TS. Nguyễn Minh Phong: 4 điểm sáng của hàng Việt xuất khẩu sang CPTPP Thúc đẩy thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP vì lợi ích của doanh nghiệp |
4 lợi ích lớn từ Hiệp định CPTPP
Ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Trưởng Phòng Đông Nam Á, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi - Bộ Công Thương cho biết, sau 5 năm có hiệu lực, Hiệp định CPTPP đã giúp tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Á thuộc CPTPP tăng đáng kể.
Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu sang 6 nước thành viên CPTPP thuộc châu Á đạt 89,2 tỷ USD, tăng rất mạnh, lên đến 8,6% so với năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu tăng 20%. Trong đó tăng mạnh nhất là Brunei với 147% và thấp nhất ở New Zealand, tăng 5,6%. Đây là kết quả đáng mừng.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang CPTPP (Ảnh: TTXVN) |
CPTPP cũng là đòn bẩy đẩy hàng hoá Việt Nam ra các thị trường, trong đó một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, New Zealand đã ngay lập tức cắt giảm thuế quan nhập khẩu với nhiều mặt hàng quan trọng như đồ gỗ, nông thuỷ sản. Điều này làm tăng quy mô thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP cũng như góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Thêm nữa, nhờ CPTPP, Việt Nam có cơ hội tận dụng nguồn đầu vào với giá cạnh tranh để từ đó gia tăng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang các nước thành viên khác mà ta chưa có FTA như: Canada, Mexico, Peru cũng như các nước đang có ý định trở thành thành thành viên của CPTPP như Trung Quốc...
“Hiệu quả cuối cùng là CPTPP tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và động lực tăng hàm lượng công nghệ của hàng Việt Nam, góp phần xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường khó tính” – ông Nguyễn Tuấn Dũng nêu rõ.
Chú trọng các yếu tố phát triển bền vững
Giống như nhiều khu vực thị trường khác, Hiệp định CPTPP cũng có những quy định, tiêu chuẩn về phát triển bền vững song song với lộ trình cắt giảm thuế quan. Trong số các nước thành viên CPTPP thì tất cả các nước đều chung xu thế là hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và hình thành những “luật chơi” mới về thương mại.
Đơn cử như tại châu Á, Nhật Bản, Úc, New Zealand là những thị trường đang đặt ra tiêu chuẩn mới và đều là nước đi đầu về bảo vệ môi trường. Ví dụ như Nhật Bản gần đây đã ban hành luật thúc đẩy mua sắm xanh, ưu tiên chính sách mua sắm công cho các mặt hàng bảo vệ môi trường.
Hoặc, Úc là một trong những nước đi đầu ban hành các tiêu chuẩn về SPS về bảo vệ môi trường, đồng thời thắt chặt các quy định về bảo vệ môi trường như gần đây, họ ban hành quy định về hạn chế sử dụng ống hút; ban hành quy định về các chất ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Singapore và Malaysia cũng ban hành những tiêu chuẩn mới về bảo vệ môi trường và sản xuất xanh. Trong đó Singapore có nhãn xanh Green Labour, yêu cầu các nước đáp ứng các tiêu chuẩn ISO 14024 về bảo vệ môi trường. Singapore cũng là quốc gia đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 6 hiện là mức cao nhất.
Việc các nước ban hành quy định tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp cần quan tâm chú ý hơn đến việc thay đổi tiêu chuẩn sản xuất để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng khẳng định, yêu cầu phát triển xanh và bền vững cùng những yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe hơn là rào cản lớn với doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, Vụ thị trường châu Á, châu Phi đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài bộ để nắm bắt được yêu cầu của nước sở tại, đặc biệt là yêu cầu về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường để kịp thời khuyến cáo doanh nghiệp có những điều chỉnh phù hợp.
Theo đó, đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Đa biên, Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ để tổ chức các hội thảo, các buổi kết nối giao thương để có những thông tin cập nhật nhất về chính sách và sự thay đổi thị trường.
Bên cạnh đó, xây dựng các ấn phẩm, đặc biệt là cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp về các thị trường. Đặc biệt, Vụ còn phối hợp với Vụ đa biên để có những bài viết hướng dẫn, báo cáo ngành hàng trên cổng thông tin FTA.
Vụ cũng đã ban hành cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước CPTPP khu vực châu Á.
“Vụ Thị trường châu Á, châu Phi đã có nhiều hình thức liên hệ, chỉ đạo các Thương vụ và chi nhánh thương vụ các nước trong khu vực tham mưu về các thay đổi của thị trường để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những thay đổi thông tin để có giải pháp ứng phó” – ông Nguyễn Tuấn Dũng thông tin.
Đối với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Dũng khuyến cáo, cần nắm chắc nội dung, các cam kết và ưu đãi từ CPTPP. Bên cạnh đó, nếu gặp khó khăn về quy định nước sở tại, thay vì tự xử lý, doanh nghiệp cần gắn kết với Bộ Công Thương, cung cấp thông tin để Bộ Công Thương trao đổi với nước sở tại, từ đó có tiếng nói để các nước sở tại có thời gian xem xét điều chỉnh.
Trong khi các doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất xanh thì có thể liên hệ với bộ hoặc thương vụ của bộ để nhờ các thương vụ hướng dẫn kết nối với cơ quan sở tại để được cấp chứng nhận nhanh nhất, tiết kiệm chi phí nhất
Ngoài ra, doanh nghiệp đã thành công thì cần chia sẻ thông tin cho nhau để học hỏi kinh nghiệm. Đây là việc rất cần thiết để các doanh nghiệp chiếm lĩnh tốt thị trường khu vực CPTPP.