Sửa đổi Luật Dầu khí: "Cởi trói” cho sự phát triển của ngành
Luật Dầu khí hiện hành đến nay đã 30 năm, theo ông đâu là những điểm “vướng” trong quá trình thực thi?
Luật Dầu khí được Quốc hội thông qua vào năm 1993 và trải qua ba lần sửa đổi vào năm 2000, 2008 và năm 2018. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước sự thay đổi toàn diện của ngành công nghiệp dầu khí, nhiều quy định trong Luật đã trở nên “lỗi thời”, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí.
Hơn nữa, việc triển khai dự án dầu khí càng gặp khó khăn lớn hơn khi chịu thêm sự chi phối chồng chéo của nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản dưới luật khác. Điều này cũng khiến cho công tác quản lý nhà nước về dầu khí gặp nhiều vướng mắc.
Đối với quan hệ với nhà thầu nước ngoài, Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định để điều chỉnh việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu nước ngoài chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng; chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp việc triển khai các mỏ nhỏ cận biên, các quy định về áp dụng cơ chế linh hoạt để khuyến khích nhà thầu đầu tư lâu dài, cũng như các quy định về quyền tiếp cận của bên thứ ba đối với các hạ tầng cơ sở có sẵn của ngành dầu khí.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội |
Bên cạnh đó, Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định rõ ràng về các trình tự, thủ tục đầu tư đối với các bước trong hoạt động dầu khí đối với nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Hay các quy định về việc ưu tiên áp dụng pháp luật Dầu khí trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án dầu khí.
Chính sự chồng chéo, thiếu quy định này đã khiến cho việc triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí đang gặp nhiều khó khăn và khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài “nản chí” khi có ý định đầu tư vào các dự án loại này, nhất là khi điều kiện khai thác hiện nay chủ yếu là mỏ nhỏ, ở vùng nước sâu, xa bờ đòi hỏi chi phí lớn.
Những vướng mắc trong quy định của pháp luật cũng như cơ chế quản lý nhà nước đã dẫn đến nhiều hệ luỵ gây bức xúc trong dư luận gần đây như việc trong cùng tập đoàn mà vừa khai thác, xuất khẩu dầu thô, trong khi đơn vị khác lại phải đi nhập khẩu dầu thô để chế biến; tình trạng xung đột giữa Nga và Ukraine khiến cho nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng khan hiếm xăng kéo dài. Điều này làm cho giá xăng dầu tăng mạnh liên tiếp, kéo theo giá các mặt hàng có đầu vào là xăng dầu tăng theo, gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát.
Vậy để tránh những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu hụt trong các quy định của pháp luật có liên quan trong hệ thống pháp luật hiện nay, theo ông, cần giải “bài toán” này như thế nào?
Theo quan điểm của tôi, để tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu hụt trong các quy định của pháp luật có liên quan trong hệ thống pháp luật quản lý dầu khí, cần có sự tham gia có trách nhiệm của các cơ quan ở cấp Trung ương và địa phương trong quá trình, thẩm định, thảo luận, chỉnh sửa, xem xét, thông qua dự thảo luật.
Cụ thể, việc sửa đổi lần này phải trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, toàn diện quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành; quán triệt sâu sắc và toàn diện tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về phát triển ngành dầu khí Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu tương xứng với trình độ của nước phát triển, nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ khoa học và công nghệ, hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, cần chú trọng đến việc bổ sung các quy định về dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư dầu khí cùng các định hướng về các chính sách thuế phù hợp; về quy trình thủ tục đầu tư dự án dầu khí thượng nguồn, bảo đảm đồng bộ với pháp luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước.
Đối với các nhà thầu nước ngoài, cần có quy định về trình tự, thủ tục đầu tư đối với các bước trong hoạt động dầu khí; có các quy định cụ thể hơn về việc ưu tiên áp dụng pháp luật dầu khí (luật chuyên ngành) trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án dầu khí.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước (PVN/PVEP), cần có quy định nhằm xác định hình thức đầu tư các dự án dầu khí trong nước (là đầu tư dự án thông thường hay đầu tư ra ngoài doanh nghiệp để có cơ chế xử lý rõ ràng); bổ sung quy định về thủ tục/quy trình nhượng bán/quyền lợi tham gia của PVN/PVEP phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí...
Theo Bộ Công Thương, Luật Dầu khí mới sẽ loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo được hành lang pháp lý thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế chính sách mang tính đặc thù, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dầu khí, phù hợp với thông lệ quốc tế việc tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư trong và nước ngoài là một trong những nội dung then chốt mà Luật Dầu khí sửa đổi lần này cần hướng tới.
Tuy nhiên, cần có các quy định mang tính bao quát, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo với các Luật khác để các nhà đầu tư tham gia các dự án dầu khí có thể yên tâm triển khai nhanh, hiệu quả các dự án theo đúng quy định của Luật Dầu khí mà không gặp vướng mắc theo quy định tại các Luật khác.
Việc chú trọng thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là một trong những nội dung then chốt mà Luật Dầu khí sửa đổi lần này cần hướng tới. |
Bên cạnh đó, việc quy định rõ các cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, đồng thời xóa bỏ những vướng mắc để đẩy mạnh hoạt động thăm dò khai thác dầu khí cũng là một trong những nội dung quan trọng cần lưu ý trong quá trình sửa đổi Luật.
Đi cùng với đó, cần đơn giản hoá các thủ tục đối với các dự án dầu khí, tinh giản số lượng cơ quan tham gia hoạch định chính sách và phê duyệt các quy trình trong hoạt động dầu khí.
Ngoài những giải pháp hướng về nhà đầu tư, phải thực hiện quản lý hiệu quả, ấn định các hành lang pháp lý chặt chẽ với hoạt động quản lý nhập khẩu dầu thô, tạo ra sự phối hợp liên ngành trong việc quản lý vận chuyển dầu thô vào lãnh thổ, nhằm phòng, chống và xử lý vấn nạn buôn lậu dầu thô, qua đó đảm bảo an ninh thị trường.
Đặc biệt, để Luật Dầu khí sửa đổi thực sự đi vào đời sống, chúng ta cần có sự tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới; đồng thời điều chỉnh cả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Việc sửa đổi những bất cập, lỗi thời chưa phù hợp với thực tiễn sẽ giúp “cởi trói” cho ngành dầu khí, tạo điều kiện để phát huy hết tiềm năng của tài nguyên, của lực lượng người làm công tác dầu khí ở Việt Nam.
Về mặt pháp lý, ông có góp ý gì vào nội dung của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm nâng cao hiệu quả thực thi?
Theo các nguồn thông tin được đăng tải, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) chủ yếu gồm các nội dung kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các Hợp đồng, Hiệp định đã ký kết (mà vẫn đang còn hiệu lực) trong lĩnh vực dầu khí. Về cơ bản, nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí là phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về dầu khí.
Để nhanh chóng đưa Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) vào thực tế cũng như nâng cao hiệu quả thực thi, cá nhân tôi có một số ý kiến như sau: Trong quy định tại Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh), có thể không cần thiết tách ra hai khái niệm là “điều tra cơ bản về dầu khí” và “hoạt động dầu khí” mà nên quy định rõ ràng, mạch lạc chuỗi các hoạt động dầu khí để thuận tiện cho quá trình giải thích, quán triệt và thực thi luật.
Về quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí, tôi cho rằng, chương III của Dự thảo đã khái quát được những nét cơ bản của một hợp đồng dầu khí, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của một bên là công ty dầu khí nước ngoài (tức nhà thầu hay nhà đầu tư) và bên còn lại là nước chủ nhà (nước tiếp nhận đầu tư). Tuy nhiên, do trong hoạt động dầu khí có nhiều hình thức hợp tác, kinh doanh đa dạng, nên cần xem xét làm rõ các khái niệm đi kèm, có thể kể đến như khái niệm “Hợp đồng phân chia sản phẩm”.
Ngoài ra, cần làm rõ, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng rõ ràng để tạo điều kiện cho công tác áp dụng, thực thi, tránh quy định định tính, gây khó cho nhà đầu tư cũng như cơ quan có thẩm quyền.