Thứ sáu 15/11/2024 14:25

Sức nóng lãi suất bắt đầu lan tỏa

Trước áp lực tăng chi phí vốn, nhiều ngân hàng tính tới phương án huy động vốn ngoại, chạy đua cạnh tranh thu hút tiền gửi không kỳ hạn.

Tiền gửi hụt hơi, ngân hàng hối hả tăng lãi suất

Từ đầu tháng 4/2022 đến nay, hàng loạt ngân hàng TMCP đã tăng lãi suất tiền gửi. Điển hình, ABBank vừa tăng từ 0,1-0,4 điểm % lãi suất tiền gửi với kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,5% và 9 tháng tăng lên 5,6%/năm.

ABBank vừa tăng từ 0,1-0,4 điểm % lãi suất tiền gửi với kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống

Việc tăng lãi suất của ABBank là khó tránh khi năm ngoái, ngân hàng này chứng kiến mức sụt giảm mạnh của huy động vốn trên thị trường dân cư, buộc phải tăng vay mượn trên thị trường liên ngân hàng. Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank mới đây thừa nhận, thị trường huy động vốn dân cư ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Năm 2021, ABBank sụt giảm cả huy động vốn dân cư lẫn tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

“Cạnh tranh lãi suất ngày càng tăng, không chỉ ABBank, mà thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng bị giảm sút huy động vốn trên thị trường 1. Năm ngoái, mặt bằng lãi suất huy động bị nhiều ngân hàng nâng lên, trong khi lãi suất huy động của ABBank cơ bản ổn định (do lãi suất cho vay không thể tăng lên tương ứng) khiến huy động vốn của ABBank giảm”, ông Kháng cho biết.

Theo khảo sát, với một số kỳ hạn tiền gửi, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất thêm 0,5-0,8%/năm. Ngoài ABBank, hàng chục ngân hàng khác đã tăng lãi suất huy động gần đây, như MB, NamABank, MSB, BacABank, Saigonbank, VPBank, OCB, PVCombank… Mức lãi suất cao nhất trên thị trường của khối ngân hàng TMCP tư nhân đã vượt hoặc xấp xỉ 7%/năm. Trong khi đó, khối ngân hàng TMCP quốc doanh vẫn ổn định lãi suất.

Tín dụng 3 tháng đầu năm nay phục hồi mạnh mẽ (tăng trên 5%) cộng với động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc siết dòng vốn chảy vào các kênh đầu cơ khiến dòng tiền có xu hướng quay trở lại ngân hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng 159.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,46 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,01% so với cuối năm 2021. Năm 2021, tiền gửi dân cư tăng thấp kỷ lục, một phần do thị trường chứng khoán, bất động sản tăng nóng.

Nhiều chuyên gia nhận định, mặt bằng lãi suất huy động trong năm nay sẽ tăng do nhu cầu vốn tăng lên, áp lực lạm phát gia tăng và cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán. Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất huy động năm nay sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %, trong khi Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo con số này có thể lên tới 1%.

Ngân hàng tính bài huy động vốn, không lo lợi nhuận giảm

Nhận định về áp lực lãi suất tăng năm 2022, bà Lê Hoàng Khánh An, Giám đốc Khối Tài chính VPBank cho hay, kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực, nên áp lực lãi suất tăng đã diễn ra ngay từ quý I/2022.

“Các ngân hàng tăng lãi suất huy động đã tạo áp lực cho VPBank, khiến chi phí vốn quý I/2022 tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Với mục tiêu tạo lợi thế cạnh tranh chi phí vốn, chúng tôi đã tiếp cận nhiều nguồn vốn trung dài hạn ổn định khác nhau, nhất là vốn quốc tế”, bà Khánh An cho biết.

Được biết, cuối năm 2021, VPBank đã nhận được 2 khoản vay hợp vốn của SMBC và JICA. Trong quý I/2022, VIB cũng vay thành công 260 triệu USD từ nhiều định chế tài chính nước ngoài.

Bên cạnh đa dạng hóa nguồn vốn huy động để giảm áp lực từ lãi suất trong nước, nhiều ngân hàng cũng tìm cách giảm chi phí vốn bằng cách tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra gần đây, lãnh đạo hàng loạt ngân hàng như MB, Techcombank, MSB... đều chia sẻ, một trong những mục tiêu quan trọng đề ra là tiếp tục gia tăng tỷ trọng CASA để giảm áp lực giá vốn.

Với việc tăng CASA, đa dạng hóa kênh huy động vốn, lãnh đạo nhiều ngân hàng dự đoán, lợi nhuận năm 2022 sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất huy động tăng.

Mặt khác, gói cấp bù lãi suất 2% sắp được triển khai cho 2 năm 2022-2023, tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng vốn rẻ sắp được bơm ra nền kinh tế, giúp mặt bằng lãi suất năm 2022 không bị đẩy lên cao, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất cho vay khó có thể tăng trong năm nay do Chính phủ tập trung hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp. Trong khi đó, lãi suất đầu vào đã tăng. Chính vì vậy, năm nay, chênh lệch cho vay/huy động của ngân hàng (NIM) không còn cao như trước. Để huy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, các ngân hàng buộc phải tìm cách tiết giảm chi phí, tăng nguồn thu từ dịch vụ, từ kênh chuyển đổi số...

Theo Báo Đầu tư
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

VietinBank có thu nhập hoạt động (TOI) cao nhất ngành Ngân hàng

Trung bình mỗi ngày người dân mang 2.882 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng tăng tốc dịp cuối năm

Tín dụng chính sách: Yếu tố giúp Việt Nam thành hình mẫu của thế giới về giảm nghèo

Techcombank tiên phong triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID

Nguồn vốn tín dụng chính sách mở rộng cơ hội việc làm cho người dân

Tín dụng tăng 10% song sức hấp thụ vốn vẫn còn yếu

Techcom Capital đóng hơn 114 tỷ đồng thuế năm 2022 – 2023, hoàn tất nộp bổ sung 94,8 triệu đồng

Giá vàng giảm 'chóng mặt', có thể có hành vi thao túng thị trường

VietinBank thông báo các trường hợp khách hàng, tổ chức bị tạm dừng giao dịch từ đầu năm 2025

Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) khai trương chi nhánh mới tại Thanh Hóa

Giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm cho doanh nghiệp lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Từ 5/1/2025, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ thuộc Ngân hàng Nhà nước

VietinBank lần thứ 8 liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Giá vàng và chứng khoán sẽ ra sao sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ?

Kỳ vọng của quỹ tín dụng nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

Tỷ giá tăng, thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản

Ngân hàng Nhà nước tái triển khai biện pháp kép để 'ghìm cương' tỷ giá

Krungsri muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance

Ngân hàng BIDV được vinh danh 'Thương hiệu quốc gia'