Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh nói gì về việc thí điểm cho phép cán bộ làm việc tại nhà?
Tại cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chiều ngày 26/10, Sở Nội vụ đã thông tin về việc thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức ở một số vị trí có thể làm tại nhà.
Ông Nguyễn Sỹ Long - Phó Trưởng phòng Công chức viên chức, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh thông tin liên quan đến nội dung thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số vị trí không tiếp xúc với công dân |
Cụ thể, ông Nguyễn Sỹ Long - Phó Trưởng phòng Công chức viên chức, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh- cho biết: Việc nghiên cứu thí điểm này trong tình hình hiện nay là phù hợp và xuất phát từ điều kiện thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Long, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, trong đó bao gồm chuyển đổi số trong khu vực công. Ngoài ra, Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.
Các định hướng về cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số với mô hình làm việc linh hoạt, hiện đại mà thành phố đang thực hiện là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Ông Nguyễn Sỹ Long cho biết, trong giai đoạn giãn cách để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, cán bộ, công chức, viên chức TP. Hồ Chí Minh đã thích ứng nhanh với phương thức làm việc trực tuyến. Cán bộ, công chức, viên chức không cần có mặt tại cơ quan vẫn có thể nhận hồ sơ và xử lý văn bản bình thường trên môi trường mạng.
Do đó, việc nghiên cứu cho một số cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc ở các vị trí không tiếp xúc, không thực hiện thủ tục hành chính sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp
Mặt khác, TP. Hồ Chí Minh đang tăng cường hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, theo đó, người dân và doanh nghiệp sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ công và sẽ được cơ quan Nhà nước trả kết quả mà không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức. Vì vậy, việc cho phép một số cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài công sở sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và chất lượng xử lý, giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng xử lý, giải quyết thủ tục hành chính.
Cán bộ, công chức, viên chức được tạo điều kiện làm việc linh hoạt sẽ có thêm động lực để phát huy tinh thần cống hiến, năng động, sáng tạo, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, đồng thời đảm bảo sức khỏe và có thêm điều kiện để chăm sóc gia đình.
Tuy nhiên, khi thực hiện thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng cơ sở và triển khai thực hiện theo nguyên tắc: Thành phố sẽ xây dựng Đề án thí điểm, lựa chọn một số cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện. Tại các cơ quan, đơn vị thí điểm, thành phố sẽ lựa chọn một số tổ chức, đơn vị thành phần và một số vị trí việc làm cụ thể để thực hiện thí điểm.
“Trên cơ sở đó sẽ có sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về kết quả thực hiện, những tác dụng, hiệu quả mang lại đối với nền công vụ cũng như sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp so với trước khi thí điểm. Từ đó, thành phố mới nghiên cứu, cân nhắc mở rộng phạm vi thí điểm” - đại diện Sở Nội vụ thông tin.
Về nguyên tắc thực hiện: Việc cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà phải căn cứ vào đặc thù của vị trí việc làm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Trước mắt, chỉ thực hiện thí điểm đối với các vị trí việc làm không phải là các vị trí liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà với khối lượng công việc tương đương như làm việc tại công sở. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà phải cam kết đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, khối lượng và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phân công.
Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định pháp luật và chịu trách nhiệm đối với công việc được cấp có thẩm quyền phân công.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ và có đánh giá cụ thể theo hiệu quả công việc. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch.
“Việc thí điểm làm việc tại nhà không thay thế hoàn toàn cho mô hình làm việc tại công sở” - đại diện Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh khẳng định.