Văn hóa lì xì và những giá trị truyền thống cần gìn giữ 8:19

Văn hóa lì xì và những giá trị truyền thống cần gìn giữ

“Văn hóa lì xì và những giá trị truyền thống cần gìn giữ” là nhan đề bài Podcast mà chúng tôi muốn gửi đến quý vị và các bạn, kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Văn hoá Lì xì là nét chấm phá ngọt ngào không thể thiếu của Tết Việt, nơi tình thân được trao đi và những giá trị truyền thống mãi được gìn giữ. Những chiếc phong bao đỏ thắm ấy không chỉ gói ghém lời chúc may mắn đầu năm mà còn là sợi dây gắn kết yêu thương giữa các thế hệ.

Khi những tia nắng đầu tiên của mùa xuân lấp lánh trên cành lộc biếc, khi hương trầm dìu dịu hòa cùng tiếng cười rộn rã của những ngày đầu năm, phong bao lì xì đỏ thắm lại xuất hiện như một phần không thể thiếu trong bức tranh ngày Tết của người Việt. Đó không chỉ là món quà nhỏ gửi trao, mà còn là một biểu tượng của sự may mắn, yêu thương và gắn kết.

Những chiếc phong bao ấy chứa đựng nhiều hơn là vài đồng tiền lẻ. Chúng gói ghém lời chúc phúc từ thế hệ này đến thế hệ khác, là cách để người lớn dặn dò con trẻ chăm ngoan, để con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, để mỗi người thân trao nhau niềm tin và hy vọng cho một năm mới an lành. Phong tục lì xì giản dị nhưng sâu sắc ấy đã theo người Việt qua biết bao mùa xuân, giữ cho ngày Tết luôn ngập tràn hơi ấm gia đình và tình nghĩa.
Ý nghĩa văn hóa sâu sắc của lì xì

Nhắc đến văn hóa truyền thống ngày Tết của người Việt, của Tết Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc Hội chia sẻ: “Tết là một dịp vô cùng đặc biệt đối với văn hóa dân tộc và đặc biệt là đối với từng gia đình. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà cuộc sống vô cùng hối hả, thì Tết là một thời điểm lắng đọng không gian và thời gian lại để cho chúng ta tìm về với gia đình. Vì thế chúng ta vẫn hay gọi Tết là Tết đoàn viên để mọi người cùng về với nhau, chia sẻ những vui buồn, đặc biệt là thực hành những giá trị văn hóa truyền thống.

undefined
Lì xì đầu năm - một văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Chính vì thế nên những người làm văn hóa như chúng tôi luôn luôn mong muốn rằng chúng ta giữ được cái tinh thần, những cái hồn cốt của giá trị ngày Tết. Từ đó thì chúng ta giữ được văn hóa dân tộc, chúng ta giữ được chủ quyền văn hóa của quốc gia. Rõ ràng rằng khi chúng ta nghĩ về ngày Tết hoặc chúng ta thực hành ngày Tết, chúng ta sẽ thấy rất nhiều những giá trị ý nghĩa trong ngày Tết.
Không chỉ là những giá trị hướng về tổ tiên, nhớ về công lao của bố mẹ, của ông bà, những người đang sống và kể cả những người đã khuất. Khi chúng ta thực hành đạo hiếu như thế, chúng ta sẽ lan tỏa những tinh thần đạo đức quan trọng trong xã hội, xây dựng một xã hội đạo đức. Tạo nên nền tảng cho những giá trị tốt đẹp trong xã hội phát triển.”

Nhắc tới một trong những nét văn hóa ngày Tết - “phong tục lì xì”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Lì xì là một phần văn hóa đẹp của Tết Việt Nam, vừa giản dị, vừa sâu sắc, chúng ta cần trân trọng điều đó như một sợi dây gắn kết giữa các thế hệ. Tuy nhiên, tục lì xì không chỉ dừng lại ở việc trao nhau tiền mừng, mà sâu xa hơn là gửi gắm những hy vọng tốt lành, sự động viên tinh thần và lòng yêu thương, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.” Ông nhận định.

Không dừng lại ở việc trao tặng, phong tục lì xì còn là cách thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Người lớn lì xì cho con cháu, con cháu lại mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ - vòng quay ấy gói trọn sự tôn kính và lòng tri ân, tạo nên một nét đẹp bền vững trong văn hóa ngày Tết Việt Nam.

Những ‘màu xám’ của văn hóa lì xì trong nếp sống hiện đại

Dẫu đẹp đẽ là vậy, văn hóa lì xì trong xã hội hiện đại đôi lúc đã bị biến tướng bởi những giá trị thực dụng đã vô tình len lỏi. Không ít câu chuyện buồn xảy ra khi giá trị của phong bao lì xì bị đánh đồng với số tiền bên trong, dẫn đến áp lực tài chính cho người trao và kỳ vọng không đáng có từ người nhận.

Chia sẻ với Báo Công Thương về nội dung này, danh hài, NSƯT Chí Trung bày tỏ sự trăn trở: “Ngày xưa, những đồng tiền lẻ trong phong bao mang ý nghĩa là lời chúc may mắn, bình an. Nhưng giờ đây, có những người lại coi trọng giá trị vật chất hơn là giá trị tinh thần. Điều đó vô tình làm mất đi cái hồn của phong tục này. Tôi nghĩ, chúng ta cần quay lại những giá trị cốt lõi - trao lì xì để trao yêu thương, may mắn, chứ không phải để so đo nhiều ít hoặc chạy theo hình thức.”

NSƯT Chí Trung cũng nhắc đến câu chuyện giáo dục trẻ em về văn hóa lì xì khi nhiều bậc phụ huynh vô tình gieo vào con trẻ suy nghĩ rằng lì xì chỉ là tiền bạc. Điều đó rất nguy hiểm. “Lì xì phải đi kèm với lời dạy bảo, để các con hiểu rằng mỗi phong bao là một lời chúc, một tấm lòng, chứ không chỉ là con số”, NSƯT Chí Trung bộc bạch.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn thẳng thắn chỉ ra rằng: “Xã hội hiện đại đã vô tình khiến phong tục lì xì bị méo mó trong một số trường hợp. Khi lì xì không còn mang ý nghĩa tinh thần, mà trở thành sự so đo vật chất hoặc công cụ để phô trương địa vị, thì đó là lúc chúng ta phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc”, ông nhấn mạnh. Ông đặc biệt lo ngại khi việc lì xì bị áp lực hóa, khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng thay vì vui vẻ. Theo ông, việc chấn chỉnh cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức trong từng gia đình, từng cá nhân, để trả lì xì về đúng ý nghĩa vốn có của nó trong ngày Tết đón Xuân của mỗi người.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng nét tích cực của văn hóa lì xì là một hình thức giáo dục ý nghĩa: “Trong chiếc phong bao đỏ là cả một thế giới của yêu thương, của mối liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Nó là minh chứng cho sức sống bền bỉ của văn hóa Việt Nam, ngay cả trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”, ông khẳng định.

Ngoài ra, việc sáng tạo trong cách lì xì cũng giúp phong tục này trở nên ý nghĩa hơn. Thay vì chỉ trao tiền, nhiều gia đình đã kèm theo những tấm thiệp nhỏ ghi lời chúc, hay chọn những món quà tinh thần như sách, tranh vẽ, hoặc các vật phẩm mang giá trị giáo dục.

Danh hài, NSƯT Chí Trung cũng đề xuất một ý tưởng đầy cảm hứng: “Tại sao chúng ta không tạo thêm câu chuyện cho những phong bao lì xì? Hãy viết một lời chúc thật chân thành, kể một câu chuyện Tết để người nhận cảm thấy rằng món quà này không chỉ đơn thuần là vật chất mà là cả một tấm lòng”.
Phong bao lì xì - Sợi dây kết nối tình thân

NSƯT Chí Trung tiếp tục câu chuyện đầu năm mới và chia sẻ rằng: “Phong bao lì xì không chỉ mang theo lời chúc đầu năm mà còn là sợi dây kết nối tình thân. Khi bạn cầm phong bao trên tay, đó không chỉ là vật chất, mà là cả một nền văn hóa, một phần ký ức tuổi thơ, một món quà gửi gắm từ thế hệ này sang thế hệ khác.”

“Cùng nhau dọn dẹp nhà cửa trang trí đón Tết, tục cúng ông Công ông Táo, bữa ăn Tất niên bên gia đình cuối năm, tục lệ “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, hay văn hóa lì xì nhân dịp đầu năm mới lấy may… tất cả những giá trị đó đều có ý nghĩa giáo dục nhân sinh, giáo dục đạo đức, tuyến giáo con người những điều tốt đẹp, cao cả. Đó cũng là một cơ hội để chúng ta tĩnh tại lại. Đặc biệt, cần phải giữ gìn những nét đẹp truyền thống tốt đẹp đúng như ý nghĩa nhân văn ban đầu của nó”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Hãy để phong tục lì xì tiếp tục là ngọn lửa giữ ấm cho ngày Tết, là niềm hân hoan trong ánh mắt trẻ thơ, là sự an nhiên trong nụ cười của người già, và là khoảnh khắc yêu thương trong mỗi gia đình. Đừng để Tết chỉ còn là những phong bao lạnh lùng trao đi cho xong, mà hãy để từng chiếc lì xì là một câu chuyện, một kỷ niệm đẹp trong lòng người nhận.

Tết là dịp để trở về. Dẫu cho guồng quay của đời sống xã hội hiện đại vẫn đang hối hả, vội vã, giữa những đổi thay của xã hội chuyển mình, thì xin hãy vẫn cứ giữ cho những chiếc phong bao đỏ vẻ đẹp nguyên sơ, ý nghĩa như vốn có. Vì sau cùng, ý nghĩa thực sự của Tết không nằm ở những món quà to lớn, mà ở những điều giản dị nhất - một lời chúc đầu xuân, một nụ cười chân thành, một phong bao lì xì nhỏ nhắn, một trái tim đong đầy, của tình thân yêu thương./.

Nội dung Podcast của chúng tôi đến đây xin được tạm dừng, thân mến chào tạm biệt quý vị!

Công điện của Thủ tướng về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025 4:36

Công điện của Thủ tướng về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025

“Công điện bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025” là nhan đề bài Podcast mà chúng tôi muốn gửi tới quý vị và các bạn . Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Ngày 22/1/2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Công điện số 05/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025.

Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam.

Nội dung công điện như sau: Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao; tại các khu vực lễ hội Tết, lễ hội xuân tập trung lượng lớn người tham gia, có nhiều nguy cơ mất an toàn, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân 2025, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trong đó lưu ý một số nội dung trọng tâm sau đây:

1. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; chú trọng tuyên truyền chế tài xử phạt. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định.

- Bộ Y tế: Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm; chuẩn bị phương án cấp cứu, giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng điều trị người bệnh trong các sự kiện tập trung đông người, ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn nông dân, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, tập trung kiểm tra các thực phẩm có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết, lễ hội xuân như giò, chả, rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

- Bộ Công Thương: Tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia; tăng cường kiểm tra, phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp Tết, mùa lễ hội.

2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng hải quan, quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập khẩu thực phẩm trái phép qua biên giới, hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

undefined

Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập khẩu thực phẩm trái phép qua biên giới, hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, các điển hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống, phổ biến cách nhận diện và phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tham gia truyền thông, giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu dân cư; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; vận động nhân dân thay đổi các tập quán ăn uống lạc hậu trong các ngày lễ hội, ngày Tết; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không ăn tiết canh và thức ăn chưa được nấu chín; không uống rượu tự ngâm các loại cây, củ, rễ, nội tạng động vật, mật động vật, rượu không có nguồn gốc xuất xứ, gây ra ngộ độc do rượu, methanol và các độc tố từ các vật ngâm trong rượu; không lạm dụng rượu bia trong ngày Tết, ngày lễ hội.

Đẩy mạnh kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng tần suất kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất, kinh doanh thịt, cá, mứt, bánh, kẹo, rượu,... Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn theo quy định.

Chính quyền địa phương các đô thị lớn, nơi lễ hội có lượng lớn người tham gia phải tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu lễ Tết, lễ hội xuân. Sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về sự cố mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra trên địa bàn.

Nội dung Podcast của chúng tôi đến đây xin được tạm dừng, thân mến chào tạm biệt quý vị!

    Trước         Sau