Thứ ba 29/04/2025 16:10

Độc đáo Tết dân tộc Khơ Mú ngay giữa Thủ đô Hà Nội

Cuối tuần lên Làng Văn hóa, chúng ta được ăn Tết với đồng bào Khơ Mú. Tết dân tộc Khơ Mú là dịp để đồng bào dâng lễ mời tổ tiên ăn Tết cùng con cháu.

Tết lớn nhất của người Khơ Mú

Tết dân tộcKhơ Mú (lễ cầu phúc, cầu may) thường được tổ chức hàng năm khoảng tháng 11-12 âm lịch sau khi gặt hái mùa màng xong. Đây là dịp mọi người trong gia đình đoàn tụ, nhớ về tổ tiên.

Tết dân tộc Khơ Mú là dịp mọi người trong gia đình đoàn tụ, nhớ về tổ tiên
Già trẻ đồng bào Khơ Mú mong được đón năm mới với nhiều điều may mắn

Ông Quàng Văn Biên dân tộc Khơ Mú, đến từ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Nghi lễ cầu may, cầu phúc thực chất là Tết lớn nhất trong năm của người Khơ Mú, mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, là dịp để con cháu dâng lễ lên tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu; làm lễ cầu cho các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh; tiễn năm cũ đi cùng tất cả những xui xẻo, ốm đau, bệnh tật; mong được đón năm mới với nhiều điều may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận, ấm no.

Đồ xôi làm bánh trong lễ Tết dân tộc Khơ Mú
Lễ vật trong lễ Tết dân tộc Khơ Mú
Chuẩn bị hai vò rượu cần trong lễ Tết dân tộc Khơ Mú

Tết dân tộc Khơ Mú được diễn ra trong quy mô từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản. Lễ vật để tổ chức Tết dân tộc Khơ Mú đơn giản, chỉ bao gồm các loại củ, quả, các loại hoa rừng... Ngoài ra, nhà nào cũng phải có đôi gà (1 con trống, 1 con mái), dòng họ Quàng (là dòng họ thờ con hổ) thì phải mổ lợn để làm lễ. Mỗi gia đình phải chuẩn bị vài hũ rượu cần để dâng lên tổ tiên và uống trong những ngày Tết dân tộc Khơ Mú.

Chủ nhà bôi tiết gà lên đầu gối của những thành viên trong gia đình
Thực hiện lễ cúng gia tiên

Khi lễ vật đã chuẩn bị xong, mọi người trong gia đình đều tập trung tại gian thờ tổ tiên, gần chum rượu cần để tiến hành nghi lễ. Nghi thức đầu tiên không thể thiếu trong Tết dân tộc Khơ Mú đó là chủ nhà bôi tiết gà lên đầu gối của những thành viên trong gia đình, lần lượt từ người nhỏ tuổi nhất đến người lớn tuổi nhất, cuối cùng bà chủ nhà sẽ bôi cho ông chủ. Trong lúc bôi tiết gà, ông chủ khấn cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, may mắn, mong cho tổ tiên phù hộ... những người tham dự lễ cũng đồng thanh khấn theo ông chủ, chúc phúc, cầu may, cầu sức khỏe cho mọi người trong nhà.

Lễ cầu hồn, vía cho mọi người trong nhà

Nghi lễ được thực hiện tại gian thờ - nơi mời tổ tiên ăn Tết. Mâm lễ gồm các đồ lễ đã được bà chủ nhà chuẩn bị sẵn. Mâm lễ là một chiếc mâm gỗ vuông, nhỏ (kích thước khoảng 40cm x 40cm, được treo ở gian thờ, chỉ khi làm lễ cúng mới bỏ xuống) hoặc một phên tre, đặt 1 bát các loại củ, quả đồ chín, 2 con gà được luộc chín, chặt ra để lên mâm, một bát canh rau (hoặc bát nước luộc gà), 1 bát muối ớt, đặt 4 thìa, 4 đôi đũa ở 4 góc mâm, 1 ép xôi to.

Chủ nhà cầu khấn cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, may mắn
Cầu hồn, vía cho mọi người trong nhà

Chủ nhà bắt đầu làm lễ, ông mặc trang phục bình thường nhưng phải vắt lên vai một chiếc khăn mặt để tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên. Sau đó chủ nhà mở ép xôi, vê xôi thành từng miếng nhỏ bằng đầu ngón tay, chấm chấm vào các đồ lễ, rồi dính lên tóc của con, cháu, theo thứ tự từ người bé nhất đến người lớn nhất đều được dính mỗi người 2 miếng xôi (người nào đội khăn thì có thể dính lên trán), người nào có gia đình rồi mà con cái đi vắng không về dự được thì dính thêm 1 miếng xôi lên tóc của bố, mẹ.

Nghi thức dính xôi lên tóc của con, cháu

Vừa dính xôi, chủ nhà vừa cúng khấn cầu mong cho con cháu khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, không rủi ro, tai nạn; tiễn năm cũ, đón năm mới. Cuối cùng bà chủ nhà sẽ vê xôi dính lên tóc ông chủ nhà và cầu khấn cho ông khỏe mạnh, may mắn, nhiều phúc, nhiều lộc. Trong khi ông, bà chủ nhà cúng khấn thì mọi người tham gia cũng đồng thanh cúng khấn theo xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia chủ khỏe mạnh, may mắn.

Mọi người cùng nhau uống rượu cần chúc phúc cho gia chủ
Múa hát mừng lễ Tết dân tộc Khơ Mú

Cúng xong cho mọi người trong gia đình, ông chủ thực hiện nghi lễ mời tổ tiên ăn Tết. Ông cũng vê từng miếng xôi nhỏ chấm vào các bát thức ăn rồi dính vào mặt mâm, vừa dính xôi, ông vừa khấn mời tổ tiên ăn Tết, cầu khấn tổ tiên phù hộ cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm sinh sôi.

Tết dân tộc Khơ Mú là nghi lễ truyền thống hiện tính cộng đồng, đoàn kết

Tham gia và chứng kiến lễ Tết dân tộc Khơ Mú được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chúng ta cảm nhận được phần nào nghi lễ truyền thống của người Khơ Mú, thể hiện tính cộng đồng, đoàn kết của những người trong gia đình, dòng họ, làng bản ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Phạm Tiệp
Bài viết cùng chủ đề: Tết dân tộc

Tin cùng chuyên mục

Gia Lai tăng giá trị cho cà phê đặc sản

Gia Lai phát triển chợ vùng sâu, mở lối sinh kế bền vững

Từ chợ bản đến chuỗi siêu thị: Hành trình vươn xa của sản phẩm vùng dân tộc Bắc Giang

Hàng hóa của bà con đồng bào dân tộc ‘đắt khách’ tại Hội chợ VITM Hà Nội

Đào tiên Ngân Sơn: Trái ngọt đổi thay vùng đất khó

Nhiều phần quà ý nghĩa đến với bà con đồng bào thiểu số tỉnh Thanh Hóa

Chân dung cô gái 9X giúp bà con vùng cao đổi đời

Lễ hội Chrôi Rum Chếk tỉnh Sóc Trăng diễn ra khi nào?

Nông sản Mộc Châu đắt khách nhờ sức hút du lịch

Chung tay tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng dân tộc

Người Jrai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng ở Gia Lai

'Tiếp sức' cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Sơn La: nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hà Nội: Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025 có gì đặc sắc?

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên