Thứ sáu 08/11/2024 21:29

Tác động Covid-19 với thương mại điều thô của châu Phi

Ngày 10/6 vừa qua, Liên minh điều châu Phi (ACA) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường điều thế giới. Thương vụ Việt Nam tại Algeria chia sẻ những thông tin và ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo này để doanh nghiệp trong nước quan tâm tham khảo.

Tình hình nhập khẩu điều thô của Việt Nam

Năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,6 triệu tấn điều thô, cộng với sản lượng trong nước khoảng 400.000 tấn như vậy, riêng nước ta đã sử dụng đến 50% tổng sản lượng điều thô thế giới (khoảng 4 triệu tấn/năm). Lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam cũng chiếm từ 70 - 80% trong tổng sản lượng điều nhân cung cấp cho thế giới. Châu Phi, đặc biệt là các nước Tây Phi từ lâu là khu vực cung cấp nguồn nguyên liệu điều thô quan trọng nhất cho Việt Nam.

Theo số liệu của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, năm 2019, kim ngạch nhập khẩu điều thô của Việt Nam từ châu Phi đạt 1,64 tỷ USD, tăng 6,2% so với năm 2018. Các nước cung cấp chính là Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), kim ngạch 642 triệu USD, Ghana 260 triệu USD, Tanzania 200 triệu USD, Nigeria 194 triệu USD, Guinea 94 triệu USD, Burkina Faso 77,4 triệu USD, Benin 51,6 triệu USD, Togo 45 triệu USD, Senegal 28,8 triệu USD, Mozambique 28,3 triệu USD, Gambia 18,2 triệu USD...

Thị trường điều sẽ bị khủng hoảng về nguồn cung năm 2020 do Covid-19?

Ngày 10/6 vừa qua, Liên minh điều châu Phi (ACA) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về tác động của đại dịch đối với thị trường điều thế giới. Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá, đối với điều thô, Covid-19 không ảnh hưởng đến lượng cầu cũng như sản xuất mà ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Mối quan hệ giữa cung và cầu trở nên căng thẳng và liệu có gây ra cuộc khủng hoảng về cung? Ông Jim Fitzpatrick, chuyên gia cao cấp về điều đã có những ý kiến về vấn đề này.

Nhu cầu về nhân điều vẫn giữ ổn định, thậm chí tăng trong thời kỳ dịch bệnh những tháng áp dụng cách li tại châu Âu và châu Mỹ, hai thị trường chiếm khoảng 37% tổng cầu thế giới. Nhập khẩu nhân điều đã tăng mạnh từ tháng 1 đến tháng 6/2020. Việc tăng này ngoài lý do tích trữ thực phẩm phòng dịch bệnh thì còn phản ánh xu hướng tiếp diễn từ 3 năm nay.

Nếu nhìn từ góc độ Việt Nam, nước chế biến điều hàng đầu thế giới (chiếm khoảng 80% khối lượng điều quốc tế) thì xuất khẩu điều nhân từ tháng 1 đến tháng 4/2020 đã tăng trên 58% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu giữ ổn định gần như đối với toàn bộ thị trường, kể cả sang Italia, nơi bị tác động rất mạnh bởi Covid-19. Chỉ có 02 trường hợp ngoại lệ là Tây Ban Nha và Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu giảm. Là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và EU, Trung Quốc sau khi ngừng nhập khẩu trong thời gian áp dụng cách li dường như bắt đầu nhập khẩu trở lại để bù đắp lượng điều thiếu hụt.

Việt Nam sẽ nhập tối thiểu 946.000 tấn điều thô năm 2020

Ông Jim Fitzpatrick dự đoán, cầu về điều nhân sẽ tiếp tục giữ ở mức cao năm 2020, do vậy nhu cầu nhập khẩu điều thô của Việt Nam sẽ vẫn cao. Nếu xu hướng diễn ra như năm 2019 thì Việt Nam sẽ nhập khẩu 946.000 tấn điều thô vào năm 2020 cộng thêm sản xuất được 400.000 tấn (chưa kể nguồn dự trữ 205.000 tấn tính đến 1/6/2020). Giả sử cầu tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm, tức là trên 15% thì nửa cuối năm, nhu cầu có thể lên đến 1.255.007 tấn.

Ngược lại, tại Ấn Độ, tình hình sẽ khó khăn hơn. Về vấn đề y tế, đại dịch sẽ còn kéo dài và những biện pháp giãn cách xã hội đang gây cản trở hoạt động của các nhà máy chế biến. Nhu cầu về nhập khẩu điều thô sẽ thấp hơn năm 2019 nhưng vẫn trong khoảng 427.000 - 564.000 tấn theo kịch bản giảm từ 20 - 30% về cầu và giảm 15% về sản xuất trong nước.

Nguồn cung điều thô khu vực Tây Phi sẽ không đủ

Tính chung, tổng nhu cầu nhập khẩu điều thô của hai quốc gia chế biến hàng đầu thế giới nói trên đã chiếm từ 1,4 - 1,8 triệu tấn vào năm 2020. Vậy mà đại dịch Covid-19 lại gây ra cuộc khủng hoảng về chuỗi cung ứng, đặc biệt là tại Tây Phi, khu vực gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển điều thô từ nơi sản xuất đến cảng biển. Chẳng hạn tại Mali, Covid-19 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu với lượng hàng chuyển đi tính đến ngày 4/6 thấp hơn 10.000 tấn so với cùng kỳ 2019, đồng thời tác động đến khâu chế biến do toàn bộ các nhà máy vẫn phải đóng cửa. Tại Senegal, việc thu hoạch điều đã bắt đầu được 2 tháng song rất chậm trễ vì lý do dịch bệnh. Đã xuất hiện một số người mua ở đó nhưng lại không có người bán. Tương tự tại Nigeria, việc cách li người dân diễn ra từ cuối tháng 3 đúng vào thời điểm thu hoạch và xuất khẩu điều. Mặc dù các cảng biển vẫn mở song việc đi lại trong nước bị hạn chế. Tại Bờ Biển Ngà, nước sản xuất điều thô số 1 thế giới, mới chỉ có 270.000 tấn điều thô được xuất khẩu, còn khoảng 300-400.000 tấn, trong đó 150.000 tấn vẫn nằm trong tay người sản xuất. Tại Guinea Bissau, năm nay được mùa điều với sản lượng khoảng 200.000 tấn song hoạt động thu hoạch, vận chuyển… rất chậm trong khi mùa mưa đang đến gần.

Tổng lượng điều thô tại Tây Phi vào khoảng 650.000 đến 890.000 tấn, số lượng này không đủ so với nhu cầu của Ấn Độ và Việt Nam ngay cả trong trường hợp diễn ra kịch bản xấu nhất là tiêu thụ điều nhân giảm. Một cuộc khủng hoảng nguồn cung đang hiện hữu. Mặc dù căng thẳng nguồn cung nhưng giá điều thô lại tương đối ổn định. Ngược lại, giá điều nhân lại thấp, khoảng 2,8 USD/500 gram ít mang lại lợi nhuận cho nhà chế biến, xuất khẩu. Hiện nay, chủ yếu những nhà máy chế biến lớn hoạt động và có đủ lượng hàng dự trữ từ Việt Nam và Campuchia. Những lô điều đầu tiên từ Tây Phi đến Việt Nam vào tháng 5/2020, giảm 27% về lượng so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh khủng hoảng do Covid-19 gây ra, Jim Fitzpatrick cho rằng, một số thách thức trong chuỗi cung ứng vẫn là vấn đề truy xuất nguồn gốc, môi trường, tính minh bạch và chất lượng. Ngoài ra, cũng phải tính đến yếu tố người tiêu dùng thích những sản phẩm chế biến tại nơi sản xuất hơn. "Tình hình hiện nay có thể sẽ khác nếu 50% điều thô sản xuất tại Tây Phi được chế biến ngay ở khu vực này", ông Jim Fitzpatrick khẳng định.

Thiếu người mua châu Á, người dân trồng điều gặp khó khăn

Những nhà sản xuất điều ở Tây Phi đã bắt đầu vụ thu hoạch năm 2020 được 2 tháng nhưng các thương nhân châu Á vẫn vắng mặt do Covid-19. Vì vậy, việc thu hoạch diễn ra chậm chạp. Tại một số nước Tây Phi xuất hiện vấn đề các nhà đầu cơ bắt chẹt nông dân trồng điều.

Ở Bờ Biển Ngà, 250.000 nông dân sống nhờ cây điều. Đối với vụ mùa 2020, Nhà nước đã ấn định mức giá tối thiểu là 400 francs CFA/kg nhưng sẽ rất khó tìm được người mua với giá đó vào thời điểm hiện nay. Giá bán thực tế có thể chỉ 300 FCFA (1 USD =583 FCFA).

Còn tại Guinee Bissau, Nhà nước ấn định mức giá tham chiếu là 375 FCFA/kilo. Điều gần như là cây trồng độc canh ở quốc gia Tây Phi này. Người dân không có thu nhập nào khác ngoài việc trồng điều. Một vụ mùa không bán được có nguy cơ đẩy một số vùng ở Guinea Bissau lâm vào nạn đói./.

Hoàng Đức Nhuận - Thương vụ Việt Nam tại Algeria

Tin cùng chuyên mục

Đa dạng hóa hàng xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - Philippines

Không có gạo Việt Nam trong số gạo bị tạm giữ tại Thuỵ Điển do nghi ngờ gian lận chất lượng

Doanh nghiệp Việt kiều làm 'cầu nối' đưa hàng Việt Nam ra thế giới

Hàng trăm tấn gạo bị tạm giữ tại Thuỵ Điển do nghi ngờ gian lận chất lượng

Liên kết Việt - cầu nối đưa hàng Việt Nam dần tiếp cận chuỗi phân phối tại Bỉ

Xuất khẩu thủy sản duy trì thị phần tốt tại Singapore

Tình hình kinh tế Gambia và quan hệ thương mại với Việt Nam

Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Senegal

Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 dự báo đạt 56,3 triệu tấn

Tuần hàng Việt Nam tại Pháp - nền tảng để doanh nghiệp phát triển, xây dựng thương hiệu tại châu Âu

Algeria cấm nhập khẩu một số sản phẩm sắt thép

Senegal thị trường tiềm năng cho hàng nông sản, thực phẩm

EU thay đổi quy định kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch với bang Uttar Pradesh Ấn Độ

Thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong ngành lụa tơ tằm

Tăng cường đưa sản phẩm dệt may, OCOP, thuỷ sản, gỗ vào Thuỵ Điển và Bắc Âu

Đẩy mạnh hợp tác thương mại Việt Nam-Tunisia

Hiệp định EVFTA - 'đại lộ' đưa hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào thị trường Pháp

Bật cơ chế 'phòng hơn chống' trước 'bão' phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ

Algeria ấn định giá trần cà phê và biên độ lợi nhuận đối với nhà nhập khẩu