Thứ hai 23/12/2024 10:54

Sinh viên Lào đón Tết cùng người Đà Nẵng

Hàng nghìn sinh viên Lào đang học tập tại TP. Đà Nẵng đã có những kỷ niệm đáng nhớ khi sống cùng nhà với người dân trải nghiệm đón Tết cổ truyền Việt Nam.

Hàng nghìn sinh viên Lào đang học tập tại TP. Đà Nẵng đã có những kỷ niệm đáng nhớ khi sống cùng nhà với người dân và trải nghiệm đón Tết cổ truyền Việt Nam trong không khí đầm ấm.

Tết Việt đặc biệt của cô sinh viên Lào

Năm nay, Lita Manyvong (sinh viên năm 4, khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) tiếp tục ở lại Việt Nam đón Tết cổ truyền của người Việt cùng bố mẹ nuôi người Việt và trong ngôi nhà ấm cúng của người Việt.

Đây là là năm thứ 3 liên tiếp trong 4 năm học ở Việt Nam Lita đón tết Việt. Hai năm trước là do dịch Covid-19 không về được, còn năm nay ý nghĩa hơn khi là sinh viên năm cuối cùng trước khi cô tốt nghiệp trở về Lào.

Gần100 sinh viên Lào học tập tại TP. Đà Nẵng trong chương trình “Homestay cho sinh viên Lào” năm 2022

Nhớ lại thời điểm khi mới sang Việt Nam học tập, Lita gặp nhiều khó khăn về khả năng nói tiếng Việt - trở ngại lớn nhất của sinh viên Lào khi học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Còn bây giờ, cô gái Lào đã như là một người con, một thành viên trong gia đình người Việt. Cô đã nói sõi, viết luận văn bằng tiếng Việt thành thạo.

Gặp Lita khi cô đang gấp và cắt những chiếc lá dong để gói bánh tại gia đình mẹ nuôi Trần Thị Nguyện (số 22 Chơn Tâm 5, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng), Lita vui vẻ cho biết, cô rất thích không khí ngày Tết ở Việt Nam.

“Các hoạt động ngày Tết của Việt Nam rất hay, như gói và nấu bánh chưng, bánh tét, trang trí nhà cửa. Em cũng biết đến ý nghĩa của bánh chưng, bánh tét qua lời giải thích của mẹ Nguyện”, Lita nói.

Các bạn sinh viên Lào chúc Tết gia đình nhà cô Trần Thị Nguyện

Nhìn những lá dong được cắt thẳng thớm, Lita giải thích: “Khi đầu tập gói bánh chưng cũng hơi xấu. Nhưng qua năm sau thì đẹp hơn, vì đã biết cắt lá, biết gói, biết cách bóc bánh cho đẹp”. “Em thấy Tết Việt ý nghĩa nhất chính là sum họp gia đình, ấm cúng, gần gũi. Em được nhận những lời chúc tốt đẹp của bố mẹ nuôi, anh chị, bạn bè và những người xung quanh. Em cũng được lì xì để lấy may, cảm giác rất tuyệt”, Lita chia sẻ.

Homestay cho sinh viên Lào tại Đà Nẵng

Lita là một trong số hàng nghìn lượt sinh viên Lào học tập tại TP. Đà Nẵng đã tham gia chương trình “Homestay cho sinh viên Lào” và chương trình “Mẹ đỡ đầu” do thành phố triển khai. Sau chương trình, cô và những bố - mẹ nuôi vẫn giữ liên lạc và hiện cô như một thành viên chính thức của gia đình mẹ Nguyện.

Năm 2011, TP. Đà Nẵng thí điểm mô hình ở nhà dân “Homestay cho sinh viên Lào”. Theo đó, mỗi năm các sinh viên Lào đang học tập tại đây sẽ tham gia chương trình ở nhà người dân thành phố trong 3 tuần. Trong thời gian này, các em sẽ được địa phương bố trí đưa đón đi học hàng ngày, được ăn, ở, sinh hoạt cùng người dân để giúp trau dồi tiếng Việt, hiểu thêm phong tục, tập quán và đời sống của người Việt Nam nói chung, TP. Đà Nẵng nói riêng. Sau mỗi chương trình, các sinh viên Lào sẽ có thêm các anh, chị, bố mẹ là người Việt.

Các sinh viên Lào cùng làm mâm cơm ngày Tết của người Việt

Năm 2022, gần 100 sinh viên Lào đã có những trải nghiệm đáng nhớ khi về ở tại nhà người dân Đà Nẵng. “Chúng em được tiếp xúc, giao lưu, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam; được rèn luyện tiếng Việt. Và đặc biệt, chúng em có thêm những người bố, người mẹ tuyệt vời” - em Chanthasak Dalivanh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng chia sẻ.

Bà Trần Thị Nguyện - mẹ nuôi của rất nhiều thế hệ sinh viên Lào học tập tại TP. Đà Nẵng, cho biết từ thực tế công tác, tiếp xúc với rất nhiều sinh viên Lào, bà nhận thấy nói và viết tiếng Việt là trở ngại lớn nhất của hầu hết các sinh viên Lào khi học tập ở Việt Nam. Ấp ủ muốn hỗ trợ các em xóa đi rào cản này, khi về hưu, tham gia công tác ở hội phụ nữ, bà đã đề xuất chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhận nuôi, hỗ trợ cho sinh viên Lào đang học tập tại TP. Đà Nẵng. Từ năm 2019, mô hình được nhân rộng, các phụ nữ phường Hòa Khánh sẽ nhận đỡ đầu cho các sinh viên Lào.

“Dịp Tết của 2 năm dịch Covid-19, nhà tôi rất nhộn nhịp vì có nhiều em học sinh Lào không về nước mà ở Việt Nam. Ở lại đây, các con cũng như con trong nhà, cùng gia đình tôi đi chợ, gói bánh chưng, trang hoàng nhà cửa ngày Tết. Cùng thức đón giao thừa và chúc Tết lẫn nhau”, bà Nguyện vui vẻ nói.

Mô hình cần nhân rộng

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh, kiêm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tại TP. Đà Nẵng cho biết, chương trình ở nhà dân “Homestay cho sinh viên Lào” đã trở thành điểm sáng, mô hình tiêu biểu được học tập, nhân rộng trong cả nước. Đây là chương trình “ươm mầm hữu nghị” mang tính chính trị và nhân văn sâu sắc; góp phần nuôi dưỡng và phát triển quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt - Lào anh em.

Theo ông Souphanh HadaoHeung - Tổng lãnh sự nước CHDCND Lào tại Đà Nẵng, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào luôn yên tâm, tin tưởng khi lựa chọn cho con em mình học tập tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP. Đà Nẵng. “Chúng tôi tin tưởng rằng, chương trình sẽ là cầu nối để sinh viên Lào có thêm bố - mẹ thứ hai, có thêm một gia đình yêu thương như ruột thịt. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Lào - Việt, Việt - Lào tăng thêm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước”, ông Souphanh HadaoHeung nói.

Sau 4 năm học, Lita cho biết dự định ra trường cô sẽ trở về để cống hiến cho đất nước mình. Nhưng vẫn sẽ gói bánh chưng vào dịp Tết và chắc chắn sẽ sang lại Việt Nam để thăm mẹ Nguyện, để khám phá thêm những nét đẹp của Việt Nam - nơi đã dành cho em nhiều tình cảm nồng hậu trong 4 năm em học tập.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: Văn hoá

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng chia vui, chúc mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam

Kết quả trận Việt Nam và Myanmar tại AFF Cup 2024: Hiệu ứng Xuân Son, chủ nhà đại thắng

Hải Phòng: 71 tác phẩm nghệ thuật độc đáo tại triển lãm mỹ thuật “Nắng và Lắng”

Triển lãm mỹ thuật Nét vẽ tình thân: Khi phạm nhân là người sáng tác

TikTok Live Fest 2024: Vinh danh hàng loạt nhà sáng tạo nội dung live

Khám phá những câu chuyện lịch sử tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Trực tiếp bóng đá Việt Nam và Myanmar (hết giờ): Show diễn của Xuân Son

Trình diễn hỏa pháo công bố hoàn thành dự án trùng tu Hải Vân Quan

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Việt Nam và Myanmar, 20h00 ngày 21/12, AFF Cup 2024

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 21/12, rạng sáng 22/12: Việt Nam đấu với Myanmar tại AFF Cup 2024

Không khí lễ hội đón Giáng sinh - Chào năm mới 2025 sôi động ngập tràn TP. Đà Nẵng

Hứa hẹn đêm nhạc Quốc tế Dalat Spring Concert miễn phí sẽ bùng nổ tại Đà Lạt

Hiện tượng concert ‘Anh trai say hi’ và triển vọng ngành công nghiệp văn hoá trong kỷ nguyên mới

Mù Cang Chải: Điểm đến thu hút du khách với những trải nghiệm giàu bản sắc văn hóa

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Thái Lan và Campuchia, 20h00 ngày 20/12, bảng A AFF Cup 2024

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 20/12, rạng sáng 21/12: Thái Lan đấu với Campuchia tại AFF Cup 2024

Yên Bái: Sắp diễn ra Festival khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ dày tại huyện Mù Cang Chải

Du khách Mỹ: Tôi cảm thấy như ở nhà khi đón Giáng sinh tại Hà Nội

Địa phương tự quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Chelsea và Shamrock Rovers, 3h00 ngày 20/12, UEFA Conference League 2024/2025