Luật thuế 71: Thiệt hại lớn cho ngành phân bón Thiệt hại hàng nghìn tỷ mỗi năm, sao mãi chưa sửa Luật thuế 71? |
Doanh nghiệp và sản phẩm phân bón mất năng lực cạnh tranh trên thị trường
Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009) quy định phân bón là đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%. Sau đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (Luật thuế 71) quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế VAT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế VAT từ ngày 01/01/2015.
Tuy nhiên, trong những năm qua, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng. Nguyên nhân là do quy định phân bón không chịu thuế VAT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào (nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị…), kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế VAT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.
Đưa phân bón vào chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) ở mức 5% sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân |
Áp Luật thuế 71 cùng thời điểm đầu tư dây chuyền mới, Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc đã phát sinh lỗ từ năm 2015, chỉ tính riêng khoản thuế không được khấu trừ là gần 1.300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Ninh – Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc cho rằng, bên cạnh khó khăn của doanh nghiệp, khoản thuế này ảnh hưởng lớn đến người lao động trong công ty. Bởi để hạ giá thành sản xuất, Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc đã phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có hạ lương của người lao động để giảm chi phí. Nhiều năm nay, người lao động công ty chỉ có lương cơ bản. Năm 2022, cơ hội thị trường được cải thiện nên người lao động được cải thiện thu nhập chút ít nhưng các chế độ như nghỉ mát gần như không có.
Tại Công ty CP DAP 1 – Vinachem, công suất sản xuất mỗi năm là 200.000 tấn, khoản thuế không được khấu trừ là 100 tỷ đồng, phải phân bổ vào chi phí. Giá thành sản xuất cao khiến doanh nghiệp ngày càng mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Doanh nghiệp nước ngoài không phải chịu chi phí này nên tạo ra sự không bình đẳng.
Việc không được khấu trừ thuế khiến doanh nghiệp và sản phẩm mất đi năng lực cạnh tranh |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP 1 – Vinachem chia sẻ: Ngành phân bón Việt Nam vẫn còn non trẻ, nhỏ bé so với các nước xung quanh. Việt Nam ở cạnh Trung Quốc, Indonesia, xa hơn là Nga, Maroc đều là những quốc gia có nguồn quặng Apatit dồi dào. Với quy mô sản xuất còn nhỏ bé như ở Việt Nam, các doanh nghiệp hầu hết mới đầu tư nâng công suất để cho ra sản phẩm, lại còn phải gánh chi phí từ luật thuế này khiến giá phân bón tăng cao và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là lý do khiến doanh nghiệp phân bón trong nước không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.
Công ty CP DAP 1 – Vinachem cũng ra đời và chiếm lĩnh thị trường chưa được lâu. Nhà máy DAP Đình vũ Hải Phòng là nhà máy sản xuất DAP đầu tiên của Việt Nam, đi vào vận hành từ năm 2009 và vận hành thương mại từ 2010-2015. Giai đoạn đó, công ty có lợi nhuận cao, cơ bản thu hồi được vốn đầu tư. Đến năm 2018, trả hết toàn bộ lãi vay đầu tư
“Tuy nhiên, khi Luật thuế 71 được áp dụng thì chúng tôi trở tay không kịp. Năm 2015 - 2016, sản lượng phân bón DAP tràn vào Việt Nam lớn và bóp nghẹt thị trường trong nước. Năm 2017-2018, công ty chỉ thoát lỗ chứ chưa có lãi nhiều” – ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Ngoài mất mát về con số tuyệt đối, khi giá thành cao thì chi phí đầu tư của doanh nghiệp không còn, không có tích luỹ. Trong khi đó, ngành hoá chất phân bón đòi hỏi chi phí tái đầu tư rất cao vì đây là công tác quan trọng. Giai đoạn năm 2015 trở lại đây, DAP đã chắt bóp chi tiêu, sửa chữa máy móc. Có những thiết bị phải đầu tư nhưng không có tiền.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực là quan trọng nhưng khi không có tiền, các phúc lợi dành cho người lao động cũng không được tốt được vì không có nguồn. Khó khăn về vốn dẫn đến việc doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng để tái đầu tư.
Cần thiết sửa đổi Luật thuế 71
Đối với việc sản xuất kinh doanh, việc lỗ hay lãi còn phụ thuộc các yếu tố thị trường và các yếu tố khách quan. Nhưng chính sách thuế nếu có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp sẽ có cơ hội thích ứng với thị trường tốt hơn, khó khăn sẽ giảm bớt.
Ông Lê Tuấn Dũng – Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền Ninh Bình cho hay, hàng năm, Công ty đều phải nhập khẩu những thiết bị và công nghệ để đảm bảo hoạt động của công ty. Chi phí đầu tư cho các thiết bị này rất lớn. Song các máy móc của nhà xưởng đang chịu thuế khoảng 10%, nếu đầu tư vài ngàn tỷ thì mất vài trăm tỷ do không được khấu trừ thuế. Điều này khiến doanh nghiệp và sản phẩm mất năng lực cạnh tranh.
Khó khăn về vốn dẫn đến việc doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng để tái đầu tư |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, giai đoạn 2010 – 2015, DAP 1 – Vinachem cung cấp 2 triệu tấn phân bón, chiếm lĩnh một số thị trường quốc tế. Đó là thời điểm công ty hoạt động hiệu quả, rút ngắn thời gian trả lãi vay. Nhưng đến năm 2015, đặc biệt là năm 2016, công ty mất dần thị trường trong nước. 3 năm gần đây, sản phẩm của công ty có chỗ đứng tại Malaysia, Uruguay, Canada… Năm 2023, công ty xuất khẩu 70% đi nước ngoài nhưng thị phần trong nước chỉ còn 30% do không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.
“Nếu thời điểm năm 2010, chúng tôi lấy slogan là “DAP – niềm vui của nhà nông” khi sản phẩm DAP lần đầu tiên được sản xuất trong nước, chúng tôi đã bán cho nông dân với giá thấp, nông dân được lợi thì từ năm 2015 đến nay, công ty gặp khó khăn do phân bón nước ngoài tràn vào Việt Nam. Năm 2023, nếu bóc tách riêng phân bón DAP, công ty vẫn lỗ. Chúng tôi có lãi do kinh doanh các ngành nghề kinh doanh thêm chứ không phải là nhờ phân bón” – ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Do đó, việc sửa Luật thuế 71 là giải pháp then chốt trong giai đoạn này. Khi Luật thuế được sửa thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường tốt hơn. Điều này khiến doanh nghiệp được lợi do giá cả cạnh tranh hơn, nông dân được mua phân bón với giá rẻ hơn và nhà nước thu được ngân sách.
Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế giá trị gia tăng được áp dụng ưu đãi hơn so với các ngành khác. Các chuyên gia cho rằng, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết.