Sàn giao dịch vàng âm thầm đóng cửa
- Khoảng 1 tháng gần đây, sau khi lực lượng công an triệt một số sàn vàng, hoạt động của các công ty khác gần như đóng băng, dù trước đó, nhân viên các sàn này vẫn công khai mời gọi các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Việc phá những vụ án về sàn giao dịch vàng thời gian gần đây là lời cảnh báo đối với các cá nhân, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, vì lợi nhuận cao đđã tham gia sàn giao dịch vàng khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đồng thời, các vụ án, vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời giúp ngăn chặn hành vi kinh doanh vàng, huy động vốn bất hợp pháp, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao của một số tổ chức, cá nhân”.
Theo thông tin của Bộ Công an, trên mạng Internet tồn tại 30 - 40 đơn vị kinh doanh vàng thông qua tài khoản. Từ đây, một lượng lớn tiền được huy động tham gia các kênh kinh doanh này mà không có sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, gây mất ổn định thị trường vàng, thị trường tiền tệ và trốn lậu thuế.
Mặc dù vẫn tồn tại các đơn vị kinh doanh vàng qua tài khoản (trái phép), song việc bắt giữ, xử lý là không đơn giản. Chính Đại tá Trần Văn Doanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) thừa nhận, sở dĩ các sàn vàng ảo tồn tại một thời gian mới bị bắt giữ là do hành lang pháp lý, quy định pháp luật ở nước ta liên quan đến vấn đề này còn chung chung.
“Mặc dù các công ty này đã hoạt động một thời gian và có diễn biến phức tạp, song quy định pháp luật còn chung chung, nên việc dựa vào các quy định hiện hành để bắt giữ ngay các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sau nhiều lần bàn bạc, thống nhất và lựa chọn thời điểm thích hợp để phá án, các lực lượng công an đã tiến hành triệt phá một số sàn vàng, thu về lượng tiền mặt vi phạm lớn nhất từ trước đến nay”, Đại tá Trần Văn Doanh cho biết.
Một vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là sau khi các sàn vàng bị bắt, nhà đầu tư có đòi lại được tiền không, có bị cơ quan quản lý xử phạt không?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội), hành vi mở sàn vàng, sàn ngoại hối trái phép là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo quy định, những người tham gia kinh doanh vàng tài khoản và ngoại hối cũng vi phạm các quy định pháp luật. Do đó, các khoản tiền tham gia các giao dịch vàng, ngoại tệ trái pháp luật sẽ bị tịch thu. Tùy theo mức độ vi phạm, những người tham gia kinh doanh vàng tài khoản và ngoại hối sẽ bị xử lý, với mức thấp nhất là xử phạt hành chính, cao hơn là bị truy tố.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Đại tá Trần Văn Doanh khẳng định, các vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Xét về lý, những nhà đầu tư tham gia sàn vàng đều có thể bị phạt vì đã vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, đa phần nhà đầu tư bị lôi kéo, bị lừa do không am hiểu quy định pháp luật, nên có khả năng sẽ không bị xử phạt.
Về thời điểm triệt phá các sàn vàng, Đại tá Trần Văn Doanh cũng cho hay, cơ quan điều tra đã lựa chọn rất kỹ thời điểm bắt giữ để có thể thu hồi được số tiền lớn nhất, tránh thiệt hại tối đa cho nhà đầu tư. Thực tế, sau khi triệt phá sàn vàng Khải Thái, lực lượng công an đã thu được 70 tỷ đồng tiền mặt – số tiền mặt thu giữ được lớn nhất từ trước đến nay của ngành công an.
Về việc nhà đầu tư có nhận lại được số tiền đã đầu tư vào các sàn giao dịch Khải Thái, VGX, Hung Kee…, theo các luật sư, khả năng thu hồi là rất thấp, bởi số tiền mà lực lượng công an thu được chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số tiền mà các công ty này đã huy động của nhà đầu tư.
Theo Báo Đầu tư