
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Ninh Thuận về gỡ vướng trong triển khai Quy hoạch điện VII, VIII
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 16/10/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Ninh Thuận tháo gỡ khó khăn triển khai Quy hoạch điện VII, VIII. Xây dựng thương hiệu: Doanh nghiệp không thể thờ ơ; 4 thương nhân kinh doanh xăng dầu tại Đà Nẵng bị xử phạt.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Ninh Thuận tháo gỡ khó khăn triển khai Quy hoạch điện VII, VIII
![]() |
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Ninh Thuận trong triển khai các dự án về khoáng sản, năng lượng |
Sáng 14/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh Ninh Thuận về tháo gỡ khó khăn liên quan tới việc triển khai Quy hoạch điện VII, điện VIII và một số vấn đề liên quan.
Phát biểu tại cuộc làm việc tới tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đến thăm và làm việc tại Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo tiền đề để phát triển.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã và đang rất nỗ lực nhằm ủng hộ, giúp đỡ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của Ninh Thuận.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại và vướng mắc cần xử lý. Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã thông qua Bộ Chính trị, Chính phủ và hiện nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình lên Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đã được cấp có thẩm quyền cho phép thảo luận, thông qua trong 01 kỳ họp. Theo đó, tất cả những khó khăn, vướng mắc mà chúng ta phát hiện ra trong quá trình thực tiễn vận hành Luật Điện lực đến nay đều được đề cập trong Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã nêu thực tế triển khai cũng như các khó khăn, vướng mắc mà tỉnh Ninh Thuận gặp phải khi triển khai đầu tư, đưa vào vận hành các dự án thuộc Quy hoạch Điện VII, Điện VII điều chỉnh và Quy hoạch Điện VIII. Tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp hỗ trợ địa phương này tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng nêu đề xuất của tỉnh Ninh Thuận đối với Bộ Công Thương về việc xây dựng Trung tâm công nghiệp dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực.
Trong khi đó, tại buổi làm việc, đại diện cho tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Thuận nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh nói chung và Ninh Thuận nói riêng về phát triển năng lượng tái tạo và một số lĩnh vực khác. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn được Bộ Công Thương đưa ra cho đến nay được đánh giá là hiệu quả.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Ninh Thuận trong triển khai các dự án về khoáng sản, năng lượng nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ Công Thương sẽ có thông báo kết luận sau buổi làm việc, trả lời rõ để tỉnh nắm được. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng tổng kết lại một số ý kiến từ Bộ Công Thương trong buổi làm việc:
Một là, Bộ Công Thương ủng hộ hoàn toàn việc Ninh Thuận sẽ trở thành một trong những trung tâm chuyên về dịch vụ năng lượng tái tạo. Ninh Thuận có đủ các yếu tố, điều kiện thuận lợi và từng được xác định là trung tâm năng lượng phía Nam. Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng và các đơn vị liên quan hoàn thiện các quy trình thủ tục và phối hợp tỉnh Ninh Thuận trình Chính phủ trong tháng 11/2024. Tỉnh Ninh Thuận cũng cần giao cho các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cùng phối hợp triển khai.
Hai là, về việc Quy hoạch điện VIII đã xác định Ninh Thuận là địa điểm triển khai nhiều dự án nguồn về truyền tải, Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Ninh Thuận khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư và phối hợp triển khai theo kế hoạch được duyệt. Ninh Thuận cần lập Ban chỉ đạo để phát triển các dự án về năng lượng và khoáng sản.
Ba là, Ninh Thuận là nơi được xác định là trọng điểm của các quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản, đặc biệt là về xăng dầu, khí đốt và quy hoạch về điện năng. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Ninh Thuận khẩn trương rà soát, cập nhật quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia để điều chỉnh quy hoạch tỉnh, sẵn sàng đón các dự án trọng điểm về năng lượng, khoáng sản và các dự án thuộc quy hoạch ngành, quốc gia khác.
Bốn là, trong lĩnh vực nông-lâm-thuỷ sản, Ninh Thuận cũng là địa phương trọng điểm. Bộ Công Thương kiến nghị tỉnh khẩn trương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, khai thác các hiệp định thương mại tự do.
Năm là, theo Kết luận 1027 và Kết luận 1631 trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Ninh Thuận trước hết cần thực hiện những nội dung có thể thực hiện được trước, còn những điều vướng, không làm được thì mới báo cáo và xin cơ chế đặc thù.
Xây dựng thương hiệu: Doanh nghiệp không thể thờ ơ
![]() |
Xây dựng thương hiệu là vấn đề lớn, từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, điển hình như truy xuất nguồn gốc, xanh hóa |
Việc dịch chuyển sản xuất trên toàn cầu hiện diễn ra rất nhanh nên những doanh nghiệp gia công giờ đây rất dễ bị thay thế. Để duy trì sản xuất và xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp buộc phải tính đến việc phát triển hàng hóa mang thương hiệu của mình.
Tại toạ đàm “Chiến lược tiếp cận và xây dựng thương hiệu tại thị trường Vương quốc Anh” do Báo Công Thương tổ chức, các chuyên gia, hiệp hội đã trao đổi, thảo luận, đưa ra những giải pháp tốt nhất để giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA.
Là một ngành xuất khẩu hơn 13 tỷ USD trong năm 2023, nhưng chỉ dưới 10% tổng giá trị xuất khẩu gỗ do doanh nghiệp chủ động thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Việc tập trung vào gia công khiến doanh nghiệp thua thiệt vì làm nhiều nhưng hưởng không được bao nhiêu.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong quá trình làm việc với nhiều doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn làm thương hiệu vì rất vất vả, khó khăn.
Thực tế, có doanh nghiệp đã mất rất nhiều công đưa thương hiệu của mình lên kệ của các chuỗi phân phối lớn ở nước ngoài; nhưng sau đó do lợi nhuận không nhiều nên họ lại dồn trọng tâm vào mảng gia công. Như vậy những công sức bỏ ra xây dựng thương hiệu trở nên lãng phí. Do đó, quyết tâm xây dựng thương hiệu của chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
Xây dựng thương hiệu là cả vấn đề lớn, từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, điển hình như truy xuất nguồn gốc, xanh hóa… mới có thể xuất khẩu bền vững vào thị trường các nước phát triển.
Điều này buộc doanh nghiệp phải xây dựng một chuỗi cung ứng để đảm bảo hàng hóa không chỉ chất lượng, giá cả hợp lý mà còn đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Tại toạ đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư cho đội ngũ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Vì để xây dựng một thương hiệu ở một thị trường phải hiểu được thị hiếu tiêu dùng tại thị trường đó. Ngoài ra doanh nghiệp phải có năng lực thiết kế mẫu mã, đáp ứng yêu cầu liên tục thay đổi của ngành thời trang.
Ngoài ra, phát triển thương hiệu không nhất thiết phải là doanh nghiệp tự mình xây dựng. Doanh nghiệp có thể tính đến phương án mua lại các thương hiệu đã có tại thị trường quốc tế, tận dụng bề dày lịch sử thương hiệu và có thể tiếp cận được luôn tiêu chuẩn kĩ thuật, hệ thống đánh giá của thương hiệu đó. Đây có thể xem là hướng đi nhanh gọn để doanh nghiệp có thương hiệu tại thị trường quốc tế.
4 thương nhân kinh doanh xăng dầu tại Đà Nẵng bị xử phạt
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng cho biết, 9 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố ổn định, không xảy ra biến động, bất thường. Cục Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố và Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra 19 cơ sở kinh doanh xăng dầu và xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở với tổng số tiền 72,5 triệu đồng. Đây là kết quả từ hoạt động kiểm tra chuyên đề về mặt hàng xăng dầu, nhằm đảm bảo việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn luôn ổn định, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Theo Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, tình hình kinh doanh xăng dầu tại thành phố trong năm 2024 không có biến động lớn hay bất thường. Các lực lượng quản lý thị trường đã bám sát tình hình thị trường, thường xuyên giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra đúng quy định.
Qua các đợt kiểm tra, 4 cơ sở đã bị xử phạt do vi phạm quy định kinh doanh xăng dầu. Những hành vi vi phạm chủ yếu bao gồm việc không ghi tên hoặc ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng, và không cung cấp đầy đủ thông tin về hệ thống phân phối xăng dầu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng khẳng định sẽ tiếp tục giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn luôn tuân thủ pháp luật và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Thủ tướng chủ trì hội nghị làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển đất nước
Xin kính chào quý vị khán thính giả đã đến với chương trình Podcast của Báo Công Thương, với những bài viết, bài báo được chúng tôi tổng hợp, tìm hiểu và thể hiện lại qua giọng đọc của BTV Thanh Thảo.
Thưa quý vị! Bài báo với nhan đề “Thủ tướng chủ trì hội nghị làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển đất nước” của tác giả Chí Tâm, được đăng tải trên Báo điện tử Công Thương tại trang web congthuong.vn ngày 21/9/2024 sẽ được chúng tôi chia sẻ trong mục Podcast - Thời sự của Báo Công Thương. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Thủ tướng chủ trì hội nghị làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển đất nước
Sáng 21/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn.
Đây được ví như "Hội nghị Diên Hồng" của doanh nghiệp tư nhân, được trông đợi sẽ gợi mở nhiều giải pháp khả thi để phát huy tối đa tiềm lực, vai trò tiên phong, dẫn dắt của các doanh nghiệp này, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE).
Động lực quan trọng của nền kinh tế
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chínhcho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây là cuộc làm việc đầu tiên theo chuyên đề được tổ chức và các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu tổ chức các hội nghị chuyên đề tiếp theo.
Thủ tướng cho biết, hiện nay, kinh tế tư nhânđóng góp khoảng 45% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%. Một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực, hiệu quả để cùng cả dân tộc vượt qua đại dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường.
Mặc dù còn không ít khó khăn, song sau gần 40 năm đổi mới, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay", đang bước vào giai đoạn chuyển mình mới, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cùng đất nước phát triển, với tinh thần "cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển"; cùng cả nước tạo đột phá phát triển đất nước.
Thủ tướng cũng cho biết, ông cảm nhận rất rõ sự tham gia của các doanh nghiệp trong khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ như siêu bão Yagi vừa qua, các doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Tiếp tục tiên phong, đổi mới sáng tạo
Nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp”, theo Thủ tướng, chúng ta phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.
Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tham gia tích cực thực hiện các đột phá chiến lược, trong đó có thể chế, pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng mới của đất nước, cùng đất nước phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đạt các mục tiêu lớn vào dịp 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2025).
Trong đó, hoàn thành một số công trình mang tính biểu tượng, như: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hệ thống đường bộ cao tốc; chăm lo tốt hơn công tác an sinh xã hội, với việc xóa nhà dột nát, nhà tạm vào năm 2025; không còn hộ đói nghèo vào năm 2030…
Thủ tướng nêu rõ, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị này, Thường trực Chính phủ muốn được lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, cùng với các doanh nghiệp lớn tiên phong xác định và cùng thực thi các dự án mang tầm quốc gia, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.
Thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Ngân hàng đua nhau cho vay “chéo”, khách hàng được lợi gì?
Theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/9 mở rộng cá nhân vay mua nhà, mua xe được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác bên cạnh doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Câu hỏi đặt ra, người thực sự được lợi trong câu chuyện này là ai?