
Thổi hồn 'Nét Việt' trong bộ sưu tập áo dài của Hoa hậu Ngọc Hân trong mùa Xuân Ất Tỵ 2025
“Thổi hồn “Nét Việt” trong bộ sưu tập áo dài của Hoa hậu Ngọc Hân trong mùa Xuân Ất Tỵ 2025” là nhan đề bài viết của tác giả Thanh Thảo trong chuyên mục Podcast ngày hôm nay. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Hà Nội vào những ngày cuối năm, ánh nắng dịu dàng phủ lên từng mái nhà, từng góc phố cổ kính. Trong không gian ấy, một buổi chiều đẹp trời tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoa hậu Ngọc Hân đã đến nơi đây để tìm kiếm nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập áo dài mừng xuân mới. Từng bước chân chậm rãi đưa cô qua những tấm bia đá khắc tên các bậc hiền tài, nơi chứa đựng tinh hoa của dân tộc Việt. Từ trong sự tĩnh lặng của thời gian, một hành trình sáng tạo đã được khơi nguồn, mang theo cả tâm huyết của Ngọc Hân dành cho tà áo dài Việt.
Hoa hậu Ngọc Hân - một cái tên không còn xa lạ với công chúng. Từ ngày đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2010 (dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội) đến nay, Ngọc Hân vẫn luôn gắn bó với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại, duyên dáng nhưng cũng đầy thông minh, bản lĩnh và trí tuệ. Đặc biệt, trong vai trò nhà thiết kế áo dài, Ngọc Hân không chỉ mang hình ảnh tà áo dài Việt ra thế giới mà còn góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc qua từng đường kim, mũi chỉ, qua từng câu chuyện được kể lại qua mỗi tà áo dài Việt Nam.
Hành trình từ Văn Miếu đến “nét Việt” trong tà áo dài
Ngọc Hân chia sẻ rằng một lần tình cờ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào cuối năm 2024, hôm ấy đã trở thành khởi nguồn cho ý tưởng bộ sưu tập áo dài Xuân Ất Tỵ 2025 của nàng hậu. Trong không gian thanh tịnh, cổ kính ấy, Ngọc Hân dường như bị xao động, cuốn hút bởi những đường nét chạm khắc tinh xảo trên những tấm bia tiến sĩ - biểu tượng của truyền thống hiếu học và trí tuệ dân tộc người Việt tự bao đời.
Tại đây, Ngọc Hân lặng lẽ dừng chân trước từng tấm bia, đọc từng dòng chữ khắc sâu trên đá, như thể phần nào cảm nhận được hơi thở của những thế hệ đã qua với bao thăng trầm xưa cổ. Mỗi tấm bia đá hiện hữu như thoáng xa xôi mà lại vô cùng gần gũi ấy chính là một câu chuyện về quá trình người Việt mạnh mẽ, hùng cường vượt qua khó khăn, thử thách để đạt đến đỉnh cao tri thức. Trong khoảnh khắc sâu sắc cháy bỏng ấy, Ngọc Hân như cảm nhận rõ hơn bao giờ hết trách nhiệm riêng có của bản thân mình với vai trò không chỉ là nhà thiết kế, một Hoa Hậu của mảnh đất Hà thành, mà còn là người con gái Việt tài trí, giàu đam mê sẽ thêm một lần dệt lên câu chuyện kết nối quá khứ - hiện tại, qua những tà áo dài mang hồn cốt và những câu chuyện ý nghĩa của dân tộc.
![]() |
Hoa hậu Ngọc Hân trong tà áo dài. |
Chuyến đi ấy cũng đã mang cơ duyên và may mắn kết nối nàng hậu Ngọc Hân đến với cuốn sách “Nét Việt trên bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám” của hai tác giả Trần Hậu Yên Thế và Trần Trung Hiếu. Những nghiên cứu công phu, tỉ mỉ của hai tác giả với khối kiến thức giàu có trong cuốn sách ấy đã mở ra cho Ngọc Hân cánh cửa tri thức, giúp cô nhìn thấy vẻ đẹp sâu lắng vượt thời gian trong từng họa tiết, từng nét khắc trên văn bia tiến sĩ.
“Tôi bị ấn tượng bởi sự tinh tế và ý nghĩa sâu xa của từng hoa văn trên bia tiến sĩ. Những họa tiết rồng phượng, hoa sen hay mây trời đều mang trong mình câu chuyện về khát vọng vươn lên của dân tộc. Chính từ đó, tôi quyết định đưa những nét đẹp ấy vào từng chiếc áo dài trong bộ sưu tập lần này, đặc biệt là phải cảm ơn những cảm hứng và hình ảnh được lấy từ cuốn sách của hai tác giả giàu tri thức và am hiểu về truyền thống văn hoá dân tộc - Trần Hậu Yên Thế và Trần Trung Hiếu. Hai tác giả dường như đã phục dựng rất rõ nét hồn cốt của nét Việt quan những nghiên cứu và hình ảnh của mình qua cuốn sách đầy giá trị đó”, Ngọc Hân xúc động chia sẻ.
Bộ sưu tập Áo dài Xuân Ất Tỵ 2025 của Hoa hậu Ngọc Hân được đặt tên là “Nét Việt” - một cách trân trọng đặc biệt để tri ân và tái hiện giá trị truyền thống người Việt, đặc biệt là mảnh đất Hà thành ngàn năm Văn Hiến - nơi mà cũng như một kỳ duyên tâm ngộ đã đăng quanh một hoa hậu Ngọc Hân, một cô gái gốc Hà thành sinh ra, lớn lên và gắn bó máu thịt với mảnh đất hùng thiêng này. Các thiết kế trong bộ sưu tập của Ngọc Hân đã được nàng hậu lựa chọn và sử dụng chất liệu tơ tằm tự nhiên, kết hợp kỹ thuật thêu tay tinh xảo để tạo nên những tà áo vừa cổ điển vừa hiện đại. Từng chiếc áo dài qua niềm đam mê, trí tưởng tượng, niềm yêu riêng có của Ngọc Hân thiết kế bỗng chốc như một bức tranh huyền mặc thu nhỏ, kể lại câu chuyện ngàn đời về lịch sử của Văn Miếu - nơi lưu giữ đậm nét văn hoá tinh thần dân tộc qua nhiều thế kỷ.
Áo dài - Hồn cốt của phụ nữ Việt
Đối với Ngọc Hân, áo dài không chỉ đơn giản là một bộ trang phục, mà còn là biểu tượng văn hóa, là “hồn cốt” của phụ nữ Việt Nam mà cô vẫn luôn yêu mến và trân trọng gọi tên là Việt phục. Từ những ngày đầu chập chững bước vào thế giới thời trang, Ngọc Hân đã xác định áo dài sẽ là con đường dài hơi đầy đam mê mà nàng hậu xinh đẹp và đa tài muốn gắn bó lâu dài.
Tình yêu với tà áo dài Việt của Ngọc Hân không chỉ dừng lại ở thiết kế mà còn ở việc đưa tà áo dài ấy ra khắp thế giới. Trong các chuyến công tác nước ngoài, từ châu Âu đến châu Á, Ngọc Hân luôn cố gắng quảng bá hình ảnh người phụ nữ Việt qua những bộ sưu tập áo dài bởi những thiết kế tỉ mỉ, tinh xảo và đầy trân trọng qua từng tấm áo của mình. Các mẫu áo dài do Hoa hậu Ngọc Hân thiết kế đã nhận được sự yêu thích của bạn bè quốc tế nhờ sự tinh tế, thanh lịch và đậm chất truyền thống.
Ngọc Hân tâm sự: “Khi nhìn thấy bất kỳ người nước ngoài của quốc gia nào khoác lên mình chiếc áo dài Việt Nam, tôi cảm thấy tự hào vô cùng. Và cũng khi khoác lên mình tà áo dài Việt trên từng đất nước bạn, tôi lại càng trân trọng và tự hào về đất nước và con người Việt Nam thân yêu của mình nhiều hơn. Đó là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của tà áo dài, cho thấy văn hóa Việt Nam đang dần được biết đến nhiều hơn và trân trọng hơn trên thế giới”.
Ngọc Hân kể về một kỉ niệm khó quên khoảnh khắc một nhà ngoại giao nước ngoài đã khóc vì xúc động khi khoác lên mình chiếc áo dài do chính tay cô thiết kế, những nét hoa văn loài hoa lan tím trên tà áo dài Việt Nam lại là loài hoa biểu trưng của dân tộc, của đất nước sở tại của ông. “Ông ấy nói rằng, trong chiếc áo dài, ông cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi như chính tình yêu của người Việt dành cho quê hương, đất nước của mình” - Ngọc Hân nhớ lại với nụ cười ấm áp của ông Nicolas Maduro - Tổng thống Venezuela ngày hôm ấy khi đứng chụp ảnh cùng Ngọc Hân cùng tà áo dài truyền thống Việt Nam.
Văn hóa đọc sách - Ngọn nguồn của cảm hứng sáng tạo của Ngọc Hân
Không chỉ là một nhà thiết kế, Ngọc Hân còn là một người yêu sách và đam mê văn hoá đọc sách. Những cuốn sách nghiên cứu về lịch sử, văn hóa luôn là bạn đồng hành của cô trong mỗi dự án thiết kế, hay cả với những chuyến đi xa và dài ngày của Ngọc Hân. Đối với cô, sách không chỉ mở ra cánh cửa tri thức mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những ý tưởng mới, sáng tác cho những thiết kế mới của mình.
“Đọc sách giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn dân tộc, về những giá trị văn hóa tưởng như đang dần mai một theo thời gian nhưng thật ra vẫn được lưu giữ vô cùng sâu đậm. Những kiến thức thu nhận được từ sách đã giúp tôi rất nhiều trong việc sáng tạo ra những thiết kế áo dài mang đậm dấu ấn Việt” - Ngọc Hân hạnh phúc chia sẻ.
Văn hóa đọc của người Việt Nam từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển tư duy, nhân cách của mỗi cá nhân. Đặc biệt, đối với giới trẻ, việc đọc không chỉ giúp họ tiếp cận với tri thức mới mà còn là cầu nối giữa cánh cửa tri thức truyền thống và hiện tại, giữa các nền văn hóa khác nhau. “Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, việc duy trì thói quen đọc sách sẽ phần nào giúp giới trẻ rèn luyện khả năng tư duy phản biện, mở rộng hiểu biết và nuôi dưỡng tâm hồn. Đọc sách không chỉ mang lại sự hiểu biết về thế giới, mà còn giúp các bạn trẻ phát triển cảm xúc, xây dựng một thái độ sống tích cực, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn và tạo dựng những giá trị bền vững cho xã hội” - Ngọc Hân nói.
Hoa hậu Ngọc Hân đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích văn hóa đọc trong thế hệ trẻ. Theo Ngọc Hân, đọc sách không chỉ là phương thức để trau dồi kiến thức mà còn là cách để nuôi dưỡng tình yêu văn hóa, truyền thống và lịch sử. Điều mà bất cứ người Việt nào, đặc biệt là các bạn trẻ cũng nên cần để trang bị cho bản thân những kiến thức thiết yếu và nên có. “Khi bạn hiểu sâu sắc về lịch sử và văn hóa, bạn sẽ biết cách yêu và trân trọng nó hơn” - Ngọc Hân bộc bạch.
Năm Ất Tỵ trò chuyện cùng Hoa Hậu tuổi Kỷ Tỵ
Trong không khí xuân Ất Tỵ 2025, Hoa hậu Ngọc Hân đã vinh dự trở thành khách mời đặc biệt của chương trình Diễn đàn - Đối thoại của Báo Công Thương: Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân sinh năm 1989, nàng hậu xinh đẹp mang tuổi Kỷ Tỵ dường như là một hình ảnh kết nối đặc biệt với năm mới Ất Tỵ 2025.
Là khách mời của chương trình Diễn đàn - Đối thoại của Báo Công Thương, Ngọc Hân cũng không ngừng nhắc đi nhắc lại đến việc quảng bá văn hoá áo dài Việt Nam đến với thế giới. Ngọc Hân cho rằng, một đất nước hội nhập phát triển không thể tách rời những giá trị đặc sắc của nét truyền văn hoá dân tộc được gìn giữ lâu đời, và áo dài chính là một trong những nét văn hoá giúp phụ nữ và hình ảnh người Việt Nam tỏa sáng và đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Áo dài Việt Nam không chỉ là để làm đẹp hơn cho mỗi người, mà còn là cách để thể hiện tình yêu quê hương, tự hào về bản sắc dân tộc.
“Thương yêu và tự hào biết mấy khi mỗi lần được nhắc trên môi hai tiếng “Việt Nam” - Ngọc Hân chia sẻ.
Bài Podcast với nội dung “Thổi hồn “Nét Việt” trong bộ sưu tập áo dài của Hoa hậu Ngọc Hân trong mùa Xuân Ất Tỵ 2025” đến đây xin được tạm dừng, hi vọng những chia sẻ của Hoa hậu Ngọc Hân trong bài viết sẽ mang đến cho quý vị những câu chuyện sâu sắc, ý nghĩa. Thân ái chào tạm biệt quý vị!

Văn hóa lì xì và những giá trị truyền thống cần gìn giữ
“Văn hóa lì xì và những giá trị truyền thống cần gìn giữ” là nhan đề bài Podcast mà chúng tôi muốn gửi đến quý vị và các bạn, kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Văn hoá Lì xì là nét chấm phá ngọt ngào không thể thiếu của Tết Việt, nơi tình thân được trao đi và những giá trị truyền thống mãi được gìn giữ. Những chiếc phong bao đỏ thắm ấy không chỉ gói ghém lời chúc may mắn đầu năm mà còn là sợi dây gắn kết yêu thương giữa các thế hệ.
Khi những tia nắng đầu tiên của mùa xuân lấp lánh trên cành lộc biếc, khi hương trầm dìu dịu hòa cùng tiếng cười rộn rã của những ngày đầu năm, phong bao lì xì đỏ thắm lại xuất hiện như một phần không thể thiếu trong bức tranh ngày Tết của người Việt. Đó không chỉ là món quà nhỏ gửi trao, mà còn là một biểu tượng của sự may mắn, yêu thương và gắn kết.
Những chiếc phong bao ấy chứa đựng nhiều hơn là vài đồng tiền lẻ. Chúng gói ghém lời chúc phúc từ thế hệ này đến thế hệ khác, là cách để người lớn dặn dò con trẻ chăm ngoan, để con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, để mỗi người thân trao nhau niềm tin và hy vọng cho một năm mới an lành. Phong tục lì xì giản dị nhưng sâu sắc ấy đã theo người Việt qua biết bao mùa xuân, giữ cho ngày Tết luôn ngập tràn hơi ấm gia đình và tình nghĩa.
Ý nghĩa văn hóa sâu sắc của lì xì
Nhắc đến văn hóa truyền thống ngày Tết của người Việt, của Tết Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc Hội chia sẻ: “Tết là một dịp vô cùng đặc biệt đối với văn hóa dân tộc và đặc biệt là đối với từng gia đình. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà cuộc sống vô cùng hối hả, thì Tết là một thời điểm lắng đọng không gian và thời gian lại để cho chúng ta tìm về với gia đình. Vì thế chúng ta vẫn hay gọi Tết là Tết đoàn viên để mọi người cùng về với nhau, chia sẻ những vui buồn, đặc biệt là thực hành những giá trị văn hóa truyền thống.
![]() |
Lì xì đầu năm - một văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. |
Chính vì thế nên những người làm văn hóa như chúng tôi luôn luôn mong muốn rằng chúng ta giữ được cái tinh thần, những cái hồn cốt của giá trị ngày Tết. Từ đó thì chúng ta giữ được văn hóa dân tộc, chúng ta giữ được chủ quyền văn hóa của quốc gia. Rõ ràng rằng khi chúng ta nghĩ về ngày Tết hoặc chúng ta thực hành ngày Tết, chúng ta sẽ thấy rất nhiều những giá trị ý nghĩa trong ngày Tết.
Không chỉ là những giá trị hướng về tổ tiên, nhớ về công lao của bố mẹ, của ông bà, những người đang sống và kể cả những người đã khuất. Khi chúng ta thực hành đạo hiếu như thế, chúng ta sẽ lan tỏa những tinh thần đạo đức quan trọng trong xã hội, xây dựng một xã hội đạo đức. Tạo nên nền tảng cho những giá trị tốt đẹp trong xã hội phát triển.”
Nhắc tới một trong những nét văn hóa ngày Tết - “phong tục lì xì”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Lì xì là một phần văn hóa đẹp của Tết Việt Nam, vừa giản dị, vừa sâu sắc, chúng ta cần trân trọng điều đó như một sợi dây gắn kết giữa các thế hệ. Tuy nhiên, tục lì xì không chỉ dừng lại ở việc trao nhau tiền mừng, mà sâu xa hơn là gửi gắm những hy vọng tốt lành, sự động viên tinh thần và lòng yêu thương, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.” Ông nhận định.
Không dừng lại ở việc trao tặng, phong tục lì xì còn là cách thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Người lớn lì xì cho con cháu, con cháu lại mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ - vòng quay ấy gói trọn sự tôn kính và lòng tri ân, tạo nên một nét đẹp bền vững trong văn hóa ngày Tết Việt Nam.
Những ‘màu xám’ của văn hóa lì xì trong nếp sống hiện đại
Dẫu đẹp đẽ là vậy, văn hóa lì xì trong xã hội hiện đại đôi lúc đã bị biến tướng bởi những giá trị thực dụng đã vô tình len lỏi. Không ít câu chuyện buồn xảy ra khi giá trị của phong bao lì xì bị đánh đồng với số tiền bên trong, dẫn đến áp lực tài chính cho người trao và kỳ vọng không đáng có từ người nhận.
Chia sẻ với Báo Công Thương về nội dung này, danh hài, NSƯT Chí Trung bày tỏ sự trăn trở: “Ngày xưa, những đồng tiền lẻ trong phong bao mang ý nghĩa là lời chúc may mắn, bình an. Nhưng giờ đây, có những người lại coi trọng giá trị vật chất hơn là giá trị tinh thần. Điều đó vô tình làm mất đi cái hồn của phong tục này. Tôi nghĩ, chúng ta cần quay lại những giá trị cốt lõi - trao lì xì để trao yêu thương, may mắn, chứ không phải để so đo nhiều ít hoặc chạy theo hình thức.”
NSƯT Chí Trung cũng nhắc đến câu chuyện giáo dục trẻ em về văn hóa lì xì khi nhiều bậc phụ huynh vô tình gieo vào con trẻ suy nghĩ rằng lì xì chỉ là tiền bạc. Điều đó rất nguy hiểm. “Lì xì phải đi kèm với lời dạy bảo, để các con hiểu rằng mỗi phong bao là một lời chúc, một tấm lòng, chứ không chỉ là con số”, NSƯT Chí Trung bộc bạch.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn thẳng thắn chỉ ra rằng: “Xã hội hiện đại đã vô tình khiến phong tục lì xì bị méo mó trong một số trường hợp. Khi lì xì không còn mang ý nghĩa tinh thần, mà trở thành sự so đo vật chất hoặc công cụ để phô trương địa vị, thì đó là lúc chúng ta phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc”, ông nhấn mạnh. Ông đặc biệt lo ngại khi việc lì xì bị áp lực hóa, khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng thay vì vui vẻ. Theo ông, việc chấn chỉnh cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức trong từng gia đình, từng cá nhân, để trả lì xì về đúng ý nghĩa vốn có của nó trong ngày Tết đón Xuân của mỗi người.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng nét tích cực của văn hóa lì xì là một hình thức giáo dục ý nghĩa: “Trong chiếc phong bao đỏ là cả một thế giới của yêu thương, của mối liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Nó là minh chứng cho sức sống bền bỉ của văn hóa Việt Nam, ngay cả trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”, ông khẳng định.
Ngoài ra, việc sáng tạo trong cách lì xì cũng giúp phong tục này trở nên ý nghĩa hơn. Thay vì chỉ trao tiền, nhiều gia đình đã kèm theo những tấm thiệp nhỏ ghi lời chúc, hay chọn những món quà tinh thần như sách, tranh vẽ, hoặc các vật phẩm mang giá trị giáo dục.
Danh hài, NSƯT Chí Trung cũng đề xuất một ý tưởng đầy cảm hứng: “Tại sao chúng ta không tạo thêm câu chuyện cho những phong bao lì xì? Hãy viết một lời chúc thật chân thành, kể một câu chuyện Tết để người nhận cảm thấy rằng món quà này không chỉ đơn thuần là vật chất mà là cả một tấm lòng”.
Phong bao lì xì - Sợi dây kết nối tình thân
NSƯT Chí Trung tiếp tục câu chuyện đầu năm mới và chia sẻ rằng: “Phong bao lì xì không chỉ mang theo lời chúc đầu năm mà còn là sợi dây kết nối tình thân. Khi bạn cầm phong bao trên tay, đó không chỉ là vật chất, mà là cả một nền văn hóa, một phần ký ức tuổi thơ, một món quà gửi gắm từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
“Cùng nhau dọn dẹp nhà cửa trang trí đón Tết, tục cúng ông Công ông Táo, bữa ăn Tất niên bên gia đình cuối năm, tục lệ “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, hay văn hóa lì xì nhân dịp đầu năm mới lấy may… tất cả những giá trị đó đều có ý nghĩa giáo dục nhân sinh, giáo dục đạo đức, tuyến giáo con người những điều tốt đẹp, cao cả. Đó cũng là một cơ hội để chúng ta tĩnh tại lại. Đặc biệt, cần phải giữ gìn những nét đẹp truyền thống tốt đẹp đúng như ý nghĩa nhân văn ban đầu của nó”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Hãy để phong tục lì xì tiếp tục là ngọn lửa giữ ấm cho ngày Tết, là niềm hân hoan trong ánh mắt trẻ thơ, là sự an nhiên trong nụ cười của người già, và là khoảnh khắc yêu thương trong mỗi gia đình. Đừng để Tết chỉ còn là những phong bao lạnh lùng trao đi cho xong, mà hãy để từng chiếc lì xì là một câu chuyện, một kỷ niệm đẹp trong lòng người nhận.
Tết là dịp để trở về. Dẫu cho guồng quay của đời sống xã hội hiện đại vẫn đang hối hả, vội vã, giữa những đổi thay của xã hội chuyển mình, thì xin hãy vẫn cứ giữ cho những chiếc phong bao đỏ vẻ đẹp nguyên sơ, ý nghĩa như vốn có. Vì sau cùng, ý nghĩa thực sự của Tết không nằm ở những món quà to lớn, mà ở những điều giản dị nhất - một lời chúc đầu xuân, một nụ cười chân thành, một phong bao lì xì nhỏ nhắn, một trái tim đong đầy, của tình thân yêu thương./.
Nội dung Podcast của chúng tôi đến đây xin được tạm dừng, thân mến chào tạm biệt quý vị!

Công điện của Thủ tướng về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025
“Công điện bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025” là nhan đề bài Podcast mà chúng tôi muốn gửi tới quý vị và các bạn . Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Ngày 22/1/2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Công điện số 05/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025.
Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam.
Nội dung công điện như sau: Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao; tại các khu vực lễ hội Tết, lễ hội xuân tập trung lượng lớn người tham gia, có nhiều nguy cơ mất an toàn, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân 2025, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trong đó lưu ý một số nội dung trọng tâm sau đây:
1. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương:
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; chú trọng tuyên truyền chế tài xử phạt. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định.
- Bộ Y tế: Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm; chuẩn bị phương án cấp cứu, giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng điều trị người bệnh trong các sự kiện tập trung đông người, ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn nông dân, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, tập trung kiểm tra các thực phẩm có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết, lễ hội xuân như giò, chả, rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản.
- Bộ Công Thương: Tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia; tăng cường kiểm tra, phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp Tết, mùa lễ hội.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng hải quan, quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập khẩu thực phẩm trái phép qua biên giới, hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
![]() |
Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập khẩu thực phẩm trái phép qua biên giới, hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. |
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, các điển hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống, phổ biến cách nhận diện và phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tham gia truyền thông, giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu dân cư; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; vận động nhân dân thay đổi các tập quán ăn uống lạc hậu trong các ngày lễ hội, ngày Tết; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không ăn tiết canh và thức ăn chưa được nấu chín; không uống rượu tự ngâm các loại cây, củ, rễ, nội tạng động vật, mật động vật, rượu không có nguồn gốc xuất xứ, gây ra ngộ độc do rượu, methanol và các độc tố từ các vật ngâm trong rượu; không lạm dụng rượu bia trong ngày Tết, ngày lễ hội.
Đẩy mạnh kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng tần suất kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất, kinh doanh thịt, cá, mứt, bánh, kẹo, rượu,... Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn theo quy định.
Chính quyền địa phương các đô thị lớn, nơi lễ hội có lượng lớn người tham gia phải tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu lễ Tết, lễ hội xuân. Sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về sự cố mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra trên địa bàn.
Nội dung Podcast của chúng tôi đến đây xin được tạm dừng, thân mến chào tạm biệt quý vị!

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tuyệt đối không bỏ trống, làm gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường
“Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tuyệt đối không bỏ trống, làm gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường”, kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề của bài viết của nhóm phóng viên được đăng tải trên báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, Quản lý thị trường cần nêu cao tinh thần, tuyệt đối không bỏ trống, làm gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Bộ trưởng ghi nhận 5 kết quả nổi bật của lực lượng Quản lý thị trường
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây không chỉ là tổng kết năm mà còn là hội nghị lịch sử, triển khai Nghị quyết 18 thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy hoạt động của các bộ, ngành, đơn vị, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường.
Hội nghị cũng nhằm tổng kết, đánh giá và nhìn lại hiệu quả của mô hình hoạt động Tổng cục Quản lý thị trường theo ngành dọc sau hơn 6 năm hoạt động kể từ tháng 10/2018. Tổng kết không phải là kết thúc mà mở ra chương mới hoạt động, dù ở đâu, Quản lý thị trường cũng phải phát huy hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong công tác phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.
Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương, đánh giá cao công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của toàn lực lượng.
Thứ nhất, toàn lực lượng đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động công vụ của lực lượng (như các đề án, công điện, chỉ thị và văn bản chỉ đạo về: Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và kinh doanh mặt hàng vàng; đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại điện tử; thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường sau cơn bão Yagi…, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước.
Thứ hai, lực lượng đã triển khai khá tốt nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều vụ việc vi phạm lớn đã bị phát hiện và xử lý (thể hiện rõ qua số vụ thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý, số tiền xử phạt và số vụ chuyển cơ quan điều tra đều tăng đáng kể so với năm trước). “Kết quả này chứng tỏ vai trò của lực lượng Quản lý thị trường ngày càng được khẳng định, phát huy”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương.
Cũng theo Bộ trưởng, một số lĩnh vực nổi cộm, có diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo, như: Lĩnh vực thương mại điện tử, số vụ xử lý tăng 2,4 lần và số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023; lĩnh vực kinh doanh mặt hàng vàng, lực lượng Quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý trên 550 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 15 tỷ đồng, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng.
Thứ ba, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Quản lý thị trường và sự phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn (như Sở Công Thương, Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan, Thuế…) trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… có sự chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp đã được xử lý khá tốt, từ đó củng cố được niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với lực lượng Quản lý thị trường (như: Vụ triệt phá kho hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng kinh doanh qua mạng xã hội với trị giá hàng hóa trên 20 tỷ đồng tại Hà Nội và vụ phát hiện đối tượng kinh doanh vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa trên 7,3 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh...).
Những kết quả này là minh chứng điển hình cho sự nỗ lực của toàn lực lượng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiến tạo thị trường lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận |
Thứ tư, kỷ cương hành chính, nề nếp công tác (từ Tổng cục đến các đơn vị trực thuộc) đã được chấn chỉnh và có chuyển biến khá tích cực. Công tác cán bộ trong toàn lực lượng được kiện toàn đồng bộ, tạo được sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện; đặc biệt Tổng cục đã thực hiện khá tốt chủ trương bổ nhiệm nhiều cấp trưởng không phải là người địa phương và đã triển khai nghiêm túc quy định về luân chuyển, điều động công chức các cấp.
Thứ năm, công tác thông tin truyền thông, đối ngoại, hợp tác quốc tế của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc được chú trọng và có nhiều chuyển biến rõ nét, giúp nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức thực thi và góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh.
“Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tôi ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà Tổng cục và toàn lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được trong 6 năm qua, đặc biệt là trong năm 2024” - Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao một lần nữa.
Những hạn chế cần khắc phục, chấn chỉnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Quản lý thị trường vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nổi lên trong đó là hiệu quả công tác Quản lý thị trường, đấu tranh phòng chống các vi phạm, gian lận thương mại (nhất là trong thương mại điện tử) vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có hệ thống. Các vi phạm về hàng hóa trong thương mại điện tử có xu hướng gia tăng. Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm thì còn rất nhỏ, chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm đang diễn ra trên thị trường.
Thứ hai, kiểm tra, kiểm soát địa bàn của các tổ, đội, cơ sở chưa thực sự sâu sát; công tác thanh tra, kiểm tra tại một số đơn vị mới chỉ tập trung chủ yếu vào những hành vi vi phạm đơn giản (như ở khâu giấy phép kinh doanh và niêm yết giá); áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.
Thứ ba, công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ cho cán bộ công chức ở nhiều đơn vị chưa tốt; sức ì trong đội ngũ cán bộ, công chức (nhất là ở cấp cơ sở) còn lớn; công chức vi phạm quy định của ngành (thậm chí vi phạm quy định pháp luật) vẫn tiếp tục xảy ra; việc xử lý sai phạm ở một số nơi chưa nghiêm túc. Tình trạng nhũng nhiễu (thậm chí có dấu hiệu bảo kê) của một số cán bộ trong lực lượng khi thi hành công vụ.
Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, Bộ trưởng cho rằng có cả khách quan và chủ quan; trong đó các nguyên nhân chủ quan chủ yếu đến từ việc nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước và của ngành ở nhiều đơn vị chưa tốt; công tác quản lý, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (cả về lý luận, phẩm chất đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ) cho cán bộ trong lực lượng chưa đạt yêu cầu đề ra.
Chưa kể, công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên với cấp dưới và việc đấu tranh với tinh thần xây dựng giữa các bộ phận cùng cấp chưa thường xuyên, kém hiệu quả; việc xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân chưa thật nghiêm túc nên không đủ sức răn đe.
Thêm vào đó, vai trò của các cấp uỷ, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo ở nhiều đơn vị chưa được phát huy; tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu một số đơn vị chưa rõ nét; kỷ cương, nề nếp trong nhiều đơn vị cơ sở không nghiêm.
Ngoài ra, việc phối hợp với các ngành, các cấp, các lực lượng (nhất là ở cấp địa phương) trong triển khai thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Không những vậy, năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận công chức Quản lý thị trường (kể cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý) ở một số đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Tuyệt đối không để gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường
Năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công Thương nói riêng được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Nền kinh tế mở cùng với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử (nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới) sẽ ngày càng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn cho công tác Quản lý thị trường. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia nhiều các Hiệp định thương mại sẽ mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi cho hoạt động ngoại thương nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Từ bối cảnh trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, mục tiêu chung của công tác Quản lý thị trường năm tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị toàn lực lượng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ năm 2025 được giao, thông qua các nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ (qua các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện…), cùng với khuyến nghị của các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương để thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, qua thực tiễn quản lý, thực thi công vụ, lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của toàn lực lượng.
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường (đặc biệt là trong các dịp Tết, Lễ) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chú trọng kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, phân bón; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (nhất là thuốc lá thế hệ mới); thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hàng thời trang, hàng điện tử...
Trong bối cảnh mới, cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhắc lại tinh thần, không có khoảng trống, không bị đứt đoạn trong công tác triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của UBTV Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử (như Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; tăng cường công tác hậu kiểm trong quản lý hoạt động thương mại điện tử).
Ba là, tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành và ý thức chấp hành pháp luật của công chức trong toàn lực lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của ngành; đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng.
Năm là, về sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường thời gian tới.
Liên quan đến nhiệm vụ này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở.
"Đây là là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, tôi đề nghị cấp uỷ, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường địa phương cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và chỉ đạo, toàn lực lượng cần làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ (nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ), tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong toàn lực lượng và từng cơ quan, đơn vị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, toàn lực lượng xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học) nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị (tổ, đội).
"Tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ; không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ, nhất là trong bối cảnh năm mới và Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, thị trường hàng hoá sẽ rất sôi động, dễ phát sinh những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nếu công tác kiểm tra, giám sát thị trường bị buông lỏng" - Bộ trưởng chỉ đạo và đặc biệt nhấn mạnh thêm một lần nữa về nhiệm vụ không để gián đoạn, không tạo khoảng trống trong công tác quản lý thị trường.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu, cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã được ban hành, bảo đảm ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu nhân dân vui Xuân đón Tết.
Trong quá trình tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong, Tổng cục và các Cục Quản lý thị trường địa phương phải bám sát yêu cầu, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Bộ để bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai và chỉ tiêu sắp xếp tối thiểu được giao; đồng thời, cần lưu ý các vấn đề liên quan đến xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định, cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới để bảo đảm mô hình bộ máy mới phải tốt hơn mô hình cũ và phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn phụ trách.
Về phía Bộ Công Thương, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ động kiến nghị với cấp có thẩm quyền, cũng như trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành liên quan và cấp uỷ, chính quyền địa phương để có chính sách cán bộ hợp lý, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức trong lực lượng Quản lý thị trường khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, toàn lực lượng sẽ nghiêm túc triển khai các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và dù ở đơn vị nào lực lượng Quản lý thị trường cũng thể hiện bản lĩnh của người lính trung kiên, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ, trở thành lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
“Các đồng chí phải quyết liệt thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương. Tổng cục Quản lý thị trường vẫn phải cùng Cục Quản lý thị trường các địa phương quán triệt thực hiện nhiệm vụ cho đến khi có quy định mới" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.