Sáo mũi - tiếng lòng của phụ nữ dân tộc Khơ Mú
Những người phụ nữ dân tộc Khơ Múkhông những chăm chỉ trong lao động, sản xuất, mà còn có khả năng cảm thụ âm nhạc cũng như khéo léo chế tác và diễn tấu các nhạc cụ tre, nứa. Trong đó, nhạc cụ truyền thống sáo mũi đã được những người phụ nữ Khơ Mú gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Khơ Mú.
Nghệ nhân Quàng Thị Dua trình diễn sáo mũi |
Bà Quàng Thị Dua- dân tộc Khơ Mú, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biêncho biết: Thổi sáo bằng mũi là cách sử dụng nhạc cụ làm bằng tre, nứa đưa vào mũi, dùng hơi mũi để tạo ra âm thanh. Để thổi được sáo mũi còn khó hơn nhiều so với thổi sáo bằng miệng. Người học thổi sáo mũi phải biết lấy hơi và điều tiết hơi trong mũi sao cho thật nhịp nhàng, đẩy hơi qua mũi để sáo phát thành âm thanh theo làn điệu dân ca.
Bà Dua cho rằng, do cây sáo mũi không có lỗ chỉnh âm nên hơi phát ra từ lỗ mũi sẽ quyết định âm điệu của tiếng sáo. Bởi thế nên khi thổi sáo mũi, tôi phải biết cách điều chỉnh làn hơi, biết tiết chế hơi từ bụng để khi thổi từ mũi ra, âm thanh thoát ra nhẹ nhàng, theo âm điệu của bài hát.
Khi biểu diễn sáo mũi, nghệ nhân chỉ dùng một tay vừa giữ cây sáo đúng vị trí, vừa bấm lỗ sáo, còn tay kia múa theo điệu nhạc. Cách tấu sáo của phụ nữ dân tộc Khơ Mú còn đặc biệt ở chỗ, người độc tấu vừa thổi sáo vừa chen vào giữa những khúc nhạc du dương lời hát trữ tình. Khi biểu diễn họ nhún nhảy, lắc eo theo điệu nhạc, khiến cả thân hình trở nên uyển chuyển. Các bài hát phần lớn đều do họ ứng khẩu theo các làn điệu dân ca cổ.
Với dân tộc Khơ Mú, người chủ động trong giao duyên không phải là các chàng trai mà là các cô gái. Họ dùng tiếng sáo mũi để thổ lộ tình cảm, tâm tình, tặng cho người mình yêu, tiễn người yêu những lúc đi xa, bày tỏ ước nguyện của lòng mình... Ngoài ra, sáo mũi còn được người phụ nữ dân tộc Khơ Mú thổi trong các dịp lễ tết, hội hè, các buổi giao lưu văn nghệ. Tiếng sáo là tiếng lòng của người con gái Khơ Mú nói lên tình yêu gia đình, lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Khi đến tuổi trưởng thành, cô gái Khơ Mú còn dùng tiếng sao để nói lên tình yêu với chàng trai của đời mình.
Không chỉ biết thổi sáo mũi, những nghệ nhân thổi sáo mũi dân tộc Khơ Mú còn biết chế tác cây sáo mũi, họ tự thẩm âm để làm ra những cây sáo thổi ra âm thanh hay. Làm sáo là công việc khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ cũng như sự công phu của người chế tác.
Sáo mũi được làm từ ống tre. nứa thẳng, dài chừng 50- 60 cm |
Sáo mũi của dân tộc Khơ Mú được làm từ ống tre. nứa thẳng, dài chừng 50- 60 cm. Tre, nứa được dùng để làm sáo phải là loại bánh tẻ để có độ vang tốt nhất, 2 đầu thanh nứa được bịt kín bằng 2 mấu để sáo có độ kín hơi. Sau khi phơi trong bóng râm để ống nứa khô, đục 2 lỗ nhỏ, trong đó, 1 lỗ trên dùng thổi hơi vào, 1 lỗ dưới dùng để bấm chỉnh âm thanh phát ra của sáo.
Theo bà Dua, công việc khó khăn nhất, quyết định sự thành công khi chế tác sáo mũi là tạo lỗ thổi hơi. Tại đầu được chọn để thổi của ống nứa, sẽ được tạo một màng âm thanh rất mỏng bằng dao thật sắc. Một tay giữ ống nứa, một tay cầm dao bào nhẹ nhàng cho đến khi đầu ống nứa mỏng như sợi bánh đa thì việc làm sáo coi như hoàn tất. Khi làm mà không cẩn thận, quá tay lại mất cái màng đấy thì phải vứt đi, hoặc dày quá thì chưa tạo ra âm thanh.
Từ những cây tre, cây nứa, qua đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thiết tha yêu đời của những người phụ nữ dân tộc Khơ Mú đã làm nên những giai điệu lúc rộn ràng, khi sâu lắng. Tiếng sáo mũi phát ra làm cho tinh thần phấn chấn, khơi gợi ý trí vượt lên khó khăn trong cuộc sống, thêm lạc quan yêu đời của dân tộc Khơ Mú. Đó chính là tiếng lòng của người Khơ Mú, một dân tộc có tâm hồn luôn tươi vui và tràn ngập niềm tin. Sáo mũi là niểm tự hòa của phụ nữ dân tộc Khơ Mú đang được đồng bào gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên.