Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý kinh doanh số lĩnh vực ngân hàng
Thúc đẩy gia tăng doanh thu
Nhằm bắt kịp với xu hướng số hoá toàn cầu trước yêu cầu ngày càng cao về trải nghiệm của người dùng, các ngân hàng đang phải gồng mình chạy đua phát triển các ứng dụng di động, ngân hàng số. Để góp phần nhìn nhận rõ hơn bức tranh tổng thể về phát triển ngân hàng số, chiều 23/7, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu, tài chính đầu tư và hợp tác thương mại Đông Nam Á đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Ngân hàng số trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Đức Hậu - Chủ tịch Ngân hàng số RVG Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của ngân hàng số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng. Theo đó, làn sóng chuyển đổi số của các ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho phát triển ngân hàng số với 96,5 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ. Vấn đề là làm thế nào để biến các tiềm năng và cơ hội đó thành hiện thực là một câu hỏi đặt ra không chỉ với các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng mà đối với cả những nhà nghiên cứu.
Ông Nguyễn Dũng Thương – Viện trưởng Viện nghiên cứu, tài chính đầu tư và hợp tác thương mại Đông Nam Á phát biểu tại tọa đàm |
Ông Nguyễn Dũng Thương – Viện trưởng Viện nghiên cứu, tài chính đầu tư và hợp tác thương mại Đông Nam Á cũng lý giải thêm, phát triển ngân hàng số là nhu cầu tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng, phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh CMCN 4.0 và kỷ nguyên kinh tế số. Ngân hàng số sẽ tạo ra nhiều tiềm năng và cơ hội cho các ngân hàng như: gia tăng doanh thu, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo khả năng phát triển bứt phá.
Hiện nay trên thế giới đã có nhiều ngân hàng số như Ngân hàng DBS tại Singapore, Ngân hàng Krung Thai Bank tại Thái Lan, nền tảng BHIM Aadhaar tại Ấn Độ và đặc biệt là RVG Digital Banking thành lập tại Mỹ và có trụ sở làm việc tại Anh.
Tại tọa đàm, các ý kiến trao đổi cũng tập trung làm rõ thực trạng hình thành và phát triển ngân hàng số ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, ông Thương cho biết thêm: Hiện trên thế giới có 3 cấp độ chuyển đổi ngân hàng số, một là chuyển đổi một phần, số hóa quy trình, kênh phân phối hoặc sản phẩm dịch vụ; hai là xây dựng mảng kinh doanh số riêng cho ngân hàng; ba là số hóa toàn bộ hoạt động ngân hàng. Hiện đa số ngân hàng Việt đang theo cấp độ một, một số ngân hàng lớn đang đồng thời thực hiện cấp độ hai.
Còn nhiều thách thức
Bên cạnh những lợi thế trên, quá trình triển khai ngân hàng số đang đặt ra một số thách thức cho ngành Ngân hàng. PGS.TS. Chúc Anh Tú – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Tài chính đã dẫn chứng thêm về vấn đề này: Trong quản lý điều hành, khi ngành ngân hàng chuyển đổi các mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành, cung ứng dịch vụ ngân hàng theo mô hình kinh doanh mới, đòi hỏi phải thay đổi nhiều từ tư duy đến hành động.
PGS.TS. Chúc Anh Tú – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Tài chính đề xuất, cần xây dựng hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy kinh tế số phát triển. |
Ngoài ra, thách thức trong việc ngăn ngừa hiệu quả rủi ro an ninh mạng và đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng nhất là trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng. Cùng với đó là thiếu nguồn lực tài chính dành cho chuyển đổi số, đầu tư, ứng dụng các công nghệ, giải pháp mới nhất là đối với các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ.
“Chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu định danh toàn quốc; hành lang pháp lý cho kinh tế số chưa đầy đủ, hạ tầng công nghệ thông tin còn có hạn chế nhất định; mức độ nhận thức, hiểu biết về kinh tế số, ngân hàng số của người dân và doanh nghiệp còn có phần hạn chế”, ông Tú nêu ý kiến.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phùng Thanh Quang (giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho biết: Hưởng ứng năm chuyển đổi số quốc gia, các ngân hàng cũng đang tích cực tham gia chuyển đổi số. Hiện nay trong hoạt động ngân hàng có 3 mảng chính đó là tín dụng, huy động vốn và mảng trung gian thanh toán. Trong đó, mảng trung gian thanh toán đã được số hoá tương đối toàn diện. Nhiều dịch vụ thanh toán, khách hàng đã trải nghiệm trên ứng dụng của ngân hàng mà không cần đến tận nơi để giao dịch.
“Hiện tại Chính phủ cũng đang triển khai một số chương trình thí điểm về một vài mảng liên quan tới ngân hàng số. Tuy nhiên đây chỉ là thử nghiệm, theo tôi cần nhanh chóng triển khai và có văn bản pháp lý chính thức, để tránh rủi ro cho ngân hàng và người dân”, ông Thanh đề xuất.
Tiến sĩ Đào Thị Hương (Học viện Tài chính) bày tỏ: Tại Việt Nam, đã có một vài ngân hàng số như Timo của VPbank nhưng không phát triển tốt được do thói quen của người dùng. Nhiều người, cho rằng phải giao dịch bằng “tiền tươi thóc thật”, nhất là ở những vùng quê. Hơn thế nữa, hiện tại nguồn nhân lực cũng đang là nỗi lo của các ngân hàng hiện tại.
Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp cụ thể. Có thể kể đến là tăng cường hợp tác thay vì cạnh tranh, tận dụng cách mạng 4.0 ở các khía cạnh như đẩy mạnh số hóa các dịch vụ, sử dụng dữ liệu lớn, sử dụng internet kết nối vạn vật IoT, sử dụng trí thông minh nhân tạo...
Về phía Nhà nước, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh doanh số tại Việt Nam trong đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia cần sớm được hoàn thiện, các ngân hàng thương mại chủ động sử dụng các biện pháp, hình thức và công nghệ phù hợp để xác thực định danh khách hàng trong khuôn khổ của ngân hàng nhà nước.
Hiện, nhiều ngân hàng đã triển khai một số hoạt động số hóa như: Vietcombank thử nghiệm mô hình kinh doanh số, TPBank triển khai LiveBank, VietinBank xây dựng dữ liệu lớn, VPBank ra mắt YOLO… Ngoài ra, các giải pháp e-banking cũng được các ngân hàng phát triển để mở rộng nền khách hàng như: chuyển tiền qua mạng xã hội; rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ; phát triển kênh Live Chat nhằm hỗ trợ cho khách hàng… |