Thứ bảy 10/05/2025 18:55

Sầu riêng mất giá, nhà vườn miền Tây ngóng giải pháp

Giá sầu riêng chỉ bằng nửa giá so với cùng kỳ, xuất khẩu chững lại, khiến nhiều nhà vườn miền Tây đối mặt nguy cơ lỗ vốn, thất thu mùa vụ năm nay.

Xuất khẩu đình trệ, thị trường nội địa trầm lắng

Thời điểm này năm ngoái, các vườn sầu riêng ở Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ nhộn nhịp tiếng thương lái, xe tải xếp hàng chờ bốc hàng xuất khẩu. Giá sầu riêng Ri6 loại cao cấp có lúc chạm mốc 132.000 đồng/kg, giúp nhiều hộ trồng sầu riêng thu về tiền tỷ mỗi mùa. Thế nhưng, bước sang năm 2025, bức tranh này đã đổi màu. Giá bán rơi tự do, xuất khẩu chững lại, khiến nhà vườn rơi vào cảnh lao đao, lo lắng từng ngày.

Trong những tháng gần đây, giá sầu riêng liên tục giảm mạnh. Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong những tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng - một trong những mặt hàng chủ lực của ngành rau quả - mới chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch đề ra. Tại cuộc họp khẩn sáng 8/5, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận định mức sụt giảm này là “nghiêm trọng”, gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến mục tiêu xuất khẩu chung mà còn trực tiếp kéo giá sầu riêng trong nước giảm sâu, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là do các quy định kiểm soát chất lượng từ phía Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam - ngày càng siết chặt. Trung Quốc hiện kiểm nghiệm 100% lô hàng nhập khẩu về dư lượng cadimi và chất vàng 0, yêu cầu các mẫu thử phải đạt chuẩn phòng thí nghiệm do nước này công nhận. Nếu không đạt, lô hàng sẽ bị tái xuất, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và làm chậm tiến độ thông quan.

Tình trạng đó khiến khâu thu mua trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thương lái hiện thu mua với tâm lý thận trọng, số lượng cầm chừng, chỉ gom hàng từ những vườn có mã số vùng trồng rõ ràng và uy tín cao. Anh Trần Văn Duy, một thương lái chuyên thu mua sầu riêng ở khu vực Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi thu vài tấn sầu riêng gửi lên kho để xuất đi Trung Quốc. Nay thì kho dừng nhận hàng vì bên kia kiểm tra gắt quá, trả hàng về liên tục. Tôi cũng không dám gom nhiều vì lỡ hàng không đạt chất lượng.”

Tình trạng này kéo theo hệ lụy dây chuyền, khi trái chín đầy vườn mà không bán được giá. Ông Lê Văn Út, nông dân trồng sầu riêng lâu năm ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang – chia sẻ: “Khoảng một tháng trở lại đây, giá sầu riêng liên tục giảm mạnh, khiến nông dân chúng tôi đứng ngồi không yên. Năm ngoái, vào mùa thu hoạch, thương lái tấp nập vào tận vườn tranh nhau mua, giá lúc nào cũng cao, bà con phấn khởi vì bán được giá, thu nhập khá. Còn năm nay thì giá cứ rớt từng ngày, thương lái thu mua nhỏ giọt. Vườn nhà tôi cũng như nhiều bà con khác đang đến kỳ thu hoạch, trái chín đầy mà bán không được giá, lời lãi chẳng còn bao nhiêu. Nếu kéo dài tình trạng này, nguy cơ lỗ vốn là điều khó tránh khỏi”.

Tại xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, tình cảnh tương tự cũng diễn ra. Ông Lê Minh Tâm, người gắn bó với sầu riêng gần 10 năm nay bày tỏ: “Gia đình tôi có khoảng 120 gốc sầu riêng đang cho trái. Trước đây, mỗi khi đến vụ, thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao, bà con chúng tôi vui lắm. Nhưng năm nay thì khác hẳn. Loại đẹp giờ chỉ còn khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg, còn loại xô thì chỉ 34.000 - 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, lợi nhuận gần như không còn”.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, một phần nguyên nhân khiến hàng hóa không đạt chuẩn đến từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Mỗi container sầu riêng xuất khẩu thường gom hàng từ nhiều hộ khác nhau, mỗi hộ lại có quy trình canh tác, sử dụng phân bón khác nhau, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại TP. Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe, không còn dễ dàng như trước. Nếu hàng hóa không đạt chuẩn, họ sẵn sàng tái xuất hoặc thậm chí tiêu hủy lô hàng. Trong khi đó, sản lượng nông sản chủ yếu vẫn do nông dân nhỏ lẻ sản xuất, mỗi nhà mỗi cách, nên rất khó kiểm soát chất lượng đồng đều”.

Bộ nông nghiệp vào cuộc, nỗ lực gỡ khó cho sầu riêng

Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc xử lý các vướng mắc kỹ thuật trong ngắn hạn, đồng thời đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và cải thiện hệ thống phòng kiểm nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chỉ đạo tháo gỡ khó khăn giải cứu sầu riêng. Ảnh: Khương Trung

Về dài hạn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, đặc biệt là đối với sầu riêng. Trọng tâm là xây dựng các quy định cụ thể, minh bạch hơn về mã số vùng trồng, điều kiện cơ sở đóng gói, cùng với hệ thống kiểm nghiệm và giám định chất lượng. Song song đó, cần thiết lập và chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn kỹ thuật toàn diện, bao gồm các giai đoạn từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu, nhằm đảm bảo chất lượng ổn định và đáp ứng yêu cầu từ thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, định hướng tái cơ cấu ngành hàng sầu riêng theo hướng bền vững được xác định là nhiệm vụ cấp bách. Bộ khuyến khích phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt là sầu riêng đông lạnh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi và hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu duy nhất.

Để triển khai hiệu quả, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã chỉ đạo thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; đồng thời thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu. Bộ cũng sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham gia của các doanh nghiệp và địa phương trọng điểm, nhằm thống nhất kế hoạch hành động và giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Để khỡ khó cho sầu riêng một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Chỉ khi chuỗi sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt ngay từ đầu, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn, ngành sầu riêng mới có thể thích ứng linh hoạt với biến động thị trường, từ đó tạo nền tảng ổn định cho người trồng yên tâm phát triển bền vững.

Ngân Nga
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Sóc Trăng

Tin cùng chuyên mục

Hải Phòng: Tổng duyệt diễu hành kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố

Phát triển công nghiệp dược liệu không phải việc của một địa phương

Vĩnh Phúc: Thu ngân sách vượt mốc 11.600 tỷ đồng chỉ sau 4 tháng

Lập Tổ công tác nghiên cứu ý tưởng lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng

Cơn bão giá vật liệu xây dựng đang càn quét Thanh Hóa

Vĩnh Phúc: Phát động phong trào thi đua 'Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Bình dân học vụ số'

TP. Hồ Chí Minh phát triển thêm 14 khu công nghiệp mới

70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng: Thành tựu và khát vọng vươn mình

Đà Nẵng 'bắt tay' Vingroup thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Hải Phòng: Tưng bừng hợp luyện duyệt đội ngũ và diễu hành

Quảng Bình: Phát động phong trào “Bình dân học vụ số”

Trí tuệ nhân tạo: Động lực mới phát triển Đà Nẵng

Doanh nghiệp Đắk Nông nỗ lực đa dạng hoá thị trường xuất khẩu

Thái Bình: Bắt giữ 671 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Thanh Hóa: 'Tái sinh' Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng

TP. Hồ Chí Minh: Công nghiệp, xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 4

Mai một nghề muối Sa Huỳnh giữa vùng di sản văn hóa

Thanh Hóa phát động phong trào 'Bình dân học vụ số'

Hải Phòng: "Thành phố Anh hùng" vươn mình bứt phá

Hà Nội truy quét thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bẩn