Sản phẩm du lịch Nghệ An: Khơi dậy lợi thế
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu giới thiệu sản phẩm địa phương |
Còn đơn điệu
Theo ông Cao Đức Cường - Giám đốc Công ty Lữ hành ABC - sản phẩm đặc trưng của Nghệ An khá nhiều, nhưng mới đáp ứng khách nội địa chưa thu hút được khách nước ngoài. Muốn làm du lịch quốc tế, các sản phẩm phải có thương hiệu, khẳng định chất lượng và được chính quyền địa phương bảo đảm về nguồn gốc sản phẩm.
Kinh doanh trong ngành du lịch lâu năm, ông Võ Hồng Sáng - Giám đốc Công ty CP lữ hành Quốc tế Thái Sơn - vẫn băn khoăn mỗi khi nhắc đến ẩm thực du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng của Nghệ An. Nên chăng, trong quá trình xây dựng, các cơ quan chức năng cần định hướng cho khách sạn và nhà hàng ở Nghệ An để phát huy những ưu thế của ẩm thực địa phương, nhất là khi đối tượng phục vụ là khách du lịch. Về phương thức thực hiện, cũng không quá khó khăn. Đơn giản, ngành du lịch có thể định hướng và khuyến khích các đơn vị, mỗi một bữa ăn ít nhất phải có một món ăn địa phương. Qua đó, không chỉ quảng bá hình ảnh quê hương, mà còn từng bước giới thiệu sản phẩm, tăng sức mua đối với khách du lịch. Ngoài ra, nên thường xuyên tổ chức các hội chợ ẩm thực để giới thiệu các món ăn độc đáo của địa phương.
Nhằm phục vụ khách du lịch, một dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Vinh với mục đích giới thiệu quảng bá các sản phẩm đặc sản của Nghệ An, Hà Tĩnh đã được triển khai. Anh Vũ Mạnh Hoàng - đồng sáng lập Cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản - cho biết: Hiện 70% lượng khách đến với chúng tôi là khách du lịch và hầu hết khách hàng khi vào đây đều rất thích các đặc sản của Nghệ An như tương Sa Nam, bột sắn, bột gạo lứt, miến dong... Tuy nhiên, quá trình xác minh nguồn gốc sản phẩm rất khó khăn. Nhiều sản phẩm như: Nhút, trám, bánh đa, măng… đều do các hộ tư nhân sản xuất nên khi đưa vào cửa hàng tiêu thụ, chúng tôi phải hỗ trợ các hộ kinh doanh làm nhãn mác, hướng dẫn các thủ tục để bảo đảm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hỗ trợ mạnh tay
Nhằm hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng của Nghệ An phát triển và từng bước tiến gần hơn với sản phẩm du lịch, tháng 1/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua đề án nhằm phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Nghệ An đến năm 2025. Đáng chú ý, ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đề án cũng xác định phải phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với du lịch. Trong đó, sẽ xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá, thâm nhập cuộc sống cộng đồng tại vùng sản xuất, trang trại, làng nghề; kết hợp tổ chức trình diễn nghề, giới thiệu sản phẩm làng nghề vào các lễ hội du lịch hoạt động văn hóa cộng đồng; lồng ghép quảng bá sản phẩm vào các chương trình xúc tiến du lịch; vinh danh các nghệ nhân lao động giỏi...
Để thực hiện đề án này, công tác kết nối cung - cầu đã được các ngành công thương và du lịch quan tâm. Nhờ đó, 30 sản phẩm như: Nhút Thanh Chương, tương Sa Nam, măng chua Miền Tây, miến gạo Nam Đàn, tinh bột nghệ, rau, hoa lý tươi của HTX nông nghiệp Nam Xuân Xanh, bột sắn dây, nước mắm, mắm tôm của Vạn Phần, Quỳnh Lưu, ổi, bưởi hồng của Nghĩa Đàn, sản phẩm từ tảo của Công ty Hidumi Quỳnh Lưu, gạo Vĩnh Hòa, thổ cẩm Hoa Tiến… cũng đã được giới thiệu quảng bá tại nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến du lịch và được tiêu thụ rộng rãi.
Ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương Nghệ An) - cho biết thêm: Trên cơ sở của đề án, chúng tôi đang phối hợp với Sở Du lịch xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với du lịch. Trong kế hoạch này, chỉ chọn một số sản phẩm đặc trưng, thiết thực "được khách du lịch ưa thích" để hỗ trợ phát triển và có cơ chế để quảng bá, mở rộng thị trường và gắn với các tour, tuyến du lịch..., từ đó xây dựng thương hiệu và góp phần thúc đẩy du lịch Nghệ An phát triển bền vững.