Tách bạch quản lý xuất nhập khẩu thiết bị bay không người lái, phương tiện bay khác
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, sáng 27/11 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật phòng không nhân dân.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết: Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương và 47 Điều.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: QH |
Trong đó, đáng chú ý liên quan đến vấn đề nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác được quy định tại Điều 27.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bỏ quy định Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu đối với thiết bị bay không người lái và phương tiện bay khác (TBKNL&PTBK). Tuy nhiên, đối với TBKNL&PTBK phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vẫn cần thiết phải quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu để bảo đảm yêu cầu về bí mật quân sự, bí mật an ninh và do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, UBTVQH đã quy định tách bạch về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Chính phủ về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập TBKNL&PTBK tại khoản 2 và khoản 5; và chỉnh lý lại các khoản của Điều này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Liên quan đến quy định cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác tại Điều 30, tại điểm a, khoản 3, có ý kiến đề nghị cần xác định tầm nhìn trực quan bằng mắt thường ở một người bình thường có khoảng cách trung bình là bao nhiêu để quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn.
Sáng 27/11 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân. Ảnh: QH |
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho hay: Qua nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phương tiện bay có trọng lượng cất cánh dưới 0,25 kg là phương tiện bay siêu nhỏ, độ cao bay thực tối đa không quá 50 mét, tốc độ bay ở mức tối đa không quá 40 km/h và thiết bị phát sóng vô tuyến đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tầm ngắn sử dụng công suất nhỏ, là phương tiện bay được điều khiển bằng tay, chủ yếu phục vụ mục đích vui chơi giải trí (người điều khiển phải nhìn thấy phương tiện bay bằng mắt thường để điều khiển); đồng thời, khoản 4 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định cụ thể nội dung này trong dự thảo Luật.
100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân. Ảnh: Thu Hường |
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, theo ông Lê Tấn Tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hộ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, theo đó đã bỏ Chương quản lý nhà nước (Chương VII) gồm 08 Điều; chỉ quy định chung về nội dung quản lý nhà nước tại Điều 8 (Chương I – Quy định chung).
Ngoài các nội dung nêu trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến khác của ĐBQH, rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật lập pháp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong dự thảo Luật và trong hệ thống pháp luật.