Sửa đổi Nghị định 68/2016/NĐ-CP: Qui định về hồ sơ, trình tự, thủ tục vẫn chưa hợp lý
Tại Dự thảo, cơ quan soạn thảo (Tổng cục Hải quan) đề xuất qui định về thủ tục đối với trường hợp đổi tên, di chuyển, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan, doanh nghiệp phải có “văn bản thỏa thuận giữa bên chuyển quyền sở hữu và chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan (bao gồm hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sở hữu, văn bản thống nhất của chủ hàng về việc tiếp tục gửi hàng hóa tại kho ngoại quan sau khi chuyển quyền sở hữu trong trường hợp tại thời điểm chuyển quyền sở hữu chủ hàng vẫn có hàng gửi kho ngoại quan)”.
Kinh doanh kho ngoại quan. Ảnh minh họa |
VCCI cho rằng, việc qui định doanh nghiệp phải cung cấp “văn bản thống nhất của chủ hàng về việc tiếp tục gửi hàng hóa tại kho ngoại quan sau khi chuyển quyền sở hữu trong trường hợp tại thời điểm chuyển quyền sở hữu chủ hàng vẫn có hàng gửi kho ngoại quan” là chưa hợp lý, hạn chế quyền sở hữu của chủ sở hữu kho ngoại quan, theo đó, trong trường hợp người gửi hàng không đồng ý tiếp tục gửi hàng thì chủ sở hữu kho ngoại quan sẽ không được chuyển quyền sở hữu (?).
Căn cứ pháp luật dân sự, VCCI cho rằng, về nguyên tắc pháp lý, việc chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan là thỏa thuận giữa 02 chủ thể (bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền), bên gửi hàng (chủ hàng) không phải chủ thể của thỏa thuận này, mà chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bên chuyển quyền phải có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi cho bên gửi hàng trong thời gian còn hàng gửi ở kho ngoại quan, bên gửi hàng phải được thông báo về việc chuyển quyền sở hữu kho và được lựa chọn có tiếp tục hợp đồng gửi hàng nữa hay không. Trường hợp bên gửi hàng lựa chọn không tiếp tục gửi hàng thì hợp đồng chấm dứt theo thỏa thuận và theo pháp luật. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng kho ngoại quan giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Vì vậy, đề xuất quy định về việc phải có văn bản đồng ý tiếp tục gửi hàng của bên gửi hàng trong hồ sơ chuyển quyền sở hữu là không có căn cứ pháp lý.
Liên quan đến trình tự, thủ tục, Dự thảo thảo đề xuất qui định: Trình tự đổi tên, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan được thực hiện như trình tự công nhận kho ngoại quan. Theo VCCI, điều này cũng chưa hợp lý, bởi khác với thủ tục công nhận, thủ tục đổi tên, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan khá đơn giản về hồ sơ giấy tờ, nhất là trường hợp đổi tên khi doanh nghiệp chỉ cần cung cấp văn bản chứng minh về việc đổi tên hợp pháp. Cơ quan giải quyết thủ tục cũng không cần thiết phải kiểm tra thực tế kho bãi, thẩm định hồ sơ phức tạp như trường hợp công nhận lần đầu do trong những trường hợp này gần như các điều kiện ban đầu của kho ngoại quan là không thay đổi, yếu tố thay đổi tên cũng như chủ sở hữu không làm ảnh hưởng đến các điều kiện của kho ngoại quan.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, VCCI đề nghị cần quy định riêng về thủ tục đổi tên, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan theo hướng chỉ kiểm tra hồ sơ giấy tờ mà không cần thiết phải kiểm tra thực tế, thời gian giải quyết cũng cần rút ngắn hơn so với thời gian giải quyết thủ tục công nhận kho ngoại quan./.