Siết quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý
Mới đây, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố phải thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn. Công tác quản lý sẽ chú trọng các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Tổng cục Thuế yêu cầu các địa phương cần lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn tập trung quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, bạc, trang sức, mỹ nghệ.
Công tác quản lý sát sao sẽ kịp thời phát hiện và có phương án xử lý các trường hợp kinh doanh không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.
Tổng cục Thuế tăng cường quản lý thuế trong hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý (ảnh minh họa) |
Để giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như: Công an, Quản lý thị trường, Ngân hàng, Hải quan… để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng, bạc, đá quý.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện trường hợp kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, nhấn mạnh Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý thị trường vàng, kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin và chủ động xử lý các công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo các cấp thẩm quyền các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền. |