Thứ tư 25/12/2024 10:23

Tâm lý người tiêu dùng Việt: Gió đã đổi chiều

"Sau hơn 6 năm triển khai, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã có nhiều tác động tích cực tới nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân trong nước". Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) về nhận định trên.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Ông đánh giá thế nào về những tác động của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) trong nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà còn mang tính chất lâu dài khi kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng với kinh tế thế giới.

Có thể thấy, CVĐ đã làm “đổi chiều” nhận thức của người tiêu dùng (NTD) đối với hàng nội và hàng ngoại. Hàng nội đã dần được người tiêu dùng tin cậy; tâm lý sính hàng ngoại đã giảm đi nhiều. Nhiều mặt hàng nội đã chiếm lĩnh được thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng và đón nhận. Không ít mặt hàng, từ chỗ nội giả ngoại, nay hàng Trung Quốc giả hàng Việt Nam để bán cho người Việt đủ để thấy “sức hút” của hàng Việt. Đây là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động và sự vươn lên của các DN Việt Nam trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng nội về chất lượng, mẫu mã, giá cả.

Đặc biệt, qua việc đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều DN đã nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường này nhưng trước đây chưa được chú ý, nếu không muốn nói còn bỏ ngỏ. Từ đó, các DN đã chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo hướng lâu dài, bền vững. Hàng hóa sản xuất trong nước không ngừng được cải thiện từng bước tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.

Thưa ông, với mục tiêu bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng Việt, Vinastas đã có những hoạt động gì trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Nhận thức tầm quan trọng của CVĐ, Vinastas đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức NTD trong việc ưu tiên dùng hàng Việt. Ngay từ tháng 7/2009, tại Đà Nẵng, Vinastas đã tổ chức Hội thảo toàn quốc về “Người Việt Nam với hàng Việt Nam”. Vào thời gian đó công luận rất bức xúc về tình trạng giá sữa bột ngoại bán tại Việt Nam chênh lệch quá lớn so với giá sữa bột nội cùng phẩm cấp. Chính vì vậy, tại hội thảo này còn có chuyên đề “Người tiêu dùng chọn sữa thông minh”. Tháng 8/2009 tại TP. Hồ Chí Minh, Vinastas đã tổ chức lễ phát động; tháng 9/2009 tại Nha Trang, tháng 10/2009 tại Hải Phòng và Cần Thơ Hội đã tổ chức Hội thảo “Người Việt ưu tiên dùng sữa Việt". Sau hội thảo đã ra thông cáo báo chí để thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng về sự bất hợp lý của giá sữa bột ngoại tại thời điểm đó. Nhiều người đã chuyển sang mua sữa nội, doanh số sữa nội tăng lên.

Trong 5 năm, Vinastas cũng đã liên tục tổ chức nhiều hội thảo với các chủ đề như: “Cam kết trách nhiệm của DN với bảo vệ NTD”, “Thị trường giấy”, “Thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em”, “Hiểm họa trasfat”, “Sản phẩm tiết kiệm điện”, “Chất lượng hóa mỹ phẩm và sức khỏe NTD”, “Dịch vụ hậu mãi”, “Quyền của NTD khi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ”, “Chất lượng ATVSTP cho trẻ em”, “Rau an toàn”... Các thành viên Hiệp hội cũng thường xuyên tham gia diễn đàn trực tuyến, tư vấn pháp luật, trả lời phỏng vấn báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền đến NTD.

Đồng thời, Vinastas cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các hội chợ hàng Việt với 7 đợt đưa hàng Việt về nông thôn ở Thái Bình. Tại tiền Giang, đã có 28 đợt bán hàng với tổng doanh số bán hàng 575,931 tỷ đồng, hỗ trợ 15 DN của tỉnh thực hiện bán hàng lưu động theo Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” tại các chợ huyện, thành thị, tổng doanh thu các đợt bán hàng gần 6 năm qua trên 600 tỷ đồng với hơn 719.390 lượt người tham quan, mua sắm…

Trải qua gần 6 năm triển khai, Cuộc vận động còn có những mặt nào chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay, công tác tuyên truyền chủ yếu do các cơ quan, tổ chức, báo chí làm là chính. Tuy nhiên, theo tôi, tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu về hàng Việt, không ai khác phải là các nhà sản xuất ra sản phẩm. Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại của nhiều DN vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Thay vì cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, nhiều quảng cáo thái quá, thậm chí không đúng dẫn đến phản tác dụng. Dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa được coi trọng, nhiều sản phẩm chậm được cải tiến, chưa đáp ứng nhu cầu của NTD về chất lượng, mẫu mã cũng như giá cả.

Bên cạnh đó, kênh phân phối hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam chưa thực sự sâu, rộng, liền mạch. Trong khi hàng ngoại không chỉ có sức cạnh tranh về hình thức và chất lượng mà được cung ứng qua kênh phân phối mang tính chuyên nghiệp. Chính vì vậy, tâm lý thích dùng hàng ngoại vẫn còn trong một bộ phận NTD, không chỉ những người có thu nhập cao.

Đáng kể, tình trạng hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường đã làm giảm uy tín của hàng Việt.

Theo ông, trong thời gian tới, cần có thêm những giải pháp gì để nâng cao chất lượng Cuộc vận động?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Cần chú trọng, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong nước. Đơn cử, ngay chính các cơ quan Nhà nước khi mua sắm công, cán bộ, công chức cần đi đầu trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đó sẽ là một hành động có ý nghĩa nêu gương trong việc thực hiện CVĐ.

CVĐ cũng chính là cơ hội tốt để DN Việt Nam đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Để NTD ưu tiên dùng hàng Việt, hàng Việt phải có sức cạnh tranh. Điều này phụ thuộc và nằm trong tay DN Việt. Ưu tiên dùng hàng Việt là cử chỉ yêu nước của NTD, thì sản xuất hàng mang thương hiệu Việt cũng là thể hiện tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc của doanh nhân.

Thêm vào đó, trong tương lai gần, khi hiệp định TPP đã được ký kết và có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sang các nước thành viên, thì ngược lại, hàng hóa các nước thành viên cũng sẽ tràn vào thị trường nước ta. NTD sẽ có cơ hội thực hiện quyền lựa chọn của mình. Vì vậy cùng với việc vận động khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, bản thân hàng Việt Nam phải có sức cạnh tranh với hàng ngoại. DN cần chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo hướng lâu dài, bền vững; mẫu mã, chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước không ngừng được cải tiến, từng bước tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra thị trường, chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm quy chế ghi nhãn, quảng cáo không trung thực và các hành vi gian lận khác.

Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, các DN trong nước tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của DN, khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán lẻ, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Xin cám ơn ông!

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục

Nhìn lại năm 2024, liệu ngành thép đã tìm được cơ hội bứt phá?

Thị trường hàng hóa hôm nay 19/12: Giá ca cao lập đỉnh lịch sử mới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết

TP. Hồ Chí Minh: Chợ kẹo bánh Bình Tây nhộp nhịp dịp cuối năm

Thị trường hàng hóa hôm nay 18/12: Giá đậu tương giảm phiên thứ ba liên tiếp

Đồ trang trí Giáng sinh 2024: Sản phẩm 'xanh' chiếm sóng thị trường

Thị trường hàng hóa hôm nay 17/12: Giá cà phê Arabica tăng 2,47%

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/12: Giá ca cao tăng vọt tuần thứ 5 liên tiếp

Ngành bán lẻ trước cột mốc 200 tỷ USD: Miếng bánh có dễ 'ăn'?

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thị trường hàng hoá duy trì bình ổn, không để thiếu hàng cho dịp Tết Ất Tỵ

Xu hướng lựa chọn giỏ quà Tết năm nay

Nguồn cung hàng hóa sẵn sàng, doanh nghiệp tăng 30% sản lượng hàng Tết so với năm 2024

Thị trường hàng hóa hôm nay 13/12: Giá ngô suy yếu, giá đậu tương đi ngang

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Thị trường hàng hóa hôm nay 12/12: Giá bạc neo tại vùng đỉnh một tháng

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép phân phối rượu của Công ty TNHH Nam Dương Invest

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường đồ trang trí ảm đạm trước thềm Giáng sinh

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/12: Giá cà phê Arabica chạm mức cao nhất khi tiến sát mốc 7.400 USD/tấn

TP. Hồ Chí Minh: Bán hàng bình ổn thị trường Tết, nhiều hàng hóa giảm giá sâu