Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ
Nhiều kết quả khả quan sau 3 năm CPTPP có hiệu lực
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI nhấn mạnh, dù CPTPP không phải là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam nhưng lại là hiệp định vô cùng đặc biệt nếu xét về tính chất và sự khác biệt của CPTPP đối với tất cả những cái hiệp định thương mại tự do FTA mà chúng ta đã có trước CPTPP.
Đầu tiên, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao đầu tiên mà chúng ta thực hiện. Đặc điểm này phản ánh liên quan đến quá trình thực thi. Bởi nếu đứng từ góc độ về thương mại thì trong so sánh với các hiệp định thương mại tự do đã có trước đó, trừ trong khuôn khổ ASEAN, có thể nói mức độ tự do hóa, mức độ các nước thành viên trong CPTP cam kết mở cửa thị trường hàng hóa dành cho nhau cao nhất trong số các hiệp định đã có trước đó.
“Tính tiêu chuẩn cao này thể hiện ở mức độ mà các nước cam kết liên quan đến việc giảm bớt, hoặc loại bỏ các cái hàng rào phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa. Điều này làm nên khác biệt lớn trong thực thi CPTP so với thực thi các hiệp định thương mại trước CPTPP” – bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Điểm thứ hai liên quan đến sự khác biệt giữa hiệp định này với 11 hiệp định đã có trước. Đó là từ góc độ đối tác, bởi đối tác của CPTPP không phải là mới. Có 7/10 đối tác CPTPP là những đối tác mà nước ta đã có ít nhất là một hiệp định thương mại tự do chung. Tuy nhiên, CPTPP lại là Hiệp định thương mại đầu tiên giống như sự tấn công tổng lực vào thị trường Châu Mỹ.
Trước đó, chúng ta đã có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile nhưng là hiệp định truyền thống và ở cái quy mô nhỏ. Với CPTPP, lần đầu tiên chúng ta cùng lúc tiếp cận hai thị trường ở Nam Mỹ là Peru và Chile, cùng với 2 thị trường ở phía Bắc Mỹ là Canada và Mexico. Chính điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tiếp cận thị trường mới, nhiều tiềm năng và cũng có thử thách, bởi vì xuất phát từ tính mới của hiệp định.
Trong 3 năm thực thi, CPTPP đã mang lại hiệu quả đáng kể. Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP đã phê chuẩn duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. Ví dụ tại Canada, thị phần của Việt Nam năm 2017 là 0,9%, năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP thì thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada đã tăng lên là 1,2% và đến năm 2021 vừa rồi là 1,6%, là nước có tốc độ tăng cao nhất về mặt thị phần.
Cũng như vậy, ở Mexico, năm 2018, thị phần của chúng ta là 0,9%, đến năm 2021 thị phần của chúng ta là 1,7%. “Chúng tôi đánh giá hiệu ứng thành công của Việt Nam trong tận dụng cơ hội về thuế quan để tiếp cận thị trường, gia tăng thị phần ở thị trường Châu Mỹ” – bà Nguyễn Thị Thu Trang ghi nhận.
Ngoài ra, nếu nhìn vào danh sách 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước với Việt Nam, có những mặt hàng mà hầu như chỉ có nước ta có, ví dụ như giầy dép, cao su. Có những mặt hàng mà chúng ta có thể trùng với thế mạnh của các đối tác, ví dụ như là đồ gỗ, dệt may, nhưng đa phần, xét sản phẩm cụ thể thì sản phẩm của chúng ta mang sự khác biệt. Vì thế, cơ hội của chúng ta ở các thị trường CPTPP là rất lớn.
Đối với các hoạt động xuất khẩu cụ thể, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công Thương nêu rõ, trải qua ba năm thực thi Hiệp định CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP ở khu vực châu Mỹ có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Ví dụ như Canada, năm 2021, chúng ta xuất khẩu sang Canada khoảng 5,3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 75% so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực.
Hay là như là với Mexico, năm 2021, chúng ta xuất khẩu sang Mexico khoảng 4,6 tỷ USD và tăng trưởng tới hơn 100% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Những kết quả này cho thấy, Hiệp định CPTPP đã có những tác động tích cực, dù là trực tiếp hay gián tiếp tới cái xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang khối CPTPP |
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của chúng ta sang các thị trường này nổi lên vẫn là nhóm điện thoại và linh kiện, chiếm khoảng 20%, nhóm điện tử và máy vi tính chiếm khoảng 16%, máy móc, phụ tùng chiếm khoảng 9% và dệt may, da giày.
“Thực tế, 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng dệt may sang thị trường Canada đã tăng trưởng tới trên 50% so với cùng kỳ năm 2021” – bà Võ Hồng Anh chia sẻ.
Khẳng định lợi thế không chỉ đến từ con số kim ngạch, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam phân tích, CPTPP đã mang lại ba điểm thay đổi rất lớn đối với ngành da giày.
Đầu tiên, đó là tăng trưởng xuất khẩu. Trước đây, khối doanh nghiệp ở các nước trong khối CPTPP chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Đến nay, đã chiếm hơn 14%.
Thứ hai, hiệp định CPTPP yêu cầu đáp ứng quy tắc xuất xứ. Điều này là động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất. Đặc biệt, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã được đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam trong thời gian qua.
Thứ ba, quá trình đáp ứng các yêu cầu của CPTPP năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng đã được nâng lên rất nhiều. Cụ thể, hoạt động về thủ tục xuất nhập khẩu, đáp ứng tiêu chí của thị trường, yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đã giúp doanh nghiệp phải thay đổi, đầu tư phát triển trong giai đoạn vừa qua.
Tìm giải pháp tận dụng hơn nữa CPTPP
Mặc dù là khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP ở khu vực Châu Mỹ là có những bước tăng trưởng rất là tốt trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, bà Võ Hồng Anh cũng chỉ rõ, vẫn phải nhìn nhận rằng dư địa và tiềm năng của thị trường để khai thác vẫn còn lớn và chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Đặc biệt, để mở rộng, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước khác trong khu vực Châu Mỹ thì chúng ta thấy là cả bốn nước CPTPP tại khu vực Châu Mỹ đều là những nước có độ mở nền kinh tế tương đối cao. Đơn cử, Canada có tới 15 FTA, hay Chile có tới 29 FTA… Do đó, phải làm thế nào để chúng ta có thể tận dụng được những liên kết về về kinh tế này, để có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng sang những nước khác ở trong khu vực Châu Mỹ.
Do đó, đại diện Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ cho rằng, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu về việc tận dụng CPTPP để thâm nhập các khu vực thị trường khác. Ví dụ như là Canada, Mexico, là cửa ngõ để thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ của Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp có thể xem xét, kết hợp, hợp tác sản xuất kinh doanh, xuất khẩu nguyên phụ liệu sang Mexico, sau đó cùng hợp tác sản xuất và hoàn thiện sản phẩm, sau đó tiếp tục xuất khẩu sang một nước khác mà Mexico có FTA. Với điều kiện chúng ta đáp ứng được quy tắc về mặt xuất xứ của các FTA đó thì sẽ có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan với nước thứ 3.
Đối với Chile, một nước có nền kinh tế có độ mở rất là cao và Peru cũng như vậy. Thông qua Chile và Peru, chúng ta có thể tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước Nam Mỹ khác bởi Chile họ có FTA với cả khối thị trường chung Nam Mỹ MERCOSUR.
Thông qua hình thức hợp tác sản xuất, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể xem xét thúc đẩy hợp tác với các hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị tại khu vực.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ thêm, thời gian tới doanh nghiệp phải sẵn sàng trước những thách thức mới. Thời gian vừa rồi, chúng ta tương đối nhiều lợi thế khi “một mình một chợ”. Bởi vì, các nước đối thủ cạnh tranh có những sản phẩm hàng hóa tương tự như chúng ta ở khu vực ASEAN, châu Á thì họ chưa có hiệp định với các nước như là Canada hay Mexico. Vì thế, những sản phẩm hàng hóa mà chúng ta có lợi thế gần như chúng ta có ưu thế tuyệt đối với ưu đãi thuế quan CPTPP.
Những biến động về địa chính trị, yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến lợi thế của chúng ta trong việc tận dụng CPTP ở thị trường này, nói một cách ngắn gọn, lợi thế vẫn đang là một trong những ưu điểm của chúng ta ở thị trường này, nhưng nó không kéo quá dài, vì thế các doanh nghiệp phải tận dụng mọi cơ hội ở thời điểm hiện tại. Đồng thời chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn tới, khi các lợi thế không còn nhiều.