảnh thương mại “mở” hiện nay”, ông Quang nói.

Hơn 60 doanh nghiệp xuất khẩu của Đà Nẵng tham gia Hội thảo tìm hiểu cơ hội từ LinkSME

Ngoài ra, tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã được thông tin về cách thức đẩy mạnh xuất khẩu thông qua vận dụng Quy tắc xuất xứ của FTAs, cụ thể là đối với Hiệp định đối tác Tiến bộ Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa LinkSME với VCCI Đà Nẵng trong việc triển khai các hoạt động của dự án này.

Vũ Lê