Dự kiến sớm thành lập Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu thời trang Khai trương trung tâm thương mại Diamond Plaza – Điểm mua sắm lý tưởng của Thủ đô Hà Nội |
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những giải pháp đẩy mạnh vận động cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Thuỵ Điển và thị trường Bắc Âu ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Trong đó có việc xây dựng trung tâm thương mại Việt Nam tại thành phố Malmo - Thuỵ Điển.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu |
Thưa bà, hiện nay cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Thuỵ Điển và thị trường Bắc Âu có bao nhiêu người? Nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam tại cộng đồng này ra sao?
Cộng đồng người Việt Nam tại Bắc Âu ước tính có khoảng 50.000 người. Đây là một cộng đồng không quá đông đảo so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng họ lại có sự gắn kết chặt chẽ và lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Tại Thụy Điển, cộng đồng này không chỉ tập trung vào những hoạt động văn hóa xã hội mà còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các giá trị truyền thống của Việt Nam.
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng hàng hóa từ Việt Nam trong cộng đồng này rất lớn, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết và các sự kiện văn hóa. Thực phẩm truyền thống như gạo, trái cây, nước mắm, và các loại gia vị từ Việt Nam luôn được ưa chuộng. Các sản phẩm này không chỉ giúp người Việt xa quê cảm nhận hương vị quê hương mà còn là phương tiện để họ truyền đạt các giá trị văn hóa, phong tục cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Bắc Âu.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Việt Nam không chỉ giới hạn trong cộng đồng người Việt mà còn lan tỏa ra cả người tiêu dùng bản địa, đặc biệt là những người yêu thích văn hóa ẩm thực châu Á. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm Việt Nam dần chiếm được chỗ đứng tại thị trường Bắc Âu.
Để hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đã triển khai những giải pháp gì để đưa hàng Việt Nam đến với cộng đồng người Việt nước sở tại? Hiệu quả của hoạt động này đến nay ra sao?
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã nỗ lực triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam" với mục tiêu không chỉ cung cấp hàng Việt cho cộng đồng người Việt tại Bắc Âu, mà còn lan tỏa văn hóa và giá trị của sản phẩm Việt đến với người dân bản địa.
Hội chợ Hàng Việt Nam đã được Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển phối hợp tổ chức vào tháng 9/2023 (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển) |
Một trong những yếu tố cơ bản để thành công trong việc này chính là tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Người Việt ở đâu, đa phần cũng đều yêu nước và luôn hướng về quê hương. Chính vì vậy, cuộc vận động không chỉ là phương pháp hiệu quả để giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn là cầu nối đưa hàng Việt thâm nhập vào thị trường quốc tế. Trước hết, người Việt cần phải yêu thích và tiêu dùng hàng Việt, từ đó sản phẩm mới có thể lan tỏa và thuyết phục người tiêu dùng bản địa.
Nhờ đó, tại thị trường Bắc Âu, cuộc vận động này đã mang lại kết quả đáng kể. Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu gạo từ Việt Nam vào Thụy Điển đã tăng từ 44.000 USD năm 2018 lên gần 4 triệu USD chỉ sau 3 năm. Nhiều mặt hàng mới đã có mặt trên thị trường như các sản phẩm dừa, bánh mì đông lạnh, đu đủ xanh nạo sợi, xôi sen… Điều này chứng minh rằng khi người Việt tiêu thụ hàng Việt một cách tích cực sẽ tạo động lực mạnh mẽ để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Bắc Âu, từ đó tiếp cận người tiêu dùng bản địa.
Được biết, hiện nay tại Thuỵ Điển có Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển. Cộng đồng doanh nghiệp này đóng góp ra sao cho việc đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thuỵ Điển và Bắc Âu?
Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển đã đóng vai trò tích cực trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường Thụy Điển. Đây không chỉ là cầu nối giúp các sản phẩm Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng mà còn là lực lượng tiên phong trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong quá trình mở rộng thị trường.
Ngoài việc trực tiếp tham gia vào hoạt động nhập khẩu và phân phối hàng Việt, Hội còn tích cực tổ chức và tham gia các đoàn doanh nghiệp về Việt Nam để tham dự các sự kiện thương mại lớn như: Hội chợ Vietnam FoodExpo và Vietnam International Sourcing Fair. Những hội chợ này là cơ hội quý giá để doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển và Bắc Âu kết nối với các nhà sản xuất, đồng thời tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao từ Việt Nam để nhập khẩu và phân phối tại Bắc Âu.
Kho hàng của A Chau Lien AB đầy ắp gạo Việt Nam (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển) |
Đặc biệt, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển đã không ngừng thúc đẩy tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong cộng đồng, khuyến khích các doanh nghiệp thành viên nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm từ Việt Nam. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội doanh nghiệp và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã góp phần làm tăng đáng kể số lượng và chất lượng các sản phẩm Việt Nam có mặt tại thị trường này.
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển có những hoạt động gì để tiếp tục lan toả Cuộc vận động Người Việt Nam đến cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Thuỵ Điển và thị trường Bắc Âu?
Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm lan tỏa hơn nữa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam" đến cộng đồng người Việt tại Bắc Âu. Thương vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển để phát triển trung tâm thương mại Việt Nam tại thành phố Malmo - thành phố lớn thứ ba của Thụy Điển và là cửa ngõ nối Thụy Điển với các nước châu Âu khác.
Đây sẽ là một bước đi đầy tiềm năng để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trong khu vực. Dự án này sẽ tương tự như mô hình thành công của chợ Sapa tại Cộng hòa Séc hay chợ Đồng Xuân ở Đức, nơi không chỉ là địa điểm mua sắm mà còn trở thành trung tâm văn hóa, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước và hàng hóa Việt Nam tại châu Âu. Trung tâm thương mại Việt Nam, nếu được xây dựng thành công, sẽ trở thành một điểm đến quan trọng, nơi hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận cả người tiêu dùng Việt lẫn người tiêu dùng bản địa, từ đó thúc đẩy sự hiện diện của các sản phẩm Việt Nam trong khu vực.
Xin cảm ơn bà!