Thứ bảy 28/12/2024 18:48

Sẽ quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư

Sáng 23/11, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày trước Quốc hội Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá các hạn chế trong Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nướcđầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Dự án được thực hiện nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế.

Sáng 23/11 Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) (Ảnh: QH)

Nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, phạm vi điều chỉnh của Luật số 69/2014/QH13 có nội dung “sử dụng vốn nhà nước, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; còn thể hiện sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp; chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đồng thời chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Do đó, cần thiết điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Theo đó, việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đọc tờ trình dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) (Ảnh:QH)

Theo dự thảo luật, đối tượng áp dụng là “Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ".

Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu, ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất dự thảo Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chịu trách nhiệm.

Cần bổ sung phạm vi quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào dự thảo luật

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết: Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Luật số 69).

“Quy định của dự thảo Luật sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN); đảm bảo DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp”- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh.

Tuy nhiên, liên quan đến phạm vi điều chỉnh, bên cạnh các doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước, hiện còn có những loại hình doanh nghiệp khác có vốn nhà nước đầu tư mà chưa được quy định trong phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh (Ảnh:QH)

“Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần xem xét, bổ sung phạm vi quản lý, đầu tư vốn nhà nước để có các quy định có tính nguyên tắc trong Dự thảo Luật và đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước này với biện pháp, mức độ quản lý phù hợp”- ông Lê Quang Mạnh cho hay.

Về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, trích lập tối đa 50% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước đầu tư là phù hợp. Tuy nhiên, Ủy ban cũng đề nghị cần quy định cụ thể về thẩm quyền, quyết định, phạm vi, nội dung sử dụng Quỹ, đảm bảo nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp.

Về vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW; theo đó, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số DNNN hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư…

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng nhiều quy định còn can thiệp quyền của doanh nghiệp, do vậy Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn theo nhóm, quy mô, loại hình doanh nghiệp, trong đó lưu ý có quy định riêng đối với một số loại hình doanh nghiệp đặc thù như doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh... Đồng thời đề nghị rà soát, hoàn thiện Điều 12 để quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp; bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất giữa quan điểm xây dựng Luật với các nội dung cụ thể quy định trong dự thảo Luật; làm rõ nguyên tắc nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), có nhiều điểm mới, cụ thể theo phương thức mới, Nhà nước chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu vốn, bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là tài sản của pháp nhân doanh nghiệp, thay vì đồng nhất với tài sản của Nhà nước như cách hiểu trước đây.

Sự thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước được chủ động hơn trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Các quyết định kinh doanh, đầu tư, huy động vốn sẽ không còn bị phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước mà thay vào đó, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với tư cách một chủ thể kinh tế hoạt động theo nguyên tắc thị trường và các quy định pháp luật doanh nghiệp. Việc này không chỉ tăng tính linh hoạt mà còn tạo ra môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, góp phần nâng cao sức cạnh tranh.

Dự thảo Luật nhấn mạnh vào việc phân công, phân cấp mạnh mẽ quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Thay vì tập trung quyền quyết định ở Thủ tướng Chính phủ như quy định hiện hành, dự thảo trao nhiều quyền tự chủ hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp. Các dự án đầu tư thuộc nhóm A hoặc có tổng mức đầu tư vượt 50% vốn điều lệ sẽ được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định, trong khi những dự án khác giao doanh nghiệp tự quyết định.

Dự thảo Luật cũng đề xuất các nguyên tắc mới về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Quá trình sắp xếp, cơ cấu lại vốn được coi là hoạt động thường xuyên tại các doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu quản lý vĩ mô trong từng ngành nghề, lĩnh vực. Một trong những thay đổi quan trọng là loại trừ giá trị các công trình, dự án kết cấu hạ tầng có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh khi chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai, tránh chồng chéo và gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Một nội dung đổi mới đáng chú ý khác là quy định về đánh giá và xếp loại doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật đưa ra phương pháp đánh giá toàn diện, tập trung vào mục tiêu và kết quả tổng thể của doanh nghiệp, đồng thời loại trừ các yếu tố khách quan như tác động từ nhiệm vụ chính trị được giao.

Thu Hường

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư

Thủ tướng: Ngành Nông nghiệp phải bứt phá trong năm 2025, xuất khẩu đạt 70 tỷ USD

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin về phương án hợp nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Không để gián đoạn việc thực hiện chính sách an sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ tâm tư khi sáp nhập với Bộ Nội vụ

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

Thời điểm 'hội tụ' để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng: Không 'đẽo cày giữa đường' khi làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương tái cơ cấu, tạo 'sức sống mới' cho ngân hàng VDB

Thủ tướng: Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng không đúng mục đích

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ các nước trình quốc thư

Bộ Công an: Gương mẫu đi đầu, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an các cấp

Chủ tịch nước: Quán triệt nghiêm Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Bảo đảm an ninh trật tự, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80

Thủ tướng: Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đồng chủ trì Phiên họp rà soát các hoạt động trong khuôn khổ AZEC

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

Bộ Nội vụ Campuchia mong Việt Nam tăng cường hỗ trợ ngành cơ yếu

Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là giải pháp thiết thực