Sau vụ sập cầu Phong Châu, TP. Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra cầu sắt cũ, cầu lâu năm
Ngày 16/9, thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã đề nghị UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hệ thồng cầu, hầm đường bộ trong mùa mưa bão.
Cụ thể, qua sự cố sập cầu Phong Châu trên Tỉnh lộ 32C (cầu sắt), huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đi qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để tránh xảy ra sự cố gây xảy ra tương tự, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đề nghị UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, các đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố trong mùa mưa bão.
Sự cố sập cầu Long Kiểng vào năm 2018 tại huyện Nhà Bè (Ảnh: CTV) |
Đặc biệt, các đơn vị phải khẩn trương thực hiện kiểm tra, khảo sát hiện trạng và có ngay biện pháp đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng; cầu bắc qua các tuyến giao thông thủy trọng yếu, cầu vượt trên cạn và hầm đường bộ trên bàn thành phố.
Đồng thời, chú ý những cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày nhưng chưa sửa chữa, bảo trì; phát hiện và sửa chữa, khắc phục ngay các hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ sự cố công trình, mất an toàn giao thông công trình trong mùa mưa, bão năm 2024.
"Các cầu sắt cũ, lâu năm như cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm Sát (cũ)… được lưu ý kiểm tra, khảo sát sớm”, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đề nghị.
Trường hợp phát hiện công trình có nguy cơ sụp đổ, mất an toàn giao thông gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, các đơn vị phải thực hiện tạm dừng ngay việc khai thác công trình.
Song song cùng với đó, phải có biện pháp ngăn chặn người, phương tiện lưu thông, cảnh báo, rào chắn công trình kịp thời; có phương án tổ chức phân luồng giao thông tạm thay thế.