Sức hút nguồn vốn FDI của Bắc Giang đến từ đâu?
Ba trụ cột trong chính sách thu hút đầu tư
Để có được kết quả trên, nhiều năm qua, tỉnh Bắc Giangđã đưa ra ba trụ cột trong chính sách thu hút đầu tư FDI. Trong đó, tập trung đầu tư cho hạ tầng mà đặc biệt hạ tầng khu công nghiệp (KCN); Thúc đẩy cải cách hành chính tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư; Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các dự án công nghệ cao.
Về hạ tầng, những năm qua, Bắc Giang tập trung cao phát triển hạ tầng giao thông, KCN, cụm công nghiệp. Ngoài hệ thống quốc lộ, Bắc Giang chủ động phối hợp với các tỉnh giáp ranh cùng phát triển hạ tầng, liên kết vùng.
Ngoài ra chúng tôi phối hợp làm nhiều cây cầu để nối với các tỉnh. Chúng tôi cũng phối hợp với Quảng Ninh để mở rộng đường nối Bắc Giang với Quảng Ninh, để Bắc Giang "cũng có biển".
Tỉnh cũng đẩy mạnh giải phóng mặt bằng khu công nghiệp để tạo quỹ đất sạch, riêng năm 2023 đã giải phóng 365ha mặt bằng sạch đất công nghiệp. Còn đất đô thị và đất khác hơn 300ha.
Bắc Giang cũng là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng ký số 100% từ cấp xã trở lên. Trong ba năm liên tiếp từ 2020 - 2022, tỉnh đứng đầu cả nước về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đặc biệt năm 2023, Bắc Giang đứng thứ 4 cả nước về chỉ số cải cách hành chính và đứng thứ 9 về chỉ số chuyển đổi số. Điều này gây ấn tượng rất tốt với nhà đầu tư.
Bắc Giang chú ý thu hút đầu tư vào khu công nghiệp |
Ngoài sự chủ động về hạ tầng, Bắc Giang còn đẩy mạnh quản lý và đồng hành với doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh đã chủ động thành lập những tổ công tác đặc biệt do một lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để giải quyết tất cả các vướng mắc đối với các dự án trọng điểm có thể tạo cú hích. Nếu quá trình xây dựng, triển khai dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, trung ương, tổ công tác này sẽ phối hợp với nhà đầu tư trực tiếp gặp gỡ các bộ, ngành để báo cáo, đề nghị giải quyết nhanh.
Ví dụ khi nhà đầu tư, người dân mong giải quyết tắc đường trong giờ cao điểm trên cầu Như Nguyệt (cao tốc quốc lộ 1 nối Bắc Ninh với Bắc Giang), tỉnh đã chủ động đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách tỉnh để đầu tư làn thứ hai của cầu này, tháo được nút thắt về giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
Việc này cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư rằng chính quyền Bắc Giang luôn tích cực, năng động, tạo thuận lợi tối đa cho họ khi đầu tư vào tỉnh.
Bắc Giang cũng luôn quan tâm đến đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 của cả nước là 68% thì tỉ lệ của Bắc Giang là 76%, trong đó tỉ lệ được cấp chứng chỉ trong tỉnh lên tới 33%, còn cả nước là 27%. Về lâu dài, tỉnh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực, phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn của cả nước.
Chiến lược thu hút đầu tư rõ ràng, bài bản
Song song với việc đưa ra ba trụ cột trong thu hút đầu tư, Chiến lược thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang có tiêu chí rất rõ ràng với phương châm: 1 không - không ô nhiễm; 2 ít - sử dụng ít đất, ít lao động; 3 cao - dự án có công nghệ, suất vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế cao; và 5 sẵn sàng - sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả. Bởi vậy, tỉnh nhắm tới những doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí trên.
Trong đối ngoại, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tham gia các đoàn cấp cao tới các nước để gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các tập đoàn lớn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, trọng tâm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ...
Tham gia những chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các nước chính là cơ hội để lãnh đạo tỉnh tiếp cận các nhà đầu tư lớn. Song song với đó, tỉnh còn đẩy mạnh "xúc tiến đầu tư tại chỗ" thông qua việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Bắc Giang. Từ đó họ giới thiệu với nhau để đến Bắc Giang. Đây là cách xúc tiến đầu tư tối ưu hơn cách tự quảng bá rất nhiều.
Tỉnh Bắc Giang xác định chiến lược ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực công nghệ của tương lai như năng lượng mặt trời, chip bán dẫn, xe điện, linh kiện điện tử và dịch vụ phục vụ cho các ngành này.
Ngoài ra, tỉnh cũng đón nhận các dự án sản xuất phần mềm. Đây là một trong số các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao nhất, tạo giá trị gia tăng lớn, ít tiêu tốn tài nguyên, năng lượng... Tỉnh cũng định hướng thu hút một số ngành nghề ưu tiên đầu tư theo hệ sinh thái công nghiệp.
Bắc Giang cũng ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sản xuất gắn với hệ sinh thái đầu tư hạ tầng nhà ở, khu vui chơi, trường học, dịch vụ y tế, dịch vụ thương mại, bãi đỗ xe, công viên cho người lao động.
8 tháng đầu năm 2024, Bắc Giang thu hút được 1,6 tỷ USD vốn FDI. Tính riêng kết quả thu hút FDI, Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước và đứng đầu Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Chất lượng các dự án thu hút mới ngày càng được cải thiện, có nhiều dự án quy mô khá lớn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp (sản xuất linh kiện điện tử). Những con số trên phản ánh việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang tin tưởng vào môi trường đầu tư đầy triển vọng của tỉnh Bắc Giang.