Vụ sập cầu Phong Châu, đặc công hải quân gặp khó khăn trong tìm kiếm người mất tích Thừa Thiên Huế: Cầu treo hết hạn sử dụng 10 năm, nhưng mỗi ngày ‘‘gánh’’ hàng trăm lượt xe |
Khu vực các tỉnh miền Trung do có vị trí địa lý đặc thù, nằm trải dài và đều tiếp giáp với biển Đông, do đó hàng năm thiên tai bão lũ ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương này gây ra thiệt hại về người và tài sản rất lớn.
Vừa qua, sau sự cố sập cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ, hàng loạt địa phương ở miền Trung đã tập trung kiểm tra chất lượng các cây cầu dân sinh trên địa bàn thì “lòi” ra nhiều cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng hàng ngày vẫn đang gồng mình gánh hàng trăm, hàng nghìn lượt xe và người qua lại.
Tại tỉnh Quảng Bình, ngay sau khi lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành chuyên môn kiểm tra thực tế tại hiện trường cầu Sông Thai (xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch) cho thấy, tất cả các trụ cầu đều xuất hiện nhiều vết nứt dọc thân; bê tông thân trụ bị nước mặn xâm thực hư hỏng khá nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình thể hiện phần chịu lực và có vai trò quan trọng nhất của cây cầu thì lại có nhiều “điểm yếu” nhất. Cụ thể, các trụ T3, T4, T5 đã bị bong tróc, nhiều vị trí bê tông bị nứt mảng lớn làm lộ cốt thép bên trong, quan sát bằng mắt thường thì cốt thép chủ đã bị hoen gỉ nặng. Với mố cầu, tứ nón tại mố M2 bị xói trôi vữa xây, nhiều vị trí trơ mặt đá. Khe con giãn mặt cầu bị bong tróc nhiều điểm gây đọng nước, nhiều vị trí nứt nẻ, gây thấm ướt dầm và gối khi có mưa; khe co giãn bằng cao su cốt bản thép đã bị bong bật, hư hỏng nặng không đảm bảo êm thuận cho phương tiện lưu thông qua cầu.
Đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ gia cố, kiểm tra các quy chuẩn của cầu để người dân có nơi di chuyển. Điều kiện kinh tế hiện nay ngày càng phát triển, nhiều xe tải trọng lớn đi lại nên nếu tính lâu dài cần phải xây dựng cầu mới để đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Đánh chú ý, một cây cầu khác tại tỉnh Thừa Thiên- Huế có tên là cầu Bình Thành tại thị xã Hương Trà được xây dựng vào năm 2000 và có giá trị sử dụng 15 năm (tức đến năm 2015 hết hạn sử dụng). Tuy nhiên, đến nay chiếc cầu đã hết hạn sử dụng gần 10 năm hàng ngày vẫn gánh hàng trăm lượt phương tiện, đáng chú ý toàn là phương tiện hạng nặng vận chuyển gỗ rừng trồng.
Cầu Sông Thai Quảng Bình bong tróc lớp vữa lộ ra cả sắt đã hoen gỉ. (Ảnh: CTV) |
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Hồ Chí Thịnh - Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết, cầu Bình Thành được xây dựng từ năm 2000, giá trị sử dụng 15 năm (tức đến năm 2015 hết hạn sử dụng) đến nay, cầu đã hết hạn sử dụng gần 10 năm. Trước đây cầu có trọng tải từ 13- 18 tấn, tuy nhiên sau khi cầu xuống cấp, hết hạn sử dụng, hiện cầu đã được hạ tải còn 8 tấn.
“Việc xây dựng cây cầu mới tại địa phương để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an toàn trong giao thông, đặc biệt là mùa mưa lũ là rất cấp thiết với địa phương. Địa phương đã kiến nghị, đề xuất việc xây dựng cầu mới với các cấp, ngành, tại các buổi tiếp xúc cử tri nhiều lần rồi. Tuy nhiên, hiện nay dự án xây mới cầu Bình Thành mới đưa vào kế hoạch trung hạn, tức khoảng năm 2025 – 2026 mới được xây và cầu được xây dựng kết cấu bê tông cứng",ông Hồ Chí Thịnh cho hay.
Cầu Bình Thành đã hết hạn sử dụng gần 10 năm những hàng ngày vẫn "gánh" hàng loạt xe trọng tải lớn. |
Tại tỉnh Quảng Ngãi, chiếc cầu Trà Khúc 1 với 60 năm tuổi ngày ngày dần lộ rõ các lớp bê tông bị bào mòn theo năm tháng. Anh Trần Thanh Toàn (42 tuổi) huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trước giờ chúng tôi vẫn chạy qua chạy lại trên cầu bình thường, nhưng từ khi có sự việc đau lòng tại cầu Phong Châu, người dân dần để ý đến chiếc cầu Trà Khúc này hơn mới thấy móng cầu nằm trơ trọi ra đó khiến chúng tôi khá bất an”.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đã ra văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra và đánh giá toàn bộ các công trình cầu trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.
“Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, diễn biến thiên tai trong thời gian tới rất phức tạp, nguy cơ bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh rất lớn. Căn cứ tình hình thực tế hiện trạng công trình, tình hình mưa, lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác tạm thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông. Tổng hợp danh sách các công trình cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, thay mới kèm theo nhu cầu kinh phí, gửi các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để khắc phục”- ông Nguyễn Hoàng Giang chỉ đạo.
Cầu Trà Khúc 1 tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: CTV) |
Tuỳ mức độ nghiêm trọng về tình trạng “sức khoẻ” của các cây cầu và mức chịu ảnh hưởng thiên tai của từng chiếc là khác nhau, tuy nhiên trước những diễn biến xấu và khó lường của thời tiết, thiết nghĩ các địa phương, sở, ngành chức năng cần khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý. Đặc biệt là công trình cầu vượt sông, cầu tạm để kịp thời phát hiện, có giải pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn.