Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chuẩn bị đấu thầu dự án điện mặt trời Bộ Công Thương đưa ra quan điểm mới nhất về điện mặt trời áp mái |
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo phương án giá bán điện mặt trời nối lưới từ 7,09 – 7,69 Uscent/kWh (phương án 2).
Trước đó, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng từ ngày 01/07/2019, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng và trình Thủ tướng tại tờ trình 10170/Tr-BCT ngày 31/12/2019.
Ngày 16/01/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có văn bản chỉ đạo giao Bộ Công Thương tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/2/2020, Bộ Công Thương đã hoàn chỉnh dự thảo và báo cáo bổ sung số 06/BC- BCT ngày 6/2/2020.
Theo báo cáo số 06, Bộ Công Thương đề xuất 02 phương án quy định đối tượng được áp dụng giá bán điện như sau:
Phương án 1: Dự án hoặc phần dự án điện mặt trời nối lưới đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019, và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 01/07 năm 2019 đến hết ngày 31/12/2020 được áp dụng biểu giá mua điện cố định (FIT) của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện.
Phương án 2: Dự án hoặc phần dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 được áp dụng giá FIT của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện.
Theo phương án 1, sẽ có 7 dự án với tổng công suất khoảng 320 MW đã ký PPA và đáp ứng điều kiện cơ sở về dự án đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019. Còn theo phương án 2, có 36 dự án có chủ trương đầu tư với tổng công suất khoảng 2.988,9 MW.
Các dự án điện mặt trời đáp ứng điều kiện này và đưa vào vận hành trước ngày 01/01/2021 được áp dụng giá bán điện quy định là điện mặt trời mặt đất: 7,09 Uscent/kWh, Điện mặt trời nổi: 7,69 Uscent/kWh.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, các chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã kiến nghị do nhiều dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã bỏ nhiều thời gian, kinh phí hoàn thành các thủ tục quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị xây dựng, thi công các hạng mục phụ trợ và hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật. Việc chưa ký PPA phần hớn do nguyên nhân khách quan là sau thời điểm 30/6/2019, Quyết định 11 hết hiệu lực nên chưa có cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết PPA với nhà đầu tư.
Với các dự án như trên nếu chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh có khả năng sẽ làm chậm tiến độ dự án, gia tăng thời gian, chi phí và nguồn lực đối với nhà đầu tư cũng như giảm hiêu quả dự án.
Mặt khác, các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa có cơ chế điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu dự án không được thực hiện sẽ dảnh hưởng đến cam kết của UBND tỉnh, ảnh hưởng môi trường đầu tư, ảnh hưởng uy tín đối với chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện trong những năm tới hoặc phải huy động nguồn điện chạy dầu với giá cao, việc huy động được công suất của các dự án điện mặt trời đã và đang triển khai các thủ tục chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng và kịp đưa vào vận hành trong năm 2020 sẽ bổ sung kịp thời nguồn cung cấp trước nguy cơ thiếu điện tại miền Nam trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, Bộ Công Thương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo phương án 2.
Như vậy, tại cuộc họp, trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các Bộ, ngành liên quan theo phương án đề xuất của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó làm rõ những mặt được, mặt hạn chế của phương án lựa chọn; khẩn trương báo cáo Thủ tướng trước ngày 27 tháng 2 năm 2020.