Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh đa cấp |
Thu giữ trên 1 tỷ đồng tiền phạt
Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, toàn thành phố hiện có 51 doanh nghiệp đa cấp có đăng ký giấy phép kinh doanh. Các doanh nghiệp chủ yếu phân phối những mặt hàng như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng…; trong đó thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia nhiều nhất, với trên 80% là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa cấp.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng phòng Tổng hợp và Thông tin liên ngành, Chi cục QLTT Hà Nội, cho biết: Bán hàng đa cấp là phương thức kinh doanh phức tạp, địa bàn hoạt động của các công ty bán hàng đa cấp thường rất rộng, có nhiều chi nhánh, đại lý ở các tỉnh thành phố trong cả nước nên việc quản lý là rất khó khăn.
Phần lớn doanh nghiệp đa cấp chọn những căn hộ chung cư làm trụ sở hoạt động bán hàng và thường xuyên thay đổi địa điểm. Các công ty kinh doanh bán hàng đa cấp thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo về đào tạo bán hàng đa cấp cho nhà phân phối của công ty tại các nhà hàng, khách sạn… với nội dung chủ yếu là: giới thiệu công ty, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng. Trung bình mỗi cuộc hội thảo có từ 100 – 200 người tham gia. Các doanh nghiệp đa cấp khi bị cơ quan chức năng phát hiện có sai phạm thường bỏ trụ sở không hoạt động và thành lập công ty mới. Thêm vào đó trụ sở kinh doanh ở một nơi nhưng hàng hóa lại thường được phân bổ tại nhiều địa phương nên việc kiểm tra kiểm soát mặt hàng cũng khó có thể triệt để toàn diện.
Trong năm 2015, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra xử lý trên 13 vụ vi phạm kinh doanh bán hàng đa cấp với số tiền thu nộp ngân sách là 1,16 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính, tổ chức kinh doanh bán hàng đa cấp khi chưa có giấy chứng nhận bán hàng đa cấp của cơ quan có thẩm quyền cấp, kinh doanh không đúng địa điểm đã đăng ký…
Riêng trong quý I/2016, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, giám sát hoạt động 7 doanh nghiệp, trong đó xử phạt hành chính 2 doanh nghiệp với số tiền 143 triệu đồng.
Tổng kiểm tra trên mọi phương diện
Từ đầu năm, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 thành phố đã đưa ra kế hoạch số 19/KH-BCĐ 389/TP về “Kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và kinh doanh đa cấp trên địa bàn Hà Nội”.
Theo đó, từ ngày 15/4 - 15/7, Sở Công Thương Hà Nội mà Chi cục QLTT sẽ là đầu mối chủ trì, thành lập 1 tiểu ban chỉ đạo và 2 đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, xử lý vi phạm và tổng hợp kết quả báo cáo UBND thành phố Hà Nội và BCĐ 389 Quốc gia.
Cụ thể, nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; nội dung hoạt động kinh doanh đa cấp; giấy phép nhập khẩu; điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; định lượng, chất lượng hàng hóa; nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn chứng từ của hàng hóa; nhãn hàng hóa; việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với nhà nước (tuỳ theo vụ việc kiểm tra cụ thể) và kiểm tra việc thông báo thiết lập website thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (nếu có).
Trong quá trình thực hiện, hàng tuần, tiểu ban chỉ đạo kiểm tra đều họp với các đồng chí Trưởng đoàn để kiểm điểm đánh giá rút kinh nghiệm cho các đợt kiểm tra tiếp theo. Nếu có vướng mắc phát sinh ngoài Kế hoạch thì đồng chí Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành báo cáo về Cơ quan thường trực BCĐ 389/TP để kịp thời giải quyết. Kết thúc đợt kiểm tra, Thường trực BCĐ 389/TP họp đánh giá kết quả công tác chỉ đạo kiểm tra và tổng hợp báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Song song với công tác kiểm tra, lực lượng chức năng cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, thông tin kịp thời về tác hại của dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ; Từ đó chấn chỉnh việc hoạt động nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và kinh doanh đa cấp theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. |