Sản phẩm lưu niệm du lịch: Bao giờ phát triển?
Đồ lưu niệm của Việt Nam chưa hấp dẫn du khách
- Ít giá trị sử dụng
Đây là một trong những lý do khiến khách du lịch chưa mặn mà với hàng lưu niệm của Việt Nam. “Nếu một bức tranh thêu của Lào có thể lưu giữ tới 10 năm mà màu sắc và chất liệu vẫn rất đẹp, hay những con búp bê gỗ Matryoshka của Nga nổi tiếng khắp thế giới có thể lưu giữ qua vài thập kỷ… thì những những bức tranh thêu bằng thổ cẩm của Việt Nam không được bao lâu nhìn vào đã rất cũ”- anh Đinh Văn Phương- hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung lâu năm so sánh.
Việt Nam vốn tự hào là đất nước giàu bản sắc văn hóa và sở hữu nhiều làng nghề. Đi lên Tây Bắc có đồ dệt thổ cẩm; xuống vùng biển là đồ hải sản khô, hàng lưu niệm bằng vỏ sò, vỏ ốc; đến các tỉnh miền Tây, ngoài kẹo dừa, bánh pía, thì những khay đựng đồ hay những bức tranh được làm từ gáo dừa khá độc đáo; Hà Nội với đủ đồ gốm sứ, mây tre đan, vải lụa, áo dài… Đây là lợi thế để Việt Nam phát triển các sản phẩm lưu niệm du lịch. Tuy nhiên, anh Phương cho biết, không ít lần anh phải bối rối chọn mua đồ lưu niệm giúp khách du lịch, nhất là khách du lịch thích những đồ lưu niệm đặc trưng của Hà Nội. “Hà Nội nhiều sản phẩm nhưng cái gì là đặc trưng thì không có. Đồ mây tre đan thì khách chê là dễ bị mốc, hư hỏng; đồ gốm sứ thì họ sợ dễ vỡ, cồng kềnh, khó vận chuyển; lụa Vạn Phúc có đến 90% hàng nhập từ Trung Quốc… nên khách nhiều khi chỉ xem chứ mua làm quà tặng rất ít” – anh Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Mặt hàng lưu niệm của Hội An khá đơn giản như đèn lồng, hàng may mặc, quần áo, khăn lụa… nhưng bảo đảm tính chất gọn nhẹ, phù hợp với nhiều đối tượng khách, đặc biệt mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. |
Lợi nhuận thấp
Không cầu kỳ, chỉ gọn nhẹ nhưng những chiếc toà tháp đôi Petronat của Malaysia hay chiếc móc chìa khóa của Thái Lan có hình ảnh chú voi… đã khiến du khách mỗi dịp đến đất nước này phải chi ra tới 50 – 55% số tiền cho mua sắm. Trong khi du lịch ở Việt Nam khách chỉ dành ra 10 – 15% cho mua sắm. Trước nguồn lợi nhuận mang lại từ sản phẩm lưu niệm quá nhỏ so với tiềm năng du lịch của đất nước, từ năm 2009, Tổng cục Du lịch đã khuyến khích các địa phương đẩy mạnh phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch. Đặc biệt, nằm trong chương trình kích cầu du lịch, năm 2013, Tổng cục Du lịch đã đề nghị Bộ Công Thương phối hợp hướng dẫn các Sở Công Thương kết hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các địa phương phát động cuộc thi thiết kế quà tặng, hàng lưu niệm bán cho khách du lịch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch - đến nay, mới chỉ có Hội An thành công trong việc thiết kế và đưa sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng của địa phương vào phục vụ du lịch. Còn đa số các địa phương vẫn rất lúng túng với câu chuyện về quà lưu niệm. “Đây là vấn đề mà ngành du lịch đau đầu suy nghĩ. Song nếu chỉ riêng ngành du lịch sẽ không thể làm nổi. Tổng cục Du lịch chỉ đưa ra định hướng và tư vấn chứ không làm thay cho các địa phương được vì điều này phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, điều kiện tài nguyên khác nhau của mỗi điểm đến…”- ông Cường phân tích. Một ngày dạo quanh làng tranh Đông Hồ- (Bắc Ninh), chúng tôi lại thêm chạnh lòng. Có khá đông khách du lịch trong nước và quốc tế đến nhưng đa phần chỉ tham quan, tìm hiểu nghề làm tranh dân gian, còn người mua quà lưu niệm rất ít. Và làng nghề lụa Vạn Phúc (Hà Nội) cũng không nằm ngoài tình cảnh đó.
Thanh Tâm