“Săn” tệp khách hàng riêng biệt, LienVietPostBank tăng tốc số hóa, chạy đua bán lẻ
Bán lẻ tăng trưởng ấn tượng nhờ tệp khách hàng nông thôn
Bán lẻ là miếng bánh béo bở mà tất cả các ngân hàng đều nhắm tới. Theo các chuyên gia ngân hàng, mảng bán lẻ của ngân hàng Việt sẽ tăng theo cấp số nhân trong vòng 5-10 năm tới, cơ hội được mở ra cho tất cả ngân hàng. Những ngân hàng tiên phong trong từng phân khúc thị trường, phân khúc khách hàng, giải quyết tốt nhất nhu cầu tài chính cá nhân của khách hàng… sẽ có nhiều lợi thế giành thị phần.
Tại địa bàn các thành phố lớn, cạnh tranh giữa các ngân hàng về mảng bán lẻ rất khốc liệt. Miếng bánh ngân hàng bán lẻ ở nông thôn “khó nhằn” hơn vì chi phí cao. Nhưng cũng chính vì thế, những ngân hàng tiên phong ở địa bàn nông thôn lại đang có nhiều dư địa tăng trưởng hơn cả, bởi đây là thị trường rộng lớn và rất tiềm năng.
Hiện nay, trong khối ngân hàng TMCP, LienVietPostBank là ngân hàng có mạng lưới rộng lớn nhất, chủ yếu ở ở địa bàn nông thôn. Nhờ tận dụng mạng lưới này, LienVietPostBank đã có tốc độ tăng trưởng tín dụng bán lẻ vô cùng ấn tượng.
Kết thúc năm 2021, tín dụng bán lẻ của ngân hàng này tăng 30% so với năm 2020, chiếm 74% trong tổng tăng trưởng tín dụng toàn hàng. Nhìn vào cơ cấu tín dụng bán lẻ, có thể thấy, mảng tín dụng bán lẻ ở nông thôn của LienVietPostBank tăng trưởng tốt nhất: Cho vay sản xuất kinh doanh tăng trưởng 43%, cho vay nhà đất tăng trưởng 36%, cho vay nông nghiệp nông thôn tăng trưởng 61%.
LienVietPostBank tăng tốc số hóa dịch vụ ngân hàng |
Sở hữu tệp khách hàng đa dạng, có ưu thế vượt trội ở địa bàn nông thôn so với các ngân hàng khác giúp LienVietPostBank duy trì được tốc độ tăng trưởng bán lẻ ấn tượng ngay cả trong hai năm đại dịch Covid 19 xảy ra. Trong khi nhiều ngân hàng có mạng lưới chủ yếu tập trung ở thành phố bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh (do giãn cách xã hội) thì mạng lưới phủ rộng khắp đến cấp huyện của LienVietPostBank đã giúp ngân hàng có thể khai thác khách hàng tại tất cả các địa bàn, đặc biệt là các địa bàn nông thôn. Chính vì vậy, việc giãn cách xã hội trong thời gian dài tại một số tỉnh thành không tác động quá lớn đến hoạt động của Ngân hàng.
Không những thế, hai năm qua, dịch Covid 19 đã thay đổi đáng kể thói quen của người dân nông thôn, xu hướng thanh toán không tiền mặt ở nông thôn tăng mạnh. Thời gian qua, LienVietPostBank đã tận dụng tốt mạng lưới của mình để triển khai đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh, cho vay nông nghiệp nông thôn, và cho vay các đối tượng khách hàng hưởng lương ngân sách nhà nước có thu nhập ổn định.
Bên cạnh giữ vững trận địa bán lẻ nông thôn, LienVietPostBank cũng tích cực cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng và phong phú cho khoảng trên 30.000 khách hàng doanh nghiệp, ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với nhiều tập đoàn lớn để mở ra nhiều tiềm năng phát triển bán lẻ.
Để kích thích khách hàng sử dụng các sản phẩm, từ năm 2021, LienVietPostBank đã đưa ra triển khai gói sản phẩm kết hợp nhiều ưu đãi toàn diện với mục tiêu gia tăng số lượng sản phẩm dịch vụ sử dụng trên một khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó mang lại nguồn lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ tốt hơn cho Ngân hàng… Năm 2021, chiến dịch “Combo siêu ưu đãi” của LienVietPostBank sau 6 tháng triển khai đã nâng số lượng khách hàng sử dụng từ 3 sản phẩm trở lên tăng gấp 3 lần so với trước đó.
Tăng tốc số hóa để đẩy mạnh bán lẻ
Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi mạnh trong năm 2022 nhờ những tín hiệu lạc quan bắt đầu từ cuối quý I/2022. Người dân đang bắt đầu mạnh tay chi tiêu mạnh trở lại cho mua sắm, giải trí, du lịch… Điều này sẽ giúp mảng ngân hàng bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy vậy, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu dùng số, thanh toán số, chỉ riêng lợi thế mạng lưới là chưa đủ. Những ngân hàng vừa có lợi thế mạng lưới lại vừa đẩy mạnh chuyển đổi số là sự kết hợp hoàn hảo để tận dụng lợi thế trên mọi địa bàn bán lẻ.
Lãnh đạo LienVietPostBank cho hay, hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển ngân hàng bán lẻ, nhằm tăng tiện ích đa dạng cho khách hàng, Ngân hàng đặc biệt chú trọng đến việc đa dạng hóa hệ sinh thái số bằng việc hợp tác với hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ. Hiện nay, hầu hết các dịch vụ thanh toán hóa đơn thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa đều có thể thực hiện trên LienViet24h.
Với sự đầu tư mạnh tay cho số hóa, ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích mới, lượng khách hàng mới của ngân hàng liên tục tăng mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng.
Từ cuối tháng 10/2021, LienVietPostBank đã đưa vào thí điểm phòng giao dịch số thông minh với các thủ tục được số hóa. Ngoài ra, ngân hàng cũng liên tục nâng cấp, bổ sung nhiều tiện ích mới và mở rộng hệ sinh thái của ứng dụng ngân hàng số LienViet24h. Không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm thanh toán, khách hàng còn có thể: gửi tiết kiệm online, cho vay cầm cố sổ tiết kiệm online, cho vay từ hạn mức thẻ tín dụng, mua bảo hiểm trực tuyến… ngay trên app.
Tính riêng trong năm 2021, toàn hệ thống phát triển mới gần 650.000 người dùng LienViet24h, trong đó số lượng người dùng liên kết với tài khoản thanh toán đạt trên 70%, nâng tổng số người dùng trên nền tảng Digital brand chạm mốc trên 3,5 triệu.
Cũng trong năm 2021 vừa qua, lượng khách hàng sử dụng thẻ của LienVietPostBank cũng tăng rất mạnh. Hiện tại sản phẩm Thẻ tín dụng đã là một trong các sản phẩm chủ lực của Ngân hàng. Cụ thể trong năm 2021 LienVietPostBank đã phát hành mới hơn 86.000 thẻ tín dụng các loại, trở thành một trong top những ngân hàng phát hành và kích hoạt Thẻ tín dụng nhiều nhất năm 2021 tại Việt Nam.
Việc kết hợp cả mạng lưới ngân hàng truyền thống lẫn ngân hàng số đang giúp LienVietPostBank xây dựng được hệ sinh thái tài chính toàn diện, phù hợp chiến lược chuyển đổi số nhằm hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.