Sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn nếu giá vẫn cao
Đây là cảnh báo được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đưa ra tại hội nghị "Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid- 19", do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 12/3.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nhiều lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (khi chưa đảm nhiệm Bí Thư Thành uỷ TP. Hà Nội) đã có chỉ đạo quyết liệt về việc giảm giá lợn hơi. Tuy nhiên đến giờ giá lợn vẫn ở mức cao. Có những doanh nghiệp lớn gương mẫu giảm giá thịt lợn nhưng cũng có doanh nghiệp công khai giá một kiểu, bán lại một kiểu.
"Nếu các doanh nghiệp không kéo giảm được giá thịt lợn, chắc chắn Chính phủ sẽ tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, Úc, Canada, thậm chí từ Lào, Campuchia về. Nếu mở cửa thị trường này, mai kia muốn khép lại để "giải cứu" ngành chăn nuôi thì rất khó", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn nếu giá vẫn cao |
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị 17 tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi cố gắng giảm giá lợn xuống quanh mức 70.000 đồng/kg lợn hơi, đây là mức giá hợp lý. "Nếu không kìm được giá thịt lợn, đảm bảo lợi ích của người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng. Chắc chắn chúng ta phải tăng cường nhập khẩu thịt lợn", Thứ trưởng Tiến một lần nữa nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo các doanh nghiệp cùng Trung ương, Chính phủ tập trung giải quyết việc kìm giá thịt lợn.
Hiện nay, về cơ bản, dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế. Các địa phương, doanh nghiệp không nên do dự mà cần tập trung tái đàn lợn. Thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, nếu giá tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng.
Tuy nhiên, do quy mô đàn chăn nuôi lớn, mật độ chăn nuôi cao, tốc độ tái đàn của Việt Nam tăng rất nhanh, trong khi thời tiết ẩm ướt thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, dịch tả lợn châu phi cũng chưa có thuốc chữa. Do vậy, doanh nghiệp, cơ quan chức năng không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, 1 lần nữa, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lại nhắc lại việc giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi. Tập quán của người Việt, trong rổ thức ăn thì đến 70% là thịt lợn. Dịch tả lợn châu Phi qua rồi, cần đưa ra giá bán phù hợp. 17 doanh nghiệp lớn về thịt lợn cần có vai trò dẫn dắt. Các đơn vị này vào cuộc, thì bắt buộc doanh nghiệp nhỏ lẻ phải đi theo. Làm được điều này chính là bảo đảm phát triển bền vững, không thể làm ăn kiểu chụp giật, hôm nay lãi thì ngày mai mất thị trường. "Nếu cứ để đắt đỏ, người dân và xã hội sẽ quay lưng với thịt lợn. Họ sẽ quay ra ăn thịt gà, thịt bò, trứng", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp như: Dabaco, C.P, Masan… cũng đồng tình với đề nghị của Bộ NN&PTNT và cam kết sẽ nỗ lực giảm giá lợn hơi xuống để người tiêu dùng hưởng lợi. "Về giá lợn, chúng tôi đồng tình với Chính phủ. Dabaco không muốn giá lợn cao, vì như thế sẽ không bền vững, không phát triển được. Chúng tôi sẽ phát triển tái đàn. Cam kết với Bộ trưởng là Tập đoàn sẽ cố gắng đưa giá lợn xuống mức 70.000đ/kg", ông Nguyễn Khắc Thảo - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, cho biết. Đồng thời đề nghị Chính phủ giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng vào Việt Nam như thịt và chế phẩm từ thịt.
Giá lợn hơi hôm nay (12/3) ghi nhận sự ổn định ở miền Bắc, dao động phổ biến từ 79.000 - 85.000 đồng/kg; tại miền Nam tăng ở một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An nhờ thịt lợn tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh tiêu thụ thuận lợi. Trong đó, giá lợn hơi tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng từ 75.000 đồng/kg lên 78.000 đồng/kg; Tây Ninh, Long An cũng tăng thêm 3.000 đồng/kg, lần lượt đạt 78.000 và 80.000 đồng/kg.
Tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai, hiện đang giao dịch quanh mức 75.000 - 80.000 đồng/kg, tăng so với vài ngày gần đây. Đáng chú ý, giá lợn hơi tại Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tăng và hiện đã cán mốc 84.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Tây cũng ghi nhận sự tăng giá, ở Tiền Giang, đạt 82.000 đồng/kg. Các địa phương khác giá không đổi, dao động phổ biến từ 75.000 - 80.000 đồng/kg.