Sửa đổi quy định quản lý ngân quỹ Nhà nước: Bảo đảm cân đối ngân sách trung ương
Bộc lộ nhiều hạn chế, chưa bám sát thực tế
Bộ Tài chính đang có dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước. Theo Bộ Tài chính: Nghị định số 24/2016/NĐ-CP bước đầu đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để triển khai các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ Nhà nước theo hướng hiện đại, đáp ứng mục tiêu quản lý an toàn, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý ngân quỹ Nhà nước đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước, gắn kết chặt chẽ giữa công tác quản lý ngân quỹ, ngân sách và quản lý nợ; đồng thời, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, sau quá trình triển khai, theo đánh giá của Bộ Tài chính nghị định này cũng bộc lộ nhiều hạn chế chưa phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể: Nghị định số 24/2016/NĐ-CP chưa quy định cụ thể nguyên tắc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Trong khi đó, theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam là “thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam. “Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi toàn bộ ngoại tệ của Kho bác Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”; “Thủ tướng Chính phủ quy định mức ngoại tệ Bộ Tài chính được giữ lại từ nguồn thu ngân sách để chi các khoản chi ngoại tệ thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Số ngoại tệ còn lại Bộ Tài chính bán cho Dự trữ ngoại hối nhà nước tập trung tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Do vậy, cần bổ sung nguyên tắc việc sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi được thực hiện bằng đồng Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số quy định về sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi của ngân sách tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP chưa phù hợp với Luật Quản lý nợ công năm 2017, cụ thể: Nghị định quy định hình thức sử dụng ngân quỹ Nhà nước cho ngân sách là “tạm ứng” (điểm a, b khoản 1 Điều 7); trường hợp ngân sách trung ương hoặc ngân sách cấp tỉnh khó khăn, nguồn thu không đáp ứng đủ các nhu cầu chi theo kế hoạch, được gia hạn tạm ứng với thời hạn tối đa không quá 01 năm.
Bộ Tài chính đang trình đề xuất nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý ngân quỹ Nhà nước (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, Luật Quản lý nợ công quy định ngân sách trung ương, ngân sách địa phương được “vay ngân quỹ Nhà nước”. Trên thực tế, theo Bộ Tài chính để tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách trung ương trong bối cảnh huy động vốn từ phát hành thị trường trái phiếu trong nước phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường, Bộ đã tăng dần nguồn vay từ ngân quỹ Nhà nước để cân đối ngân sách trung ương. Đến nay số dư nợ vay ngân quỹ của ngân sách trung ương tương đối lớn (tính đến ngày 31/12/2021 là 288.864,5 tỷ đồng). Dự báo trong những năm tới, ngân sách trung ương còn tiếp tục khó khăn, chưa thể bố trí đủ nguồn để hoàn trả ngay các khoản vay ngân quỹ Nhà nước, cần phải tiếp tục gia hạn nhiều lần. Tuy nhiên, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP chưa quy định rõ nội dung này.
Ngoài ra, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định nguyên tắc xác định hạn mức tạm ứng ngân quỹ Nhà nước cho từng ngân sách địa phương cấp tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi được ưu tiên sử dụng cho ngân sách trung ương khi gặp khó khăn, hạn mức tạm ứng cho 63 tỉnh, thành phố duy trì ở mức thấp. Đồng thời, nhu cầu sử dụng ngân quỹ của các địa phương phát sinh rất ít (năm 2020: 03 tỉnh; năm 2021: 01 tỉnh). Bên cạnh đó, trong quá trình tạm ứng ngân quỹ cho ngân sách địa phương cấp tỉnh, Kho bạc đã thực hiện kiểm soát đảm bảo tổng mức dư nợ vay của từng địa phương không vượt quá mức dư nợ vay theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc phân bổ hạn mức sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi chi tiết cho 63 tỉnh, thành phố (trong khi nhiều địa phương không có nhu cầu tạm ứng vẫn được phân bổ hạn mức) là không phù hợp.
Đặc biệt, về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành ngân quỹ Nhà nước, Nghị định số 24/2916/NĐ-CP quy định, định kỳ trước ngày 20 tháng cuối quý hoặc trước ngày 20/12 năm trước, Kho bạc Nhà nước trình Bộ Tài chính phương án điều hành ngân quỹ Nha nước quý, năm sau. Bộ Tài chính phê duyệt trước ngày 1 tháng đầu quý sau hoặc trước ngày 1/1 của năm sau. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, để xây dựng phương án điều hành quý/năm sau thì cần phải đánh giá lại tình hình thực hiện thu, chi ngân quỹ Nhà nước quý/năm hiện hành, đặc biệt là tình hình thu, chi ngân sách. Song trên thực tế, các khoản thu ngân sách thường được nộp vào cuối tháng. Vì vậy, dẫn đến việc đánh giá tình hình thực hiện ngân quỹ quý hiện hành chưa sát hoặc phải thực hiện chậm so với quy định.
Bổ sung nhiều điểm mới
Nhằm hoàn thiện, sửa đổi bám sát thực tế, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngân quỹ, dự thảo của Bộ Tài chính đã đưa ra một số quy định cụ thể: Về nguyên tắc quản lý ngân quỹ Nhà nước, để phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung nguyên tắc việc sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi được thực hiện bằng đồng Việt Nam.
Về việc sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi, Bộ Tài chính cho rằng: Để phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chính phủ cần phê duyệt, bổ sung quy định theo hướng cho ngân sách trung ương, cấp tỉnh, được “tạm ứng”, “vay”.
Đồng thời, để ưu tiên sử dụng và góp phần hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương, nâng cao trách nhiệm trả nợ của các địa phương, tránh phát sinh các khoản vay của ngân sách cấp tỉnh bị kéo dài trong thời gian trước đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng: Các khoản tạm ứng của ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh phải hoàn trả trong năm ngân sách và không được gia hạn; các khoản vay của ngân sách trung ương được phép gia hạn với thời hạn mỗi lần tối đa không quá 12 tháng; các khoản vay của ngân sách cấp tỉnh được phép gia hạn một lần với thời hạn tối đa không quá 12 tháng.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết về biện pháp phòng ngừa rủi ro, để phù hợp với thực tiễn về nhu cầu sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi của các địa phương (có địa phương có nhu cầu nhưng không được tạm ứng/vay; nhiều địa phương không có nhu cầu tạm ứng/vay nhưng được phân bổ hạn mức), Bộ đã trình Chính phủ bãi bỏ quy định hạn mức sử dụng ngân quỹ Nhà nước cho từng ngân sách địa phương cấp tỉnh tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính sẽ quyết định sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng, cho vay đối với từng địa phương; đảm bảo tổng số dư nợ tạm ứng, vay và các khoản dư nợ huy động khác của ngân sách địa phương cấp tỉnh nằm trong mức được phép huy động tối đa theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, để phù hợp với thực tiễn về tổng hợp, phân tích số liệu về thu, chi ngân sách Nhà nước và đảm bảo tính khả thi về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành ngân quỹ Nhà nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành theo hướng: Đối với phương án điều hành ngân quỹ quý, Kho bạc Nhà nước trình Bộ Tài chính chậm nhất ngày 1 của tháng đầu quý. Bộ Tài chính phê duyệt "chậm nhất ngày 5 của tháng đầu quý". Đối với phương án điều hành ngân quỹ Nhà nước năm, Kho bạc Nhà nước trình Bộ Tài chính "chậm nhất ngày 1 tháng 1 của năm". Bộ Tài chính phê duyệt "chậm nhất ngày 5 tháng 1 của năm".